Bức tranh kinh tế 2019 - 2020: Vượt mục tiêu, tăng trưởng top 1 châu Á

Bức tranh kinh tế 2019 - 2020: Vượt mục tiêu, tăng trưởng top 1 châu Á

Tăng trưởng cao được duy trì

Trong ấn bản bổ sung báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 quý năm 2019 đạt 7,0%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua.

Tiêu dùng cá nhân tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý III, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong quý IV và sang năm 2020, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% trong năm 2019, và từ 6,7% lên 6,8% trong năm 2020. Điều này cho thấy ADB tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Ngược lại với đà tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế chung của cả châu Á trong năm 2019 và năm 2020 sẽ giảm do tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn Trung Quốc, Ấn Độ sụt giảm. Trong năm 2019, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,1%, tương tự tăng trưởng GDP của Ấn Độ cũng chỉ đạt 5,1%, thấp hơn nhiều mức dự báo trước đó.

Sự sụt giảm của 2 nền kinh tế lớn làm giảm tăng trưởng chung của cả châu Á, theo ADB tăng trưởng GDP của châu Á năm nay theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và năm 2020 chỉ đạt khoảng 5,2%, giảm lần lượt 0,2% và 0,3% so với dự báo của chính ADB hồi tháng 9 năm nay.

PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, dự báo này hoàn toàn có thể tin tưởng được bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua đều hết sức lạc quan. Tốc độ tăng trưởng cao bao hàm cả mức tăng trưởng của sản xuất.

Tổng thu nhập quốc dân, chỉ số thặng dư cán cân thương mại, xuất khẩu tăng. Nhập khẩu giảm, nguồn thu tăng, thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không đột biến. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, công cuộc cải cách hành chính có những bước chuyển mới, đầu tư nước ngoài tăng… Bức tranh kinh tế 2020 dự báo cũng sẽ có nhiều điểm sáng, lạc quan từ những chỉ số này đều ở mức ổn định.

“Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng của 2019 khá cao nhưng vẫn vượt qua. Với tốc độ này thì năm 2020 kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh. Tuy vậy đó mới chỉ là những dự báo, trong khi thế giới và khu vực đều có những diễn biến khôn lường về kinh tế, chính trị, thậm chí là dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi đã tác động đến hầu hết các nước”, PGS.TS Hoa Hữu Lân chia sẻ.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mức 500 tỉ USD
 Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mức 500 tỉ USD 

Việt Nam đứng thứ 8 các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư

Kết quả đạt được với mức tăng trưởng cao ổn định trong thời gian qua chính là thành quả của những đổi mới, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống. Là thành quả của công cuộc cải cách thể chế, bộ máy, thay đổi mô hình tăng trưởng.

Siết bộ máy đi theo quỹ đạo cơ chế thị trường. Đây chính là những tiền đề quan trọng để “lái” con thuyền kinh tế đi lên với mức tăng trưởng bền vững, đi theo đúng xu hướng của nền kinh tế thế giới.

Đến thời điểm này có thể nói, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng quốc gia có thu nhập thấp và bước vào nền kinh tế có thu nhập trung bình. Việt Nam là quốc gia có nền công nghiệp trẻ, do đó tốc độ tăng trưởng mạnh, nhanh cũng là điều dễ hiểu.

Khác với những nền kinh tế đã phát triển cao, lâu năm rồi thì đà tăng trưởng sẽ không cao. Đây chính là yếu tố để Việt Nam thu hút đầu tư từ nước ngoài bởi một quốc gia công nghiệp mới luôn tạo ra nhiều công ăn việc làm, dòng tiền, lợi nhuận sinh sôi nhiều hơn so với các nền kinh tế khác.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích khích lệ nhờ hàng loạt chính sách và cải cách được thực hiện từ năm 2011 - 2012. Đó là kinh tế vĩ mô từng bước ổn định, tăng trưởng phục hồi, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Quan trọng hơn, Việt Nam tiếp tục chính sách hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn như CPTPP, EVFTA hay AEC. Đồng thời, Nhà nước cũng thúc đẩy nhiều đổi mới sáng tạo, khuyến khích cộng đồng startup phát triển.

Với nền tảng ổn định hơn, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt khá cao: Trung bình hơn 6,5%, riêng năm 2019 có thể ở mức 6,8 - 7% và đưa Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

“Bức tranh kinh tế năm 2020 với những gam màu sáng. Tuy nhiên, cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường với nhiều thách thức. Các nguy cơ này không thể hiện được trong các kịch bản dự báo. Tuy vậy, khi đưa ra con số tăng trưởng, một trong các chỉ tiêu là luôn có độ lùi”, PGS.TS Hoa Hữu Lân chia sẻ.

Nền công nghiệp ô tô phát triển mạnh
 Nền công nghiệp ô tô phát triển mạnh 

Cảnh giác bẫy tăng trưởng nóng

Tăng trưởng cao nhưng chúng ta không nên ngủ quên trên chiến thắng. Trung Quốc là quốc gia trả giá đắt cho tăng trưởng nóng. Bài học, cái giá phải trả có thể sẽ đắt hơn gấp nhiều lần so với những gì nhận được từ mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng nhanh nhưng bền vững và phù hợp với quy luật nội tại của nền kinh tế.

“Một ví dụ đơn giản như việc xuất khẩu. Không nên đặt mục tiêu phải xuất khẩu thật nhiều mà phải đặt mục tiêu xuất khẩu ít nhưng giá trị lớn. Nghĩa là không chỉ xuất khẩu thô. Phải tiến đến xuất khẩu các sản phẩm tinh, đã qua chế biến với giá trị cao.

Hay không nên lấy con số lao động xuất khẩu ra nước ngoài làm một chỉ tiêu phát triển. Vì nền kinh tế bền vững phải thu hút được công ăn việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động…”, PGS.TS Hoa Hữu Lân cho biết.

Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, dù dự báo nền kinh tế sẽ có những bước phát triển mạnh, vẫn phải đề phòng các tình huống rủi ro. Các kịch bản xấu mà trong đó ngoài các yếu tố khách quan thì yếu tố chủ quan cũng góp phần quyết định.

Đó là các “điểm yếu” vốn có của nền kinh tế như tốc độ giải ngân chậm, đặc biệt ở khu vực công. Việc giải ngân chậm sẽ khiến nhiều chỉ số của nền kinh tế bị sụt giảm. Rồi các dự án yếu kém trong quán lý như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nhà máy gang thép Thái Nguyên… cũng ảnh hưởng đến cả hệ thống nền kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố khách quan mối quan hệ Mỹ - Trung diễn biến như thế nào, nền kinh tế khu vực có các biến động gì không…

Theo báo cáo mới đây của U.S. News & World Report, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm ngoái lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện, giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai.

Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, nền kinh tế gần 100 triệu dân đang thể hiện tham vọng rất lớn khi đặt mục tiêu lọt vào các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 hay đuổi kịp các quốc gia có thu nhập cao OECD vào năm 2045.

Việt Nam đang chiếm thế thượng phong

Theo TS Võ Trí Thành, nếu so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang chiếm thế thượng phong trên nhiều khía cạnh và là điểm nóng của dòng vốn đầu tư quốc tế. Theo Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW), khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng kinh tế chung trong nửa đầu năm 2019 chậm lại 4% so với 4,5% cùng kỳ năm 2018.

Chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế như Singapore, Thái Lan và Philippines tăng trưởng giảm sút do xuất khẩu chậm lại đã đè nặng lên tăng trưởng.

Bức tranh kinh tế Việt hiện tương đối lạc quan. Đó là sự chuyển động chính sách và cải cách với sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng hồi phục tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng; tăng trưởng kinh tế kế hoạch năm 2016 - 2020 là trên 6,5%, ổn định kinh tế vĩ mô 5 năm gần đây tốt, dự trữ ngoại tệ trên 72 tỷ USD, thâm hụt ngân sách dưới 3,6%, lạm phát năm 2019 dưới 4%.

“Nhà đầu tư chơi với Việt Nam sẽ dễ dàng chơi với thế giới. Vì chúng ta có 16 hiệp định tự do thương mại (FTA). Không chỉ là vấn đề thị trường 100 triệu dân, mà đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư có thể chơi với nhiều nhà đầu tư trên thế giới, với yếu tố lợi thế hạ tầng, nhân lực, đặc biệt sự nhất quán của chính sách”, - Tiến sĩ Thành đánh giá.

Tất nhiên là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao… sẽ mang đến những thách lớn khó lường.

Nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc, thời gian cụ thể là vào khoảng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này, nếu có cũng không nặng như khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thực tế số liệu cho thấy, một vài quốc gia đang có tín hiệu suy thoái, theo định nghĩa kinh tế tăng trưởng âm trong vài quý liên tiếp. Mặc dù đang bước vào xu thế tăng trưởng chậm lại nhưng xác suất xảy ra một cuộc suy thoái trên diện rộng như năm 2008 trong các năm tới là không cao.

Theo TS Võ Trí Thành, trong giai đoạn 2020 - 2030, cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản), lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế), các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ).

Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)… được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.

Theo các chuyên gia, cơ hội để kinh tế Việt Nam tăng tốc trong 10 năm tới là lạc quan nếu Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được xu thế chuyển mình của thế giới, đi kèm tận dụng năng lực nội tại. Các doanh nghiệp muốn thành công phải nhìn ra xu thế của thế giới, biết tận dụng lợi thế, sáng tạo, gia tăng năng lực kết nối và quan tâm đến quản trị rủi ro.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ