(GD&TĐ) - Cuộc sống vợ chồng vốn là mối quan hệ phức tạp và tế nhị. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn khi giữa hai vợ chồng có những “khoảng lệch” về cả hình thức lẫn nội dung. Chúng hiện hữu giữa hai vợ chồng giống như những vết đen ngày càng lớn dần, lại càng không thể xóa bỏ khoảng cách, nếu như cả hai không biết cách dung hòa và cảm thông lẫn nhau.
Chênh lệch nhận thức: Mỗi lần sánh vai chồng đến các cuộc họp mặt bạn bè, tiệc cưới, sinh nhật…, chị Nguyệt Hằng, trưởng phụ trách bộ phận lễ tân tại một khách sạn lớn thường nghe đồng nghiệp cấp dưới xì xào: “Mấy ai được may mắn như sếp của mình. Lấy chồng vừa giỏi giang lại vừa phong độ”. Những lần như thế, chị Hằng luôn cảm thấy khó chịu nhưng vốn không thích tranh cãi nên chẳng bao giờ lời qua tiếng lại với “mấy kẻ ăn không ngồi rồi”, như lời nhận xét của chị. Quả thật chồng chị, anh Trần Long, đang công tác tại ngành điện, không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn có hình thức rất “bắt mắt”, vì anh nhỏ hơn chị đến gần bốn tuổi. Từ lúc lấy chồng, chị vẫn có mặc cảm thua kém chồng về hình thức nên khi nhìn thấy anh có những cử chỉ ga lăng hoặc nói chuyện cởi mở với những cô gái trẻ tuổi hơn vợ, chị không nén nổi cơn bực tức trong lòng. Nói ra thì vợ chồng gây gổ, còn nín nhịn thì không được. Vì thế, chồng đi đâu chị cũng tìm cách đi theo cho bằng được để kềm chân anh bằng những lời nói bóng gió xa xôi. Trước mặt mọi người, anh Long, cố nhịn cho qua nhưng càng nhịn chị càng làm tới. Chị Hằng cứ một mực cho rằng, chồng mình có tính trăng hoa còn anh Long quyết liệt đính chính: “Có gì mà làm ầm ĩ lên thế! Cứ cái đà này anh làm thật cho mà xem!”. Chuyện tưởng chỉ có vậy, nhưng không ngờ mới đây qua bạn bè mới biết, họ đã li hôn nhau. Trong một đợt công tác xa nhà, anh chồng trẻ của chị Hằng đã không kềm lòng trước một cô gái tỉnh lẻ tuy quê mùa, nhưng được cái cô ta nhỏ hơn anh gần năm tuổi.
Theo các nhà tâm lý, không phải đôi đũa lệch nào cũng lâm vào cảnh bi đát như trên. Tuy nhiên, không ít đôi lứa do chênh lệch về tuổi tác thường gắn liền với sự “so le” về nhận thức nên rất khó hòa hợp. Điều này có thể hóa giải khi cả hai vợ chồng cùng biết nhìn về một hướng, đừng vì vấn đề tuổi tác mà sinh ra nghi kỵ hoặc ghen tuông một cách vô cớ. Thay vào đó, hãy biết nhìn vào những ưu điểm của nhau và hiểu nhau hơn để tìm sự đồng điệu giữa hai tâm hồn.
Ảnh minh họa |
Chênh lệch trình độ: Trên thực tế, “chồng hơn vợ một cái đầu” có vẻ như là một điều dễ chấp nhận, còn nếu ngược lại thì thường dẫn đến lắm tình huống cũng… dở khóc dở cười. Chị Hương ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, có chồng là sĩ quan quân đội do bị tai nạn nên phải nghỉ hưu sớm. Chị công tác tại một ngành mà theo yêu cầu công việc, phải thường xuyên đi công tác ở nước ngoài. Cứ mỗi lần bạn bè đến nhà chơi, chị luôn say sưa kể về những chuyến đi xa không chỉ thú vị mà còn mang lại cho chị nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, mà quên chẳng để ý đến ông chồng ngồi như người thừa bên cạnh mình. Khi mấy người bạn không ngớt tán dương tài năng của chị, anh Hưng, chồng chị thường im như thóc. Thấy vậy, có lần một người bạn chẳng biết vô tình hay cố ý nói với anh: “Anh thiệt có phước mới có chị nhà giỏi giang. Không cần làm cũng có ăn!”. Từ bữa đó, anh Hưng luôn tìm mọi cách để “cách ly” với vợ. Đến nỗi tới bữa cơm, anh chẳng buồn ăn chung với chị như mọi lần.
Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ ra ngoài làm việc và giữ các vị trí chủ chốt quan trọng trong xã hội. Bênh cạnh việc mang lại nguồn lợi cho gia đình, họ còn là tấm gương để con cái noi theo. Gia đình sẽ thực sự giàu có, hạnh phúc nếu có một người vợ giỏi giang. Tuy nhiên, trong mối quan hệ vợ chồng, người vợ cần tỏ ra tế nhị trong cách cư xử với chồng mình, vì đàn ông mà không bằng vợ thường có tâm lý mặc cảm rất cao. Người vợ cần khéo léo và tế nhị, biết cách đề cao giá trị của người chồng trước mọi người, cũng như biết thông cảm, chia sẻ với nỗi lòng của chồng. Có như thế, mới giải tỏa được tâm lý cho chồng và cuộc sống vợ chồng sẽ thoải mái hơn.
Và gia cảnh chênh lệch: Nghe tiếng vợ chồng anh Khánh chị Liên to tiếng, ai cũng đoán họ đang cãi nhau vì chuyện… tranh quyền trong nhà. Anh Khánh vốn là chủ một tiệm đồ gỗ khá lớn trong thành phố, gia đình lại khá giả. Chị Liên, cô gái tỉnh Bến Tre cũng xinh đẹp có tiếng nhưng gia cảnh lại không bằng nhà chồng. Anh Khánh lấy vợ cũng do cha mẹ hai bên sắp đặt. Chị Liên tuy chỉ ở nhà lo việc nội trợ nhưng là người phụ nữ đảm đang, biết vén khéo gia đình lại hết lòng với chồng con, nên chị được nhà chồng yêu mến, chỉ có chồng chị là không như thế. Anh Khánh luôn tỏ ý xem thường vợ, mọi chuyện trong nhà chị Liên chẳng bao giờ được tham gia vì anh cho rằng, mình “nhiều của” hơn vợ thì được quyền quyết định tất cả. Thoạt đầu, chị Liên chỉ cho đó là tính gia trưởng cố hữu của chồng nên không để ý, miễn sao mọi thứ suôn sẻ là được, nhưng dần dà, thái độ của anh làm chị bất mãn ra mặt. Sự chênh lệch giữa hai người ngày càng xa hơn, khi ngay cả việc dạy bảo con cái anh cũng không nể mặt vợ. Anh Khánh thẳng thắn đối kháng với vợ khi chị muốn làm theo ý của mình. Hơn thế, khi họ hàng bên nhà vợ lên thăm, anh chẳng bao giờ có mặt ở nhà để tiếp khách. Thái độ thiếu tôn trọng của anh đã gây ra bao lần tranh cãi giữa hai người.
Sự chênh lệch về gia cảnh, gia thế trong đời sống vợ chồng sẽ là sự tổn thương nặng nề về mặt tinh thần khi mà người chồng hoặc vợ tỏ ra thiếu tế nhị trong cách cư xử và thiếu tôn trọng về người bạn đời của mình. Đừng chỉ vì hơn kém nhau về vật chất mà vô tình quên đi những tình cảm thiêng liêng với người bạn đời. Chính sự cảm thông và cùng đồng cam cộng khổ giữa hai vợ chồng mới là điều đáng trân trọng hơn cả.
Hà Tiên