Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (Nghị định 99) nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tăng cường tự chủ đại học; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện; đồng bộ giữa quy định của Đảng, quy định của pháp luật…
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm 4 điều: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99; Thay thế một số cụm từ của Nghị định 99; Trách nhiệm thi hành; Hiệu lực thi hành.
Một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung gồm:
Thứ nhất, xác định “Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận” đối với Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập. Hiện nay, theo các quy định của pháp luật về viên chức, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận viên chức quản lý là cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với viên chức quản lý.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập là hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp.
Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung như sau: Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.
Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp sau:
Đối với trường đại học mới thành lập, cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường;
Đối với các trường đại học đã khuyết hiệu trưởng quá 6 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp.
Hội đồng trường thực hiện hoặc ủy quyền hiệu trưởng thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật, trình hội đồng trường xem xét, quyết định.
Niềm vui ngày tốt nghiệp |
Thứ hai, để bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng (Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị) quy định của pháp luật về viên chức (Nghị định số 115/2020/NĐ-CP) về “Thành phần tập thể lãnh đạo”. Tiếp thu ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Nghị định quy định thành phần tập thể lãnh đạo tại Điều 7 của Nghị định số 99, như sau:
Thành phần tập thể lãnh đạo quy định tại Điều này gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy); chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng); các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.
Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.
Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC |
Thứ ba, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định: Thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý trực tiếp.
Do đó, để bảo đảm phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học; dự thảo Nghị định quy định số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học.
Thứ tư, theo báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, việc quy định phải triệu tập trên 50% tổng số viên chức, người lao động của trường đại học để tham dự hội nghị đại biểu bầu và bầu thay thế một thành viên hội đồng trường gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Đặc biệt, đối với các Đại học Quốc gia, Đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học có tổng số viên chức, người lao động lớn.
Do đó, để bảo đảm phù hợp với quy định có liên quan và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định tiếp thu ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học và điều chỉnh như sau:
“…Nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì cơ cấu, số lượng thành phần đại biểu được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học nhưng tối thiểu phải chiếm trên 20% so với tổng số viên chức, người lao động của trường đại học và bảo đảm tỷ lệ đại biểu tại các đơn vị thuộc, trực thuộc phải tương đương”.
Thứ năm, đề bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan. Dự thảo Nghị định đã cấu trúc lại các nội dung tại Nghị định 99 về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường. Theo đó, làm rõ trường hợp thực hiện bãi nhiệm, trường hợp miễn nhiệm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường; đặc biệt đối với thành viên là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp khi đã thôi việc, chuyển công tác… thì cơ quan quản lý trực tiếp có thể thay thế ngay mà không cần có văn bản đề nghị của hội đồng trường như hiện nay.
Thứ bảy, bổ sung các quy định cụ thể về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học của trường đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành đại học.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về điều kiện thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, về điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học, về điều kiện hoạt động cũng như trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học;
Về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, dự thảo Nghị định bổ sung yêu cầu cơ sở giáo dục đại học công khai toàn bộ nguồn thu, chi và cơ cấu các khoản thu, chi; cơ cấu chi từ nguồn học phí bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan.