Theo các thầy cô giáo, giai đoạn này là thời điểm rất quan trọng để các nhà trường có kế hoạch ôn tập cụ thể, hỗ trợ học sinh trong học tập để giảm phần nào áp lực. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là sự nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện tốt ở chính mỗi học sinh.
Đặt mục tiêu phù hợp với năng lực
Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã công bố phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020. Theo đó, trong kỳ thi năm nay, Hà Nội áp dụng phương án thi tuyển mới, chuyển từ kết hợp thi 2 môn (Toán và Ngữ văn) với xét tuyển, sang thi 4 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3/2019).
Để đón đầu cho phương án mới trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, cô giáo Nguyễn Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hà Nội) cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức ôn tập giúp các em trau dồi kiến thức cơ bản, làm quen với nhiều dạng đề thi. BGH đã chỉ đạo tổ chuyên môn phân loại học sinh theo học lực để có cách bồi dưỡng, hỗ trợ phù hợp, đặc biệt với học sinh yếu, trung bình. Không chỉ trau dồi kiến thức, chúng tôi còn chú trọng việc rèn kỹ năng làm bài, tổng hợp kiến thức cho các em; đồng thời tăng cường kiểm tra để giúp các em xác định được năng lực khi chọn trường.
Bên cạnh đó, Ban giám hiệu đã chủ động bố trí nhiều giáo viên có kinh nghiệm giúp các em nắm vững kiến thức. Việc ôn tập nâng cao, mở rộng cũng được triển khai cho những em có học lực khá, giỏi. Trong suốt quá trình học ở THCS, các em sẽ phải học đều các môn để khi môn thứ ba rơi vào bất cứ môn học nào, cũng sẵn sàng làm bài tốt. Việc thay đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 10, sẽ tránh được tình trạng học lệch và giúp đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, thêm môn thi, thêm hình thức thi trắc nghiệm, thay đổi này ít nhiều đã tạo ra sự lo lắng, hoang mang và áp lực không nhỏ cho nhiều học sinh, phụ huynh khi phải đối mặt với kỳ thi này.
Chị Phạm Thanh Hoa (có con học lớp 9 Trường THCS Hoàng Liệt, Hà Nội) cho biết: “Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 dường như là bước ngoặt đối với các học sinh ở tuổi 14 - 15. Bởi đây là kỳ thi có tính quyết định đến việc lựa chọn được môi trường học tập mới và định hướng tương lai sau này của các em. Là phụ huynh, tôi rất căng thẳng, không biết các con có kịp thích ứng với những thay đổi của kỳ thi hay không”.
Cô Nguyễn Thu Hòa cho rằng, các trường có định hướng ôn tập tốt, có cách ôn tập hiệu quả trong thời gian này sẽ giúp học sinh lớp 9 đạt được kết quả mong muốn. Ngoài việc học ở trường, học sinh hãy sắp xếp thời gian tự học, nâng cao kỹ năng làm bài.
Học sinh cần có hệ kiến thức nền cần thiết
Chia sẻ về phương án mới trong kỳ thi vào lớp 10, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhằm tạo tâm lý ổn định trước khi kỳ thi diễn ra, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, thông báo, phổ biến và giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về những đổi mới của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có bài thi tổ hợp.
Đây là năm đầu tiên Sở GD&ĐT đưa bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tránh tình trạng học sinh phân biệt môn học chính, môn học phụ. Hiện nay, chương trình các môn học được bố trí theo cấu trúc đồng tâm, nội dung ở THPT là sự nâng cao của kiến thức đã được học tại cấp THCS; việc thay đổi hình thức thi 4 môn giúp học sinh có hệ kiến thức nền cần thiết để phát triển những kiến thức khác hoặc giải quyết vấn đề liên môn.
“Xác định ngoại ngữ là công cụ quan trọng và cần thiết cho học sinh trong giai đoạn mới, hướng đi mới trong quá trình hội nhập, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường những năm gần đây được đẩy mạnh. Các tiết học Tiếng Anh lớp 9 sẽ tăng cường cung cấp cho các em những kiến thức nền tảng, cũng như những kiến thức mở rộng và nâng cao, giúp các em có được lượng kiến thức cần thiết để học tập tốt hơn môn này” - cô Nguyễn Thu Hòa chia sẻ.