Dự án thủy điện "phủ sóng" Quảng Nam

Dự án thủy điện "phủ sóng" Quảng Nam

(GD&TĐ) - Xây dựng thủy điện là việc làm cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, mỗi thủy điện được cấp phép xây dựng đồng nghĩa với việc hàng trăm hecta rừng già bị triệt hạ để nhường chỗ cho những công trình thủy điện. Bên cạnh đó, huệ lụy của việc trên khiến lũ lụt ngày càng hung hãn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Môi trường sinh thái thay đổi khiến nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng...

Dự án thủy điện "phủ sóng" Quảng Nam ảnh 1
Phá toang đồi rừng núi, bờ sông để ngăn nước làm thủy điện ở các huyện miền núi Quảng Nam

Thủy điện “phủ sóng”.

Chiều hôm qua ngày 20-7, theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có tổng cộng 33/48 dự án thủy điện được phê duyệt, các dự án thủy điện (DATĐ) đã được phê duyệt quy hoạch tại Quảng Nam với tổng công suất khoảng 1.601,1 MW, trong đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có 4 dự án đó là: thủy điện A Vương (công suất 210MW), Sông Tranh (180MW), Sông Bung (108MW), Sông Bung 4 (120MW); còn lại là do các chủ đầu tư khác và địa phương quản lý.

Hiện nay, DATD đã được “phủ sóng” khắp 10 huyện của tỉnh Quảng Nam, gồm: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn và Đại Lộc. Trong đó, huyện huyện Nam Giang, có đến 11 DATĐ bậc thang vừa và nhỏ; huyện Nam Trà My có đến 13 DATĐ; huyện Bắc Trà My hiện có 2 dự án là thủy điện Sông Tranh 2 và Tà Vy. Tính đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Nam đã có 8 công trình thủy điện đang phát điện, gồm: công trình thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3 và Sông Tranh 2. Bên cạnh đó, hàng loạt DATĐ đang triển khai hoặc đang lập báo cáo đầu tư.

Thủy điện đã chặn dòng nước làm cho sông, suối ở miền núi Quảng Nam trơ đấy, khô hạn nặng
Thủy điện đã chặn dòng nước làm cho sông, suối ở miền núi Quảng Nam trơ đấy, khô hạn nặng

Rừng mất đất, dân mất nhà.

Chặn dòng tích nước, các công trình thủy điện (TĐ) đã nhấn chìm dưới lòng hồ hơn 10.000ha rừng đầu nguồn, rừng già nguyên sinh của Quảng Nam. Hàng chục ngàn héc-ta rừng thượng nguồn khác cũng bị triệt hạ để mở đường công vụ, xây dựng nhà công vụ, phục vụ tái định cư dự án, đốt rừng làm nương rẫy…

Như dự án thủy điện Sông Tranh 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cũng nằm trong số phận “ăn đất rừng”. Thủy điện này đã chiếm đất rừng của dân, đất sản xuất, từ đó kéo theo đời sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Để có đất sản xuất, phần lớn người dân ở đây đều đi đốt rừng, đốt nương để lấy đất trồng trọt. Chị Hồ Thị Dôn (thôn 2, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) cùng khoảng 800 hộ dân đã bàn giao đất đai, nhà cửa để làm thủy điện Sông Tranh 2 và khăn gói về khu tái định cư mới.

Từ đó, công việc hằng ngày của chị Dôn chủ yếu là... đốt rừng. Chị Dôn kể nhà có chín miệng ăn nhưng không có đất để trồng trọt. Chị cũng như nhiều gia đình ở đây phải đi đốt rừng để lấy đất làm rẫy, dân không có đất thì đi phát rẫy ở rừng để khai hoang trồng trột thôi, chứ dân chúng tôi biết lấy gì sinh sống. Cứ đốt hết quả đồi này, trồng được một vụ xong lại sang đồi khác đốt” - chị Dôn tâm sự.

Một thủy điện ở miền núi Bắc Trà My đang xả nước
Một thủy điện ở miền núi Bắc Trà My đang xả nước

Nghe hỏi chuyện dân địa phương đốt rừng lấy đất làm rẫy, ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My cho biết: Khi có dự án thủy điện Sông Tranh 2, nhân dân trong vùng ai cũng phản đối quyết liệt, nhất là đời sống của các hộ dân sống dưới lòng hồ, triển khai dự án thì mất đất rừng, mất đất sản xuất, đời sống nhân dân bị đảo lộn, nếu chuyển qua khu tái định cư khác, thì cũng khai hoang đất rừng mới có đất để xây dựng khu tái định cư, ngoài ra cũng khai hoang thêm đất, mới có đất sản xuất. Nhân dân chúng tôi không hề muốn có thủy điện chút nào hết.

Còn ông Huỳnh Tấn Sâm, Nguyên Bí thư huyện ủy Bắc Trà My cho biết: khi dự án thủy điện Sông Tranh 2 được đầu tư, xây dựng, lúc tôi còn làm Bí thư, chính tôi cũng phản đối quyết liệt rồi, tôi và Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Trà My đề nghị tỉnh Quảng Nam không cho xây dựng thêm các công trình thủy điện khác trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Thời gian qua, dự án thủy điện Sông Tranh 2 là một trong những thủy điện lớn, vùng ảnh hưởng rộng, diện tích bị ngập nước xấp xỉ 2.500ha đất các loại; trên 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, quá trình quy hoạch bố trí tái định cư nhưng chưa gắn liền với việc quy hoạch đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nên hầu hết nhân dân không có đất sản xuất, dự báo trong thời gian tới tình trạng thiếu đói là khó tránh khỏi. Ngoài ra, do không có đất sản xuất, nên chắc chắn người dân sẽ phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ để sản xuất tái diễn.

Điều dễ thấy nhất là trong thời gian gần đây, thủy điện “góp thêm lũ” gây ra lũ lớn vào mùa mưa và gây khô hạn vào mùa nắng cho vùng hạ du của các hệ thống sông tại Quảng Nam. Còn nhớ như in, vào ngày 29-9-2009, khi đỉnh lũ vùng hạ du sông Vu Gia đạt mức báo động 3 thì cũng là lúc thủy điện A Vương xả lũ để bảo vệ hồ. Tổng cộng TĐAV xả xuống hạ lưu 149 triệu m3 nước, gấp 10 lần thông tin mà thủy điện này báo cáo với tỉnh, ngập 95% nhà dân toàn huyện. Cơn lũ khiến 8 người chết, 380 người bị thương, 35.000 nhà dân bị ngập nước từ 1 - 4,5m, hơn 13.500 tấn lương thực bị trôi và ngập ướt hư hỏng.

Điều mà người dân vùng hạ du lo ngại nhất nếu sau này tất cả 33/48 thủy điện tại Quảng Nam đi vào hoạt động, nếu không có cơ chế phối hợp xả lũ mà mạnh ai nấy xả, lúc ấy những hồ chứa nước của các thủy điện phía thượng nguồn giống như những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân chờ… “thiên nhiên kích nổ”.

Người dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 thiếu đất sản xuất, họ đua nhau phá, đốt rừng để làm rẫy - ảnh Đ. Cường
Người dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 thiếu đất sản xuất, họ đua nhau phá, đốt rừng để làm rẫy - ảnh Đ. Cường

Xóa sổ nhiều dự án không khả thi.

Trong thời gian qua, các DATĐ vừa và nhỏ đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề về kinh tế và an sinh xã hội… gây bức xúc trong dư luận. Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Nam đã xóa xổ các DATĐ không hiệu quả, có thể tác động xấu đến môi trường…

Trước những thực tế trên, đầu năm nay UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định thu hồi và tạm dừng cấp phép 15 dự án thủy điện, vì các dự án thủy điện này không khả thi, vướng mắc trong khâu đầu tư từ qui mô nhỏ nâng lên qui mô lớn gây ngập đất sản xuất của người dân và làm thiệt hại lớn diện tích rừng đầu nguồn. Cụ thể, loại DATĐ Pà Dồn (3MW) do Cty cổ phần Năng lượng Nhân Luật đầu tư tại huyện Nam Giang, vì vướng các khu tái định cư thủy điện Sông Bung 4 là Pa Rum 1 và 2; DATĐ Đăk Se 2 (2MW) của Cty Xây dựng và phát triển hạ tầng Quảng Nam, vì vướng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; DATĐ Trà Linh 1 (3,2MW) do Cty cổ phần Xây dựng 699 đầu tư tại huyện Nam Trà My, vì vướng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; DATĐ Sông Trok (2MW) ở huyện Bắc Trà My của Cty CP Xây dựng thương mại & dịch vụ Hoàng Quốc.

Thủy điện A Vương xả lũ năm 2099 làm cho vùng hạ lưu đồng bằng chìm ngập trong biển nước
Thủy điện A Vương xả lũ năm 2009 làm cho vùng hạ lưu đồng bằng chìm ngập trong biển nước

Phóng viên trao đổi với ông Phạm Thanh Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết: Việc xây dựng thủy điện đồng nghĩa với việc toàn bộ số rừng nằm trong dự án thủy điện bị mất trắng, không những thế mà bao nhiêu động vật, sinh vật cảnh sống trên rừng núi và dưới lòng nước từ đó cũng bị tuyệt chủng, mất dần đi. Cũng như dự án thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, lúc chưa có thủy điện đa số người dân sống dưới lòng hồ, làm ruộng lúa nước, nhưng có dự án thủy điện rồi thì dân được chuyển đi nơi khác tái định cư nhường đất cho thủy điện. Nếu dân chuyển đi nơi khác khai hoang “đất rừng” để làm khu tái định cư và đất làm ruộng thì từ đó đất rừng tăng diện tích bị tàn phá lên gấp đôi. Cuối cùng các dự án thủy điện chỉ toàn là “hút” hết đất rừng… - ông Lâm nhấn mạnh.

Không thể phủ nhận những lợi ích từ các thủy điện tại Quảng Nam, vừa khai thác tốt tiềm năng khu vực này vừa góp phần cung cấp điện cho cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện theo kiểu… “phủ sóng” như ở Quảng Nam hiện nay quả là… “xưa nay hiếm” và trở thành mối đe dọa khôn lường đối rừng núi và đồng bào vùng hạ du. Dự án thủy điện thời gian qua ở Quảng Nam đã làm nhân dân vùng hạ lưu điêu đứng, nhưng sống trên miệng hố bom nước. 

Bài và ảnh: Nguyên Khang – Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ