(GD&TĐ) - Trong cuộc thi quảng bá tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của TP Cần Thơ, họa sĩ Văn Phúc, nguyên giáo viên dạy Mỹ Thuật trường Cao đẳng Cần Thơ, có những tác phẩm tham dự gây ấn tượng cho người xem.
Đáng chú ý bức tranh sơn dầu khổ lớn (1,2m x 0,8m) Bác nhường ngựa cho viên phi công Mỹ có bố cục và hòa sắc đẹp. Anh tâm sự: “Tôi đã đọc hồi ký ‘Bác Hồ - những kỷ niệm không quên’ của thượng tướng Phùng Thế Tài. Từ những câu chuyện cảm động qua ‘ngôn ngữ văn học’, tôi dùng ‘ngôn ngữ hội họa’ chuyển tải thành tranh để nhiều người được biết mà học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách thiết thực nhất. Tôi vẽ đi vẽ lại gần 4 tháng trời mới xong”. Và bức tranh đã đoạt giải Đặc biệt cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của TP Cần Thơ năm 2010.
Họa sĩ Văn Phúc |
Trong gần hai chục bức gò nhôm của anh, người xem ấn tượng nhất là bức Giai điệu quê hương (khổ 1,2m x 0,95m). Suốt ba tháng ròng, anh gõ hàng triệu triệu mũi đục nhỏ li ti xuống tấm nhôm trắng. Mảng này lõm, mảng kia nổi, dần dần bức tranh gò nhôm đã hoàn thành. Anh dùng đèn xì thổi hơi nóng lên tranh để tạo màu rồi phết một lớp keo mỏng lên cho bóng. Thế là bức tranh như sống động hẳn lên với không gian ba chiều. Bức tranh có ba nhân vật, hai người ca và một người chơi đàn kìm tràn đầy sức sống, niềm vui. Phía xa là những lá dừa nước làm nền. Tranh vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc đậm nét. Bức tranh đã đoạt giải Nhì cuộc thi tranh, tượng của Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ.
Bên cạnh những bức tranh bột màu và ký họa đen trắng rất ấn tượng, anh còn có nhiều tượng bằng gỗ mít, gỗ mù u, như Quá khứ và hiện tại phản ánh 2 cuộc kháng chiến của dân tộc ta và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tượng Ngẫu hứng toát lên vẻ đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn về người nông dân Việt Nam gắn bó với “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Các tượng Sức sống đồng bằng, Được mùa, Giờ Tý, Dao găm thời văn hóa Đông Sơn, Thần Vishnu và văn hóa Óc eo… đều nhằm ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng trong lịch sử chống ngoại xâm, ca ngợi tình yêu, gia đình, phản ánh những phong tục, tập quán của cư dân Nam Bộ.
Giai điệu quê hương - Tác phẩm của HS Văn Phúc |
Những bức ký họa chân dung cho du khách, đường nét ít nhưng đều thể hiện được thần thái của nhân vật như các bức ký họa: Dưới chân tháp Chàm Ponaga, Trước biển, Múa hát Chăm…
Nói về dự định tương lai, họa sĩ Văn Phúc cho biết: “Tôi chỉ ước một điều đơn giản là mình khỏe mạnh để sáng tác nhiều hơn nữa. Tôi đã lên kế hoạch vẽ khoảng 20 bức tranh sơn dầu và 20 bức gò nhôm (trong đó có bức gò mặt trống đồng Ngọc Lũ đường kính 1m) thể hiện một số mặt về lối sống, đạo đức cao đẹp, tâm hồn trong sáng của Bác Hồ và phản ánh đời sống cư dân ĐBSCL trong “mở cõi”, trong sản xuất, chiến đấu, trong công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Lê Xuân