Người thầy 42 lần hiến máu cứu người

GD&TĐ - Thầy giáo Đào Nhật Khoa (sinh năm 1990), Trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã có 42 lần hiến máu cứu người.

Thầy Khoa trong một lần hiến máu tại bệnh viện.
Thầy Khoa trong một lần hiến máu tại bệnh viện.

Kể từ lần tình nguyện hiến máu đầu tiên vào năm 2018, đến nay thầy giáo Đào Nhật Khoa (sinh năm 1990), Trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã có 42 lần hiến máu cứu người. Bằng lối sống đẹp, giàu tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái, thầy Khoa đang là tấm gương sáng lan tỏa nguồn năng lượng yêu thương.

Nhịp cầu nối liền mạch sống

Thầy Khoa cùng gia đình sinh sống, làm việc tại huyện miền núi Ba Tơ, nơi cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60km. Đó cũng là quãng đường mà thầy giáo dạy Hóa này phải vượt qua mỗi khi người bệnh cần. Nhớ về lần hiến máu đầu tiên, thầy Khoa chia sẻ, ngay từ khi còn là sinh viên, bản thân thầy đã rất muốn chung tay thể hiện nghĩa cử cao đẹp này nhưng vì sức khỏe lúc đó chưa cho phép nên không thực hiện được.

Mãi đến năm 2018, khi đã là giáo viên, thông qua Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi”, thầy Khoa đã thỏa ước nguyện cho đi để cứu người của mình. Cũng từ đây, hành trình thiện nguyện ý nghĩa của thầy giáo trẻ ngày càng được tô đậm thêm.

Dù trời nắng hay mưa, chỉ cần nghe tin người bệnh cần máu gấp, thầy Khoa lại vội vượt đường xa xuống thành phố Quảng Ngãi để hiến máu cứu người. Có những hôm vừa đi làm về chưa kịp ăn cơm hoặc đang dạy học, hay thậm chí giữa đêm khuya, thầy Khoa vẫn gác lại tất cả để kịp thời có mặt tại bệnh viện hiến máu cứu người.

“Trong một lần đến bệnh viện chăm sóc người thân, chứng kiến một bệnh nhân bị tụt tiểu cầu dẫn đến nguy hiểm tính mạng trong gang tấc, rồi những lần tiếp xúc với nhiều em nhỏ bị bệnh về máu, mỗi tháng phải đi truyền một lần chỉ để kéo dài thời gian sống…, những hình ảnh đó đã khắc sâu trong tâm trí và thôi thúc tôi phải làm điều gì đó hữu ích để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn như thế”, thầy Khoa tâm sự.

“Hầu hết, các lần là bị động, vì chỉ khi có người nguy kịch thì Ban điều phối Câu lạc bộ mới huy động tình nguyện viên hiến máu cứu người. Nên khi nhận được thông báo mình phải tranh thủ đi sớm nhất có thể”, thầy Khoa cho biết.

Bộ sưu tập Giấy chứng nhận mà thầy Đào Nhật Khoa nhận được sau những lần hiến máu.

Bộ sưu tập Giấy chứng nhận mà thầy Đào Nhật Khoa nhận được sau những lần hiến máu.

Còn sức khỏe là còn hiến tặng

Trong 42 lần âm thầm cho đi những giọt máu hồng thì số lần hiến tiểu cầu của thầy Khoa chiếm đa số. Thầy khẳng định rằng, con số sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ còn tiếp tục nhân lên khi sức khỏe cho phép. Khác với việc hiến máu toàn phần chỉ mất khoảng chục phút, thì mỗi lần hiến tiểu cầu thường kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Quá trình này trải qua nhiều công đoạn như: Chiết tách tiểu cầu rồi trả các tế bào máu còn lại như huyết tương, bạch cầu, hồng cầu về cơ thể người hiến.

“Để có thể hiến tiểu cầu thuận lợi, tĩnh mạch của người hiến phải có kích thước phù hợp và chỉ có thể hiến khi có ca cấp cứu, trong tình trạng bệnh nhân đang nguy kịch. Thêm nữa, hiến máu toàn phần phải sau ít nhất 12 tuần mới có thể hiến lại, nhưng hiến tiểu cầu chỉ cần 4 tuần. Đó cũng chính là lý do phần lớn số lần hiến máu, tôi chọn hiến tiểu cầu”, thầy Khoa chia sẻ.

Không chỉ là tấm gương về hiến máu nhân đạo mà thầy giáo trẻ này còn là người nhiệt huyết trong công tác thiện nguyện tại ngôi trường vùng cao. Với vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ của Trường THPT Ba Tơ, thầy Khoa luôn là người đi đầu trong những hoạt động giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều phần quà hỗ trợ thiết thực đã được trao tận tay học trò, kịp thời động viên các em tiếp bước đến trường.

Với những sự cố gắng, lòng nhiệt thành hiếm thấy, thầy Khoa nhiều lần được nhận bằng khen của các cấp Hội Chữ thập Đỏ, đạt các danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giấy khen của Công đoàn ngành... Đặc biệt, thầy Khoa còn vinh dự 2 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy học và hiến máu tình nguyện.

Theo cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ, thầy Khoa không những giỏi về chuyên môn, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mà luôn là người tiên phong, nhiệt huyết với các phong trào thiện nguyện. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của thầy Khoa, nhiều cán bộ, giáo viên của trường đã tham gia hiến máu tình nguyện nhiều lần. Ban giám hiệu nhà trường luôn ủng hộ và tạo điều kiện để thầy Khoa thực hiện những nghĩa cử cao đẹp của mình.

Sống trách nhiệm, không ngại khó khăn, vất vả trong công tác hội và phong trào Chữ thập Đỏ, tận tụy với công việc chuyên môn, thầy Khoa luôn là tấm gương tiêu biểu về lối sống đẹp, giàu lòng nhân ái và truyền cảm hứng cho mọi người.

Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi” do anh Đào Nhật Sơn (anh ruột của thầy Khoa) thành lập vào tháng 11/2016, với mục đích vận động đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện cứu người. Câu lạc bộ lúc mới thành lập chỉ có 30 thành viên nhưng đến nay qua hơn 6 năm hoạt động đã có trên 2.000 thành viên đến tham gia, trong đó có 200 thành viên tham gia hiến tiểu cầu thường xuyên. Đến nay, Câu lạc bộ đã hiến gần 3.000 đơn vị máu, chủ yếu là tiểu cầu, góp phần quan trọng vào việc điều trị và cứu sống các bệnh nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.