TS Nguyễn Văn Huấn gửi ý kiến về báo Giáo dục và Thời đại:
Dự thảo này cũng có một số điều chỉnh khác cho hợp lý hơn, rút kinh nghiệm qua việc tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2015.
Tôi cho rằng về cơ bản những sửa đổi, bổ sung theo dự thảo này là phù hợp. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh trong phương án thi THPT qốc gia năm 2016 chưa được thể hiện rõ trong dự thảo này cần phải được nói rõ trong Hướng dẫn tổ chức thi.
Một số nội dung nên được làm rõ thêm ở Hướng dẫn tổ chức thi
Cụ thể, về cụm thi, dự thảo nêu rõ mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp Trung THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và với trường ĐH, CĐ khác (gọi tắt là cụm thi ĐH);
Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp).
Tuy nhiên, dự thảo cũng chưa nói rõ cách sắp xếp danh sách thí sinh của cụm thi ĐH trong từng tỉnh vì mỗi tỉnh đều có cụm thi ĐH, nên Hướng dẫn tổ chức thi phải nói rõ hơn cách sắp xếp này.
Về quản lý và sử dụng dữ liệu thi, Quy chế thi năm 2015 quy định Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh trong kỳ thi, phân phối dữ liệu liên quan cho các Sở GD&ĐT để xét tốt nghiệp THPT và cho các trường ĐH, CĐ, trung cấp để làm căn cứ tuyển sinh.
Dự thảo năm nay quy định các Hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD&ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi.
Tôi cho rằng quy định này là phù hợp vì như vậy sẽ tăng cường quyền chủ động cho các Hội đồng thi trong việc công bố kết quả thi đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, giúp khắc phục sự cố kỹ thuật nghẽn mạng như năm trước.
Những điều chỉnh hợp lý hơn từ thực tế thi năm 2015
Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia có một số điều chỉnh, bổ sung một số điểm cho hợp lý hơn từ thực tế việc tổ chức kì thi năm trước như:
Mỗi điểm thi có Trưởng điểm thi và có thể có các Phó trưởng điểm thi do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định để điều hành toàn bộ công tác coi thi tại điểm thi được giao phụ trách;
Cán bộ giám sát thi có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ coi thi, các thành viên khác làm việc tại điểm thi và việc làm bài của thí sinh; giám sát thí sinh được cán bộ coi thi cho phép ra ngoài phòng thi;
Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD&ĐT;
Mỗi thí sinh được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất;
Học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên trong diện xếp loại hạnh kiểm có Giấy chứng nhận nghề do Sở GD&ĐT hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề do ngành Giáo dục cấp trong thời gian học THPT hoặc học viên giáo dục thường xuyên tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong Giấy chứng nhận nghề...
Phương án thi THPT quốc gia năm 2016 khẳng định sẽ tăng số lượng giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi ở các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc Sở GD&ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH.
Chủ trương này hoàn toàn phù hợp, nhưng chưa được thể hiện trong dự thảo lần này, nên cần phải được hướng dẫn rõ hơn trong Hướng dẫn tổ chức thi.