Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Thầy cô cần cân bằng công việc, gia đình để làm tốt công tác tư vấn tâm lý học sinh

GD&TĐ - Sáng 21/10, Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Quang cảnh buổi tập huấn.
Quang cảnh buổi tập huấn.

Dự chương trình có bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), bà Lesley Miller - Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, đại diện các bộ ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Chương trình diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/10, được kết nối từ điểm cầu trung tâm tại Bộ GD&ĐT tới 400 điểm cầu trong cả nước, với hơn 1000 đại biểu tham dự là các cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GD&ĐT và các giáo viên, cán bộ quản lý của các trường Tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc chương trình tập huấn
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc chương trình tập huấn

Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ giáo viên các trường phổ thông cả nước về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cung cấp kiến thức kĩ năng về những vấn đề tâm lý thường gặp của học sinh, kỹ năng nhận diện những khó khăn khủng hoảng tâm lý của học sinh trong dịch bệnh khi quay trở lại trường học.

Thứ trưởng cho rằng, tư vấn tâm lý cho học sinh là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn thân thiện. Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm cả đến giáo dục kỹ năng sống, nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho các em.

Các đại biểu tham dự chương trình
Các đại biểu tham dự chương trình

Trong giai đoạn 2015-2020 Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản chỉ đạo thúc đẩy vấn đề tư vấn tâm lý học đường, trong đó có Thông tư 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Hàng năm, Bộ đều ban hành hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tích cực phối với các Bộ, ngành, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ thực hiện công tác này.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Những khó khăn khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh Covid-19 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ Đoàn Đội. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các em mà còn ảnh hưởng đến các thầy cô. Do đó, các thầy cô cần cân bằng công việc, gia đình để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các em trong khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình.

Chuyên gia đến từ Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN- PGS.TS Phạm Mạnh Hà trình bày nội dung chuyên đề tập huấn
Chuyên gia đến từ Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN- PGS.TS Phạm Mạnh Hà trình bày nội dung chuyên đề tập huấn

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý một số nội dung cần thực hiện trong đợt tập huấn, đó là: Cần đánh giá đúng thực trạng hậu quả gây ra do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tâm lý học đường và các em học sinh; tập trung kỹ năng nhận diện, nhận diện được sự căng thẳng của mỗi em, xem các em đang gặp khó khăn gì.

Tập trung hướng dẫn  thực hành các kỹ năng tư vấn hỗ trợ cho học sinh gặp phải, những khó khăn về tâm lý và những kỹ thuật để thực hiện các bài tập thư giãn, giảm căng thẳng cho học sinh trong và sau thời gian Covid-19, chuẩn bị cho các em quay lại trường một cách tốt nhất.

Tập trung phân tích, làm rõ những  nguy cơ tổn thương, những khủng hoảng tâm lý của học sinh khi học trực tuyến, việc các em sử dụng internet, sử dụng công nghệ để áp dụng trong quá trình học trực tuyến. Cần có chiến lược để đảm bảo an toàn cho các em trên không gian mạng trong quá trình học trực tuyến cũng như học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp.

Các địa biểu dự chương trình tập huấn tại điểm cầu Bộ GD&ĐT
Các địa biểu dự chương trình tập huấn tại điểm cầu Bộ GD&ĐT

Tăng cường trao đổi chuyên gia về những kỹ thuật để cân bằng việc gia đình với công việc, giúp cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong các trường phổ thông đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn đặt ra cho những vấn đề kiêm nhiệm tư vấn hỗ trợ tâm lý cho các em học sinh.

Trong 2 ngày tập huấn, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu, các thầy cô phân tích, trao đổi, thảo luận, chia sẻ những khó khăn vướng mắc, những tình huống gặp phải trong thực tế; cùng với các chuyên gia chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm nhằm thu được kết quả tốt nhất trong quá trình tập huấn, áp dụng vào môi trường đang giảng dạy, giúp các em học sinh quay trở lại trường trong điều kiện tốt nhất.

Chương trình tập huấn với 4 chuyên đề: Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid-19; Hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học; Nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ; Hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục của Việt Nam và quốc tế chia sẻ về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tại chương trình, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để nhận diện những vấn đề tâm lý thường gặp ở học sinh, cách nhận diện sự căng thẳng và những khó khăn tâm lý của học sinh trong dịch bệnh và khi quay lại trường học. Chương trình tập huấn cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý; kỹ năng giúp học sinh đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ