Nhưng hiện nay, các chuyên gia kinh tế đều phải thừa nhận rằng, triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 tương đối tiêu cực khi phải đối mặt với một cuộc đại suy thoái. Dù vậy, châu Á được kỳ vọng sẽ đứng vững trong viễn cảnh ảm đạm này.
Các chuyên gia và nhà phân tích đã cảnh báo về một cuộc đại suy thoái xảy ra vào năm 2023. Lạm phát đang ảnh hưởng lớn đến người dân khắp nơi trên thế giới, nhất là sau xung đột Nga - Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể từ đó, giá cả hàng hóa, cước phí, chi phí năng lượng... đồng loạt gia tăng còn nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh.
Tại châu Á, ngành sản xuất định hướng xuất khẩu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng hoàn toàn vào năm 2023. Hàn Quốc, Đài Loan sẽ chứng kiến giá trị tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh, ít nhất 40%, còn các nước Đông Nam Á là 20%, theo phân tích của tổ chức tài chính Oxford Economics, Anh.
Trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, các nền kinh tế tiên tiến như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đang đối mặt với sự sụt giảm trong khi các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Indonesia có dấu hiệu tăng trưởng. Kết quả này một phần do các quốc gia tiên tiến kéo dài thời gian đóng cửa biên giới, góp phần thúc đẩy đơn đặt hàng trong nước, dẫn đến hiệu suất sản xuất trên mức trung bình.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, dấu hiệu tăng trưởng có thể chững lại do các quốc gia đồng loạt tái mở cửa biên giới. Nhìn chung, sự suy giảm sản lượng chế tạo tại các nền kinh tế tiên tiến vẫn sẽ cản trở đà tăng trưởng sản xuất của châu Á.
Du lịch - một trong những trụ cột tăng trưởng chính của khu vực châu Á, được kỳ vọng sẽ phục hồi từ sau năm 2023, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi. Nhưng trên thực tế, từ năm 2019, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng khách quốc tế.
Đến nay, mức phục hồi giảm nhẹ dưới 20% so với dự đoán cho năm 2024. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng du lịch dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2023, không ghi nhận bước tăng vọt như năm 2021, 2022 khi các nước lần đầu tiên tái mở cửa biên giới.
Dẫu bức tranh chung của châu Á và thế giới có phần ảm đạm, khu vực này được kỳ vọng vẫn sẽ tăng trưởng trong dài hạn. Trung Quốc hiện đã thay đổi chính sách chống dịch Covid-19 và điều chỉnh chính sách kinh tế, trong đó dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sự trở lại của Trung Quốc được dự báo sẽ phần nào đưa kinh tế châu Á thay đổi.
Còn theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2023 nhờ sự bùng nổ của ngành dịch vụ bán lẻ. Nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu dự kiến tăng trưởng 6% đến tháng 3/2024, theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ vào tháng 12/2022.
Mặc dù, mức tăng trưởng này chậm hơn so với mức tăng trưởng dự kiến của năm 20233, triển vọng kinh tế của Ấn Độ hoàn toàn trái ngược với một số nền kinh tế khác như Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc. Những cái nhìn tích cực cũng thúc đẩy chi tiêu và đầu tư ở Ấn Độ, dù sự phục hồi sẽ không đồng đều, mang lại lợi ích trong nước và khu vực.
Nhìn chung, để đạt được những kết quả tích cực trên, châu Á cũng giống như phần còn lại của thế giới, sẽ phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn vào nửa đầu năm 2023. Nhưng những tín hiệu dự đoán tích cực được kỳ vọng sẽ trở thành động lực để khu vực này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.