Dù công nghệ có phát triển, vai trò của người thầy vẫn luôn được khẳng định

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Văn Hòa, dù trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển nhưng vai trò của người thầy vẫn luôn được khẳng định.

TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội về vai trò của người thầy trong thời đại công nghệ số ngày nay.

Khẳng định vị thế người thầy

PV: Thưa ông, thời gian qua chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số như Chát GPT, AI... Vậy điều này có làm giảm đi vai trò của người thầy trong mỗi nhà trường hay không?

TS Nguyễn Văn Hòa: Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc cung cấp kiến thức cho người học không chỉ đơn thuần từ người thầy mà có thể từ nhiều nguồn khác. Các công nghệ như AI, Chát GPT cũng là một trong số những công cụ có thể tra cứu thông tin cho mọi người.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, giáo dục trong thời đại ngày nay thì thầy cô giáo phải thấu hiểu được cảm xúc của mỗi học trò. Khi các em có cảm xúc tích cực thì có thể tự tìm hiểu các nguồn tri thức qua công nghệ thông tin dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Điều quan trọng là phát triển con người, thầy cô vẫn có vai trò không thể thay thế ở mỗi nhà trường.

Dù công nghệ có phát triển thì con người vẫn là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của việc giáo dục học sinh.

Dù công nghệ có phát triển thì con người vẫn là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của việc giáo dục học sinh.

PV: Nếu vậy, bản thân mỗi giáo viên có cần tự trang bị cho mình kỹ năng về công nghệ thông tin?

TS Nguyễn Văn Hòa: Rõ ràng, ngày nay thầy cô cần xác định rõ mình không phải chỉ đơn thuần là người cung cấp kiến thức - tức dạy chữ cho học trò như trước đây. Giờ thầy cô phải là dạy học sinh cách thức tiếp thu những kiến thức cần thiết, bổ ích. Thầy cô giáo dục cho các em biết yêu nước, có thái độ ứng xử đúng đắn khi giao tiếp - điều mà bất cứ công nghệ nào cũng không dạy được.

Do đó, bên cạnh việc nắm bắt các xu thế công nghệ mới để làm công cụ hỗ trợ trong công tác giảng dạy, đội ngũ giáo viên vẫn phát huy vai trò không thể thiếu trong giáo dục học sinh. Con người tạo ra và điều khiển công nghệ, không thể để công nghệ điều khiển con người. Ở một số quốc gia cũng đang có quy định về việc sử dụng AI ra sao để không ảnh hưởng đến con người.

PV: Sản phẩm của giáo dục chính là con người. Để cho "ra lò" những thế hệ học sinh chất lượng thì bản thân mỗi nhà trường phải thực sự là môi trường hạnh phúc. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

TS Nguyễn Văn Hòa: Công tác trong ngành Giáo dục hơn 40 năm qua, tôi nhận thấy trường học hạnh phúc là ngôi trường không bắt học sinh đều phải học giỏi như nhau hay đạt được điểm số cao giống nhau. Khi tạo ra một môi trường thân thiện, không có áp lực thì đó chính là ngôi trường hạnh phúc. Mọi lời nói của thầy cô đều chất chứa sự yêu thương và tinh thần động viên học trò.

Chúng tôi lắng nghe cảm xúc của học sinh, hiểu được từng cá thể, tôn trọng và từ đó giúp các em tiến bộ. Nhà trường lấy chỉ số hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục. Trường cũng luôn hướng tới đào tạo nên những người tự chủ, trách nhiệm có tâm hồn phong phú, sống tử tế, thân thiện, có khả năng sáng tạo, thích ứng cao với giai đoạn hội nhập hiện nay.

Kiến tạo trường học hạnh phúc

Thầy cô luôn biết cách động viên, khích lệ học trò sẽ giúp các em phát huy khả năng của mình.

Thầy cô luôn biết cách động viên, khích lệ học trò sẽ giúp các em phát huy khả năng của mình.

PV: Các hoạt động cụ thể để tạo ra trường học hạnh phúc cho học sinh cần được tổ chức ra sao thưa ông?

TS Nguyễn Văn Hòa: Nhà trường đem hạnh phúc cho học sinh bằng cách giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập; luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với các em. Đồng thời, xây dựng môi trường thân thiện tràn ngập yêu thương, có chuyên gia tâm lý hỗ trợ, tổ chức nhiều hoạt động phát triển khả năng của mỗi học trò.

Các môn như Giáo dục thể chất, Giáo dục công dân, Nghệ thuật… vốn bị coi là môn phụ ở không ít trường thì ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có vị trí xứng đáng. Giáo dục công dân không phải là giờ triết lý khô khan mà những câu chuyện có thực ngoài cuộc sống được chính học sinh tái hiện để cùng nhau trải nghiệm.

Giáo dục thể chất không còn nhàm chán khi trở thành các giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi em qua nội dung Bơi lội, Bóng đá, Bóng rổ, Cầu lông… Nhà trường còn chủ động dạy học gắn liền với thực tiễn, cho học sinh trải nghiệm trong thực tế, được trực tiếp tham gia lao động sản xuất và tạo ra sản phẩm.

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong một hoạt động đọc sách tại trường.

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong một hoạt động đọc sách tại trường.

PV: Hiện nay, việc thực hiện đổi mới giáo dục đang được triển khai sâu rộng ở các nhà trường. Theo ông, muốn đổi mới giáo dục thì cần những điều kiện như thế nào?

TS Nguyễn Văn Hòa: Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đã được thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đây là một nghị quyết đầy trí tuệ và thể hiện một tầm nhìn xa. Trong đó đề cập đến mục tiêu giáo dục là vì sự phát triển con người. Khi các thầy cô thay đổi, nhà quản lý thay đổi thì giáo dục mới thực sự đổi mới.

Ngoài ra, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018 là thay đổi về phương pháp giáo dục. Thực tế triển khai thời gian qua, ta phải thừa nhận vẫn còn một số điểm còn hạn chế. Tuy nhiên, các nhà trường cũng đã có sự chủ động và sáng tạo để áp dụng linh hoạt vào thực tế giảng dạy.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn chú trọng giảm tải lý thuyết để tăng thực hành cho học sinh. Các thầy cô có cách dạy để thể hiện được tư tưởng “Vì sự phát triển con người” trong mỗi môn học chứ không chạy theo điểm số. Một khi chúng ta thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 cũng chính là góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.