Ngày 4/12, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tiếp tục có buổi làm việc tại Sơn La để khảo sát, thực hiện chương trình “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021- 2025”.
Cùng đi với đoàn có đại diện Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Quốc hội; đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Lãnh đạo các Vụ: Giáo dục thể chất; Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên; lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại và Cục Công nghệ thông tin. Làm việc với đoàn có Bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vân Hồ.
Huyện Vân Hồ là 1 trong 5 huyện nghèo của Sơn La. Năm học 2021- 2022, toàn huyện có 33 trường học, 1 Trung tâm GDTX với tổng số 170 điểm trường lẻ (Mầm non: 89, Tiểu học: 81). Ngành có hơn 1.100 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Công tác huy động trẻ em, học sinh đầu cấp ra lớp đạt 100%. Huyện duy trì sĩ số cấp mầm non, tiểu học đạt 98,5%; THCS đạt 99,5%. Năm 2021, Vân Hồ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, THCS mức độ 2; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Toàn ngành hiện có 541 phòng học, cơ bản đảm bảo đủ phòng học thông thường. Tuy nhiên, tại đây, đa số các trường đều chưa có nhà đa năng, thư viện, phòng thiết bị và các phòng học bộ môn để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều trường chưa có khối phòng hành chính quản trị, thiếu phòng học văn hóa do số học sinh theo học tăng. Tại các điểm trường lẻ còn thiếu các công trình phụ trợ, có nơi có nhưng đã xuống cấp...
Thực hiện kế hoạch số 29 của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT huyện đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để dần hoàn thiện cơ sở vật chất. Trong đó, đã xây dựng phòng, lớp học, đổ sân bê tông cho các trường học với nguồn vốn huy động được 7,5 tỷ đồng.
Mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; mua sắm sách giáo khoa, vở viết... với số tiền ước tính khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn cũng trao tặng nhiều đồ dùng thiết yếu, với trị giá khoảng 600 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo lãnh đạo UBND huyện, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học thuộc vùng khó trên địa bàn là rất lớn. Bởi vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: Cùng với việc kết nối để xây dựng trường học an toàn, thân thiện thì các đơn vị đồng hành với công tác giáo dục cần có sự đồng hành bền chặt với địa phương một cách uy tín, chất lượng. Trong đó, cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức một cách thiết thực, hiệu quả cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Từ đó, nhân rộng những cách làm hay, những việc làm sáng tạo, hiệu quả, chất lượng.
Trong chương trình “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021- 2025”, cần phát huy tốt vai trò của ngành giáo dục và đoàn viên thanh niên. Qua đó, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng đề xuất Báo GD&TĐ hỗ trợ trong giám sát quá trình thực hiện chương trình này. Thứ trưởng cũng cho rằng, vấn đề quan trọng trong chương trình, đó là việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho cả cô và trò. Trong đó, nêu cao vai trò của nhà giáo và các bậc phụ huynh.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ của nhà giáo và học sinh tại các vùng biên giới, đặc biệt khó khăn.