Đưa chuyển đổi số thành một nội dung của hoạt động thi đua trong năm học

GD&TĐ - Đó là nhấn mạnh của TS. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai hoạt động thi đua năm học 2021-2022 của Cụm 1 diễn ra sáng 12/1.

TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác thi đua năm học 2021-2022 Cụm 1. Ảnh: Đình Tuệ.
TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác thi đua năm học 2021-2022 Cụm 1. Ảnh: Đình Tuệ.

Dạy học thích ứng tình hình dịch bệnh

Tại hội nghị, đại diện ngành giáo dục và đào tạo của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Cụm 1 gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đã nghe dự thảo quy chế hoạt động thi đua; ý kiến góp ý của các thành viên, lãnh đạo một số Vụ, Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT. 

Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay: Trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND cùng các ban ngành liên quan, ngành giáo dục thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để duy trì các hoạt động giáo dục, thích ứng với tình hình dịch và đảm bảo an toàn cho học sinh. Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc ban hành hướng dẫn các bước xử trí khi đón học sinh đi học lại, nhất là quy trình xử lý nếu phát hiện F0 trong trường học.

Cũng theo ông Trọng, từ ngày 10/12/2021, thành phố đã tổ chức cho học sinh khối 9 và 12 đi học trực tiếp. Tới ngày 4/1/2022, các khối 7, 8, 10 và 11 tiếp tục được quay trở lại trường học. Hiện tại, ở cả 22 quận/huyện/thành phố trên địa bàn đều tổ chức cho học sinh từ lớp 7 trở lên học trực tiếp tại trường. Trong đó, khâu an toàn phòng dịch được các nhà trường đặc biệt chú trọng. Do đó, tỷ lệ học sinh đi học trở lại thời gian gần đây khá cao ở mức gần 90%. 

Học sinh trường THCS Thị trấn huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đi học trực tiếp ngày 10/1 vừa qua. Ảnh: Công Chương.
Học sinh trường THCS Thị trấn huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đi học trực tiếp ngày 10/1 vừa qua. Ảnh: Công Chương.

Đạt được những kết quả tích cực đó, ngành giáo dục TP  Hồ Chí Minh cũng có một số kinh nghiệm. Trong đó, giao các quận/huyện/thành phố chủ động ban hành các kế hoạch và quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, chuyển trạng thái hoạt động của các trường trên địa bàn tùy theo diễn biến dịch. 

Đặc biệt là sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong công tác tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp. Nhất là sự hỗ trợ của lực lượng y tế địa phương như Trạm y tế xã, Trung tâm y tế quận/huyện đối với các cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT cũng thường xuyên kiểm tra giám sát công tác tổ chức học tập trực tiếp tại các trường, họp giao ban hàng tuần để nắm bắt thực tế và đưa ra một số điều chỉnh phù hợp với mỗi địa phương. 

Nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục

Theo ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, địa phương này đang là thành phố phát triển năng động với quy mô dân số trên 2 triệu dân. Trong đó, toàn thành phố có hơn 800 cơ sở giáo dục với gần 510 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) các cấp. Lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm tới ngành giáo dục đào tạo bằng việc ban hành Nghị quyết 54 về hỗ trợ 100% học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT, GDTX. Đây là chính sách rất thiết thực, được đông đảo người dân và dư luận xã hội đánh giá rất cao.

Ngày 11/1, TP Hải Phòng đã biểu dương, khen thưởng cho 157 HSSV xuất sắc tiêu biểu năm 2021. Ảnh: TG.
Ngày 11/1, TP Hải Phòng đã biểu dương, khen thưởng cho 157 HSSV xuất sắc tiêu biểu năm 2021. Ảnh: TG.

"Ngoài ra, còn có Nghị quyết 06 của HĐND thành phố về việc tổ chức động viên, khen thưởng đối với học sinh sinh viên có thành tích xuất sắc và cơ chế tuyển dụng giáo viên vào trường chuyên bằng hình thức thi tuyển. Đây là biện pháp khuyến khích những em học giỏi, thầy cô dạy giỏi trở về Hải Phòng công tác. Vì vậy, các em học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế đều được thành phố khen thưởng kịp thời. Ngày 11/1, Hải Phòng cũng đã tổ chức tuyên dương 157 HSSV xuất sắc, tiêu biểu của thành phố" - vị Phó giám đốc cho hay. 

Cũng theo ông Lợi, TP Hải Phòng rất quan tâm tới bậc học mầm non. Cụ thể, thành phố sẽ hỗ trợ nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non công lập trên địa bàn bằng mức lương tối thiểu vùng, kết hợp với một số nguồn xã hội hóa. Điều này góp phần giúp giảm bớt khó khăn cho bậc học mầm non. Thành phố cũng ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non trong các khu công nghiệp. 

Với việc kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, Hải Phòng đang tích cực trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu với thành phố ban hành đề án, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình GDPT 2018 được thuận lợi. Đơn vị này cũng đã tích cực soạn thảo tài liệu giáo dục địa phương cho các khối 1, 2, 6. Hiện tại đang triển khai viết tiếp cho khối 3, 7 và 10 để có thể dạy từ năm học tới. 

Bên cạnh đó, đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng nhấn mạnh: "Do được dạy học trực tiếp trong 3 tháng đầu tiên của năm học 2021-2022 nên cũng là một thuận lợi lớn so với một số địa phương khác. Thành phố đã tổ chức thi và thành lập đội tuyển học sinh giỏi quốc gia; thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp thành phố. Qua đó, chúng tôi cũng đã chọn được một số dự án tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Thành phố cũng đang chuẩn bị các khâu để tổ chức thi học sinh giỏi khối 12 trong thời gian tới". 

Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà

Đại diện các Sở GD&ĐT thuộc Cụm 1 tham dự cuộc họp và ký giao kết thi đua năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến.
Đại diện các Sở GD&ĐT thuộc Cụm 1 tham dự cuộc họp và ký giao kết thi đua năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. 

Tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT của Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ cũng như lãnh đạo một số Cục, Vụ liên quan đã đưa ra ý kiến trao đổi. 

Ông Nguyễn Phúc Tăng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho hay, hiện nay toàn bộ học sinh các cấp của thành phố vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp vì dịch bệnh. Trẻ mầm non vẫn phải ở nhà và được giáo viên hướng dẫn các hoạt động chăm sóc thông qua video, trao đổi với phụ huynh. Học sinh tiểu học vẫn dạy học thông qua truyền hình, internet và tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình học sinh. Học sinh THCS và THPT học online từ đầu năm đến nay.

Trước đó, căn cứ tình hình dịch Sở GD&ĐT Cần Thơ đã tham mưu lãnh đạo thành phố về việc cho học sinh đi học trực tiếp. Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh về mức độ sẵn sàng, tỷ lệ khoảng 40% đồng ý. Sở đang tham mưu với thành phố tùy diễn biến dịch bệnh mà có thể cho phép học sinh bậc THCS và THPT được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 17/1 tới. Việc này giúp các em làm quen với môi trường học tập tại trường, nhất là lớp đầu cấp.

Đại diện ngành giáo dục Cần Thơ cũng nhấn mạnh, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn thời gian qua đã được nâng lên rõ nét. Năm học vừa qua, lần đầu tiên thành phố có học sinh dự thi Olympic môn Sinh học và đoạt Huy chương Vàng là em Đặng Lê Minh Khang. Tháng 12/2021, em đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì tại Phủ Chủ tịch. 

Khi triển khai chương trình GDPT 2018, căn cứ chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Cần Thơ đã đôn đốc các Phòng GD&ĐT cùng các đơn vị khắc phục khó khăn và dạy học qua truyền hình. Công tác truyền thông cũng được quan tâm để tạo sự đồng thuận trong phụ huynh. Kết quả của học sinh lớp 1 năm học vừa qua là minh chứng sinh động cho thấy, chương trình GDPT 2018 đã đi đúng hướng. 

Phát biểu kết luận hội nghị, TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của các đơn vị trong Cụm 1. Thứ trưởng Minh đồng tình với đề xuất của Sở GD&ĐT Hải Phòng tách việc "chuyển đổi số" thành một nội dung quan trọng trong hoạt động thi đua. Đây được coi là một giải pháp đột phá của toàn ngành giáo dục. Ngoài ra, TS Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Vấn đề đánh giá và thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV phải được chú trọng theo tinh thần Quyết định 1895 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Khi triển khai giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải cụ thể từng tình huống, không dạy chung chung để tạo ra những giờ học thiết thực. Hoạt động thi đua cũng cần phải đi vào chiều sâu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…