Lệnh cậm vấn vũ khí sát thương của Mỹ bắt nguồn từ sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964. Năm 1984, Việt Nam bị liệt vào danh sách Quy định vũ khí trong Buôn bán quốc tế (ITAR), ngăn cản các quốc gia có tên không được mua bán vũ khí với Mỹ. Do đó, khi lệnh cậm vấn vũ khí sát thương được dỡ bỏ hoàn toàn, Việt Nam có thể mua một số loại vũ khí, trang bị quân sự sau:
- Máy bay trinh sát hải quân: Theo một số chuyên gia nước ngoài, khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ hoàn toàn, Việt Nam nếu muốn có thể mua từ Mỹ máy bay trinh sát chống ngầm P-3C Orion của hãng Lockheed Martin đã qua sử dụng.
P-3C Orion là máy bay trinh sát chống ngầm 04 động cơ, có tốc độ bay 610km/h, tầm hoạt động lên tới 8.944km; một kíp bay tiêu chuẩn của P-3C Orion có 11 người, gồm 3 phi công, 2 sĩ quan hải quân giám sát bay, 2 kỹ thuật viên bay, 3 sĩ quan vận hành thiết bị trinh sát và 1 kỹ thuật viên chung.
P-3C Orion có khả năng mang nhiều loại vũ khí để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau khi hoạt động trên biển, với tổng khối lượng 09 tấn như: Tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa không-đối-đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54...
Trải qua 50 năm vận hành và cải tiến, P-3C Orion vẫn là mẫu máy bay được nhiều nước ưu tiên sử dụng. Đặc trưng lớn nhất của P-3C Orion là hệ thống tác chiến điện tử được cải thiện rất lớn. Nhiệm vụ chủ yếu của P-3C Orion là giám sát vùng biển, trinh sát, do thám, chống ngầm.
- Máy bay vận tải: Ngoài máy bay trinh sát hải quân, Việt Nam cũng có thể quan tâm tới máy bay vận tải C-130 Hercules. C-130 Hercules là máy bay vận tải tầm trung, được trang bị 04 động cơ tua-bin cánh quạt; có tầm hoạt động khoảng 2.000km.
Thân máy bay C-130 Hercules có thể thay đổi khiến loại máy bay này đáp ứng được nhiều nhiệm vụ từ máy bay vũ trang hạng nặng, tấn công trên không, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu khoa học, phục vụ nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và cứu hỏa. Hiện có tới hơn 40 kiểu và biến thể C-130 Hercules đã hoạt động ở trên 50 quốc gia.
KC-46A.
- Máy bay tiếp dầu: Ông Mark Bobbi, chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh tại Công ty tư vấn IHS (Mỹ), cho biết, Quân đội Việt Nam có thể mua máy bay tiếp dầu trên không mới KC-46 của hãng Boeing, trong đó có KC-46A.
Máy bay tiếp dầu KC-46A dài hơn 50m, có khả năng chở tới 96 tấn nhiên liệu và 29,5 tấn hàng hóa, tiếp dầu cho tất cả các máy bay cánh cố định dựa trên hệ thống tiếp dầu được sử dụng trên máy bay KC-10, với vận tốc lên tới 4.542 lít/phút. Hệ thống điều khiển tiếp dầu bằng cần điều khiển và theo dõi trên màn hình 3D rộng 24 inch hiển thị dữ liệu từ hệ thống camera.
- Về tên lửa, rocket, hoặc ngư lôi: Trong Mục 4 của danh sách ITAR gồm rất nhiều loại tên lửa dẫn đường, rốc-két, ngư lôi, bom, mìn sẽ được phép xuất khẩu sang Việt Nam, nếu Việt Nam có nhu cầu. Tuy nhiên, Việt Nam có thể mua loại tên lửa có tầm bắn tối đa 300km và mang theo đầu đạn 500kg, trong đó có loại tên lửa FIM-92 Stinger được Mỹ phát triển và biên chế từ năm 1981, được sử dụng ở 29 quốc gia toàn thế giới.
FIM-92 Stinger.
Stinger có khả năng đánh chặn mọi góc độ nghĩa là nó có thể phát hiện và phóng đạn chống máy bay ở mọi góc độ, không chỉ từ phía sau (bắn đuổi). Các biến thể mới hơn của Stinger được trang bị đầu tìm 2 chế độ làm việc trên 2 dải hồng ngoại và cực tím - giúp vô hiệu hóa các biện pháp đối phó bằng hồng ngoại.
Tàu tác chiến ven bờ.
- Tàu tác chiến ven bờ (LCS): Cũng theo ông Mark Bobbi, ngoài các ưu tiên cho tăng cường năng lực không quân, Việt Nam còn quan tâm tới mẫu tàu tác chiến ven bờ (LCS) của Mỹ. Hiện có 02 phiên bản tàu LCS do các tập đoàn Lockheed Martin và General Dynamics chế tạo.
Trong đó, phiên bản LCS thứ nhất do hãng Lockheed Martin đóng thuộc lớp Freedom có chiều dài 127,8m và rộng 30m, lượng giãn nước 2.600 tấn; có tính năng tàng hình ưu việt, được thiết kế theo kiểu đóng rời và lắp ghép các mô-đun. Lớp tàu này được đánh số lẻ (LCS-1, LCS-3…).
Phiên bản thứ hai do General Dynamics/Austal USA chế tạo thuộc lớp Independence, với chi phí khoảng 400 triệu USD; tải trọng 2.790 tấn, dài 127m, rộng 30,5m, mức mớn nước 4,5m, tốc độ tối đa lên tới 40 hải lý/giờ và được biên chế 40 thủy thủ đoàn.
Hiện, Hải quân Mỹ đã được biên chế 04 tàu chiến LCS, gồm USS Freedom (LCS-1), USS Independence (LCS-2), USS Fort Worth (LCS-3), USS Coronado (LCS-4). Toàn bộ số tàu trên đều thuộc biên chế của Phi đội LCS số 1 (LCSRON) có căn cứ chính tại thành phố cảng San Diego.
Máy bay P3-C.
- Các trang bị phục vụ an ninh hàng hải: Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tập trung “mở hàng” bằng các hệ thống thông tin liên lạc, ra-đa ven biển, và các hệ thống ISR (tình báo - do thám - trinh sát) phục vụ an ninh hàng hải.
Mới đây (4.2016), Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho hay Washington sẽ cung cấp cho Manila số cảm biến, ra-đa và các trang thiết bị liên lạc trị giá 42 triệu USD, để giúp Philippines giám sát mọi hoạt động và bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông. Nhiều nhà phân tích quốc phòng dự đoán, trong lô trang thiết bị đó có thể bao gồm 01 khinh khí cầu gắn ra-đa và các cảm biến.
Tuy nhiên, liên quan tới khả năng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu 1 - nhận định, vũ khí Mỹ được đánh giá hiện đại nhất thế giới, Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Việc dỡ bỏ cũng tạo điều kiện tốt hơn để Việt Nam mua sắm vũ khí từ các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, ông Thệ đánh giá, “trước mắt việc dỡ bỏ này chưa đem lại nhiều tác động. Bởi hiện nay, số lượng vũ khí Việt Nam mua của Mỹ vẫn còn khá ít và khi mua sắm cũng cần một thời gian để làm quen, vận hành”.