“Chúng tôi thúc giục Mỹ xem xét những hậu quả có thể xảy ra” – ông Maas nói trong một tuyên bố và ông coi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là một trụ cột quan trọng của “kiến trúc an ninh châu Âu”.
Thỏa thuận cấm tên lửa hạt nhân tầm ngắn, tầm trung và các bệ phóng của chúng, được Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và Lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev ký vào năm 1987. Thỏa thuận này được xem là một trong những yếu tố quan trọng chấm dứt hiệu quả cuộc Chiến tranh lạnh và đưa châu Âu ra khỏi nỗi sợ hãi về một vụ tàn sát quy mô lớn bằng hạt nhân.
Hôm 20/10, ông Trump tuyên bố ý định chấm dứt hiệp ước trên. Ông cho rằng Nga đã vi phạm thỏa thuận – điều mà Moscow liên tục bác bỏ. Đức thúc giục Nga giải quyết những lo lắng của Mỹ nhưng đồng thời cũng lưu ý Nhà trắng về việc chấm dứt thỏa thuận đã kéo dài nhiều thập kỷ này.
Các quan chức Moscow cũng cảnh báo rằng việc Washington rút khỏi thỏa thuận trên sẽ khiến những thỏa thuận tương tự gặp nguy hiểm và có thể phá hoại hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.