Anh chàng cho biết, bản thân đã từng giữ vai trò quản lý, tiếp xúc nhiều với các quản lý cấp cao và nhân viên nên anh hiểu được những "điều chưa thể nói ra" của cả hai bên.
Kim Quý cho hay lí do anh chàng viết bài là bởi vì, trước nay, nhắc tới chuyện nghỉ việc, người ta thường nghĩ tới nguyên nhân viên nhảy việc vì mức lương cao. Anh cho rằng có thể đúng nhưng chưa đủ vì còn nhiều nguyên nhân như cảm thấy thiếu "lửa" vì công việc, vì cơ quan, vì sếp,...
Theo anh chàng này, khi nhân viên nghỉ việc nhiều, sếp nên xem lại mình. Quan điểm của chàng du học sinh Việt tại Ý:
“Mới đây, một giám đốc nhân sự nổi tiếng vừa mới "trải lòng" trên một bài báo: "Trong cuộc đời làm sếp của tôi, gặp người nghỉ việc có văn hóa thì ít, vô văn hóa thì nhiều". Đành rằng những lời chia sẻ này có thể phần nào là sự thật. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ tồn tại những quan điểm mang tính một chiều như vậy.
Trên thực tế, có nhiều sếp cả ngày chỉ biết than vãn về việc nhân viên không tôn trọng, không nghe lời họ, không cư xử đúng mực với họ. Thế nhưng cũng không ít người làm sếp mà nhân viên sẵn sàng trung thành cả đời. Thậm chí, ngay cả khi đã nghỉ việc rồi, họ vẫn luôn dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất.
Trong quá khứ, tôi từng trải qua những bước đường từ một nhân viên “quèn” trước khi trở thành một quản lý nhân sự. Chính bởi vậy, tôi cũng phần nào thấu hiểu tâm tư của không ít người “dứt áo ra đi” chỉ vì những người được gọi là sếp”.
Những lý do cụ thể được nêu ra gồm:
1. Thái độ của kẻ bề trên
Kim Quý cho rằng: Người nhân viên chỉ cần có một người sếp biết lắng nghe, nhìn vào mắt họ khi nói chuyện, nghe nhân viên nói hết câu, không làm việc riêng như bấm điện thoại, ăn vặt khi đang nói chuyện và biết nói chuyện một cách chân thành, nói những điều đúng vào lúc đáng nói. Người sếp đó không quát tháo, không ra lệnh, không xem nhân viên như kẻ hầu người hạ.
2. “Chỉ tay mười ngón”
Có những người sếp rất giỏi giao việc, giao hết việc công ty, giao luôn cả … việc nhà, việc cá nhân cho nhân viên thực hiện. Người đi làm họ được trả lương để hoàn thành nhiệm vụ công việc, tạo ra giá trị cho tổ chức, chứ không phục vụ riêng cho giá trị của một cá nhân nào đó.
Giao việc đã khó, nhưng làm sao giao việc cho công tâm càng khó hơn. Giao việc cho nhân viên thì hãy giao cho họ những cơ hội để họ được phát triển, được làm hết mình, dù cực khổ họ vẫn vui vẻ.
3. Những kẻ hứa suông?
Lời nói gió bay nhưng như định luật bảo toàn năng lượng, gió cũng chỉ đi từ nơi này đến nơi khác, chứ không mất đi. Dù có là sếp hay không là sếp, khi đã hứa thì phải làm, phải nhớ, phải thực hiện lời hứa cho tận tâm.
4. Là sếp hay kẻ “vắt chanh bỏ vỏ”?
Kim Quý cho rằng là Sếp cần dành chút thời gian để ghi nhận công lao xứng đáng với vai trò và trách nhiệm của nhân viên. Một lời khen chân thành không mất đến một phút để nói ra nếu đến từ trái tim chân thành.
Nếu mọi chuyện không may bị thất bại thì sếp ơi hãy đưa ra hành động để giải quyết nó, chứ đừng vắt chanh bỏ vỏ.
Cuộc sống không có gì là tuyệt đối, có những người cư xử không hay, sẽ có những người hành xử đáng quý. Thế nhưng, bao nhiêu người đủ dũng cảm để nhìn nhận lại cách cư xử của bản thân? Mà đôi khi điều ấy chính là ngọn nguồn của mọi vấn đề.
Tại sếp hay tại nhân viên?!
Quan điểm “nhân viên nghỉ việc, sếp nên xem lại mình” của Nguyễn Hoàng Kim Quý nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ cũng như bình luận trái chiều trên mạng xã hội. Trong đó, khá nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú ủng hộ quan điểm anh chàng du học sinh cho rằng các sếp nên lắng nghe, trân trọng và đối xử công bằng, xứng đáng với nhân viên hơn.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, nhiều bạn trẻ thời nay giỏi than vãn, chê bai lãnh đạo, lười biếng, thích hưởng thụ hơn chăm chỉ lao động, đứng núi này trông núi nọ, không chịu được áp lực nên nhảy việc như cơm bữa. Chuyện nghỉ việc xuất phát từ chính nhân viên chứ không hẳn do sếp.