Đưa hát ru vào giấc ngủ trưa của trò

GD&TĐ - Với sáng kiến đưa những lời hát ru hay các câu chuyện kể nhẹ nhàng vào giờ nghỉ trưa, các em học sinh đã vô cùng thích thú và ngủ ngon hơn.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy được phụ huynh quý mến vì tinh thần yêu nghề, yêu trẻ và tâm huyết với nghề giáo. Ảnh: Đình Tuệ.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy được phụ huynh quý mến vì tinh thần yêu nghề, yêu trẻ và tâm huyết với nghề giáo. Ảnh: Đình Tuệ.

Tình yêu thương học trò là trên hết

Công tác trong ngành Giáo dục hơn 30 năm nay, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) đã dành trọn tâm huyết, tình cảm của mình với giáo dục quê hương. Đặc biệt, trong tiến trình đầy vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào đó, cô Thủy đã xây dựng cho nhà trường một tập thể đoàn kết, nhân ái và biết quan tâm, sẻ chia tới mọi người, nhất là các em học sinh.

Trong dòng tâm sự nhân dịp hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Thủy bộc bạch: "Tôi vào ngành từ năm 1991, cái cảm giác lần đầu tiên được đứng trên bục giảng cầm phấn trắng và giảng bài cho đàn em thơ thực sự xúc động mà rất đỗi khó diễn tả thành lời. Ngắm nhìn những gương mặt ngây thơ, hồn nhiên và ánh mắt trong veo của các em, tôi như sống lại tuổi thơ của mình. Cũng từ giây phút ấy, tôi tự nhủ sẽ cố gắng hết mình để thực hiện sứ mệnh cao cả ươm mầm tương lai cho quê hương".

Và từ ấy, đêm đêm dưới ánh đèn khuya, cô lặng lẽ soạn bài, có những hôm soạn đi soạn lại một tiết dạy rồi miệt mài kẻ, vẽ, cắt, dán để có được những đồ dùng trực quan sinh động, bắt mắt để có được giờ học sao cho vừa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp các em hứng thú và yêu thích môn học. Để làm được điều này, cô luôn lắng nghe để thấu hiểu tâm tính của từng học trò trên lớp để có phương pháp giáo dục phù hợp.

Dù ở cương vị giáo viên hay cán bộ quản lý, cô Thủy luôn quan tâm, yêu thương học trò.

Dù ở cương vị giáo viên hay cán bộ quản lý, cô Thủy luôn quan tâm, yêu thương học trò.

Với những học sinh hoàn cảnh, cô thường xuyên động viên các gia đình cho các em đến lớp đầy đủ, phụ đạo ngoài giờ cho các em khó khăn về mặt nhận thức để các em tiếp thu kiến thức theo kịp bạn bè, tặng các em cây bút, quyển vở, viên phấn, dù là rất nhỏ bé nhưng cô nhận thấy niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt các em, điều đó làm cô Thủy thêm hạnh phúc và yêu nghề hơn.

Là người đồng nghiệp gắn bó khá lâu với ngôi trường này, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Tổ trưởng Tổ 1 của Trường Tiểu học Di Trạch cho rằng, cô Nguyễn Thị Thu Thủy là cán bộ quản lý có tâm và tầm. Qua bao vất vả, đến nay nhà trường đã là một tập thể đoàn kết, luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bản thân cô Hiệu trưởng luôn gương mẫu, đi đầu từ tác phong, lời nói, trang phục, hiệu quả công việc, tính kỷ luật, lời nói phải đi đôi với làm.

"Cô Thủy luôn lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng nhằm nuôi dưỡng bầu không khí làm việc thân thiện, hoà đồng, lịch sự, hiệu quả. Cô luôn đặt mình vào vị trí của mọi người, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, năng lực, sở trường để phân công, giao việc, chi lương, chi thưởng sao cho đúng người, đúng việc, xứng đáng với công sức, kết quả họ tạo ra nên chúng tôi rất quý mến, cảm phục" - cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy tâm sự.

Đưa lời ru vào giấc ngủ cho trò

Các em được hòa vào từng câu hát ru đầy tha thiết của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy.

Các em được hòa vào từng câu hát ru đầy tha thiết của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy.

Tiếng hát ru mỗi giấc ngủ trưa giúp học sinh ngủ ngon hơn.

Một trong những điểm nhấn trong phong cách làm việc của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy là ý tưởng, đưa vào giấc ngủ trưa của trẻ những lời ru, tiếng nhạc hay tiếng đọc thơ trên nền nhạc du dương để các em ngủ sâu giấc hơn. Nói về ý tưởng này, cô Thủy cho hay, trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam ta tự bao đời nay, những lời ru của bà của mẹ đã đi theo ta từ thuở ấu thơ. Trong đó, ẩn chứa biết bao tình cảm ấm áp của gia đình, quê hương và truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước của dân tộc.

"Việc đưa hát ru vào giấc ngủ trưa trong hai năm qua đã giúp cho các em cảm thấy được yêu thương, che chở, vỗ về và tạo ra sự thân thiết giữa cô với trò. Từ cô Hiệu trưởng đến các cô chủ nhiệm đều hát ru cho học sinh. Hình thức có thể thay đổi theo ngày, có thể kể chuyện trên nền nhạc du dương, hay mở bài nhạc nhẹ để tạo sự thoải mái cho học sinh. Ban đầu các em cảm thấy chưa quen và buồn cười, sau khi đã quen mới thấy hay và ngủ sâu giấc hơn, các em giờ đây rất thích được nghe các cô hát ru", cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Trực tiếp tham gia cùng con nhiều hoạt động, trải nghiệm do nhà trường tổ chức, anh Nguyễn Văn Tới - phụ huynh lớp 3E bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần cống hiến, tâm huyết với nghề của cô Thủy. Trong đó, sáng kiến đưa những lời ru, bài hát nhẹ nhàng với mỗi giờ ngủ trưa của trẻ sau khi ăn bán trú xong là một việc làm rất ý nghĩa. "Về nhà cháu kể hôm nay lớp con lúc đi ngủ còn được nghe cô Hiệu trưởng vào tận lớp để hát ru. Khi nghe giọng của cô rất nhẹ nhàng, truyền cảm y như giọng của bà nội ở nhà hát ru hồi cháu còn bé nên cháu rất thích. Về nhà còn đòi mẹ hát ru cho ngủ mỗi tối giống như ở lớp" - anh Tới kể.

Với phong cách thân thiện, hòa đồng, yêu thương học sinh nên cô Nguyễn Thị Thu Thủy luôn được các em học trò quý mến, kính trọng.

Với phong cách thân thiện, hòa đồng, yêu thương học sinh nên cô Nguyễn Thị Thu Thủy luôn được các em học trò quý mến, kính trọng.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, hát ru đưa trẻ đi vào giấc ngủ ngon lành, làm dịu đi những cơn hờn dỗi. Hơn nữa, bằng cách thấm dần qua năm tháng nó còn góp phần hun đúc nên những phẩm chất cao đẹp của tâm hồn, làm nảy sinh những năng khiếu quý báu sau này của trẻ. Hát ru chính là nơi lưu giữ, sử dụng và trao truyền các nguồn thơ của dân tộc đặc biệt là thể loại lục bát, tục ngữ, ca dao. "Lúc ấy được ngắm nhìn các con ngủ tôi thấy vô cùng đáng yêu và cảm giác rất hạnh phúc", cô Nguyễn Thị Thu Thủy tâm sự.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Thu Thủy cũng được biết đến là một nhà giáo có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy. Trong các cuộc thi do thành phố tổ chức, cô thường tích cực vận động cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia.

Bản thân cô luôn gương mẫu đi đầu và giành nhiều giải cao như: Giải Nhất thành phố trong cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật phòng chống dịch Covid-19” năm 2021; Giải Nhất thành phố cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2021; Giải Khuyến khích cấp Quốc gia về “Đổi mới phương pháp giáo dục: An toàn giao thông trong trường Tiểu học” năm học 2021-2022...

Đặc biệt, trong đợt xét tặng giải thưởng cao quý "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 6, năm 2022 do ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức, cô Thu Thủy là một trong hai đại diện của huyện Hoài Đức lọt vào vòng Chung khảo tham gia báo cáo về sự tâm huyết, sáng tạo của mình trước Hội đồng xét duyệt. Dù kết quả thế nào, vị nữ Hiệu trưởng cũng cảm thấy may mắn và vinh dự vì được đại diện cho ngành giáo dục huyện Hoài Đức tham dự giải thưởng. Miễn sao những việc mình làm tạo được hiệu ứng tốt cho học trò và lan tỏa tới cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Đơn vị cung cấp Thăng Hạng Giấc Ngủ Cùng Nệm Xịn uy tínChọn mua đệm cao cấp giá tốt