Dự án mới đưa người lên Mặt trăng

GD&TĐ - Chuyện đưa người lên Mặt trăng thì có gì là mới? Vào cuối những năm 60 - đầu 70 của thế kỷ trước, người Mỹ đã thực hiện điều này 6 lần. Nhưng mọi việc không hề đơn giản. Mới đây, viện Các vấn đề Y sinh của Nga đã bắt đầu thực hiện một chương trình nghiên cứu kéo dài 5 năm với các thí nghiệm phức tạp dành cho dự án đưa con người lên vệ tinh của Trái đất. 

Phi hành đoàn thử nghiệm Sirius
Phi hành đoàn thử nghiệm Sirius

NASA cũng tham gia chương trình nghiên cứu này, vì các nhà khoa học Mỹ thừa nhận rằng họ vẫn còn khá mù mờ về các sứ mệnh vũ trụ trong tương lai.

Tên gọi của chương trình là Tổ hợp nghiên cứu khoa học quốc tế tại trạm mặt đất (Scientific International Research In Unique terrestrial Station - viết tắt SIRIUS). Năm nay, chương trình sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm kéo dài 17 ngày; trong năm tới, dài 4 tháng, rồi sau đó sẽ là những cuộc thử nghiệm kéo dài tới 8 tháng và nhiều hơn.

Cuộc sống trong những… cái thùng bịt kín

Mọi diễn biến của cuộc thử nghiệm sẽ xảy ra trong Tổ hợp thử nghiệm trên mặt đất (NEC), với một loạt các mô-đun dạng thùng kín bằng kim loại. Tổ hợp này đã tồn tại từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, dành cho những đợt tập dượt chuyến bay lên sao Hỏa.

Sau đó, NEC được tái cấu trúc, có thêm nhiều tiện nghi hiện đại, thậm chí có cả máy vi tính. Gần đây, NEC đã thực hiện một thí nghiệm có tên “Mars-500” - “phi hành đoàn” đã sống 520 ngày trong những chiếc thùng, được gọi là vật thể kín, với những điều kiện sống giống như trong chuyến bay lên sao Hỏa.

Khi đáp xuống bề mặt của sao Hỏa (giả định như vậy), họ sẽ ra khỏi “thùng” trong những bộ đồ đặc biệt có thể chống được các loại tia bức xạ từ vũ trụ.

Mô hình buồng ngủ và phòng sinh hoạt

Mô hình buồng ngủ và phòng sinh hoạt

Hiện nay, tại NEC có hai mô-đun với thể tích 100 và 150 mét khối. Tiến sĩ Sergey Ponomarev, điều phối viên khoa học của dự án cho biết, thể tích này lớn hơn một ít so với con tàu vũ trụ bay tới Mặt trăng.

Khi được hỏi về mục đích của những cuộc thử nghiệm lần này, TS Alexander Suvorov, tổng phụ trách dự án cho biết, SIRIUS được Cơ quan quản lý vũ trụ Nga (Poscosmos) giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn về mặt y – sinh học cho những chuyến bay vũ trụ xa và dài ngày sẽ được thực hiện vào khoảng đầu thập niên 2030. Mọi chuyện phải được tính toán và bắt tay chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Cơ cấu phi hành đoàn rất quan trọng

Việc tuyển chọn và cơ cấu đội hình phi hành đoàn cũng là một vấn đề nan giải. Trên các chuyến bay của tàu vũ trụ Nga MIR (Hòa bình) từng có những phi hành đoàn có nam có nữ, hay trên Trạm không gian quốc tế (ISS) cũng có nhiều trường hợp phi hành gia nữ hoạt động chung với các đồng nghiệp nam.

Câu hỏi mà các chuyên gia y - sinh học cần giải đáp là trạng thái tâm sinh lý của các thành viên phi hành đoàn hỗn hợp (có cả nam lẫn nữ). Khi được hỏi, các nam phi hành gia Nga thường nửa đùa nửa thật trả lời rằng, khi có mặt phụ nữ trong phi hành đoàn, họ luôn cố gắng thể hiện mình thật tốt, hành xử lịch sự, văn minh, ngay cả từ ngữ giao tiếp cũng phải được chọn lựa kỹ càng.

Nhưng câu trả lời như thế khó thỏa mãn các chuyên gia, vì họ cần biết: Khi có mặt phụ nữ, các nam phi hành gia thực hiện những điều trên một cách tự nhiên, dễ dàng hay điều đó lại tạo thêm áp lực tâm lý không cần thiết?

Có nhiều sự lựa chọn trong việc sắp đặt cơ cấu “phi hành đoàn” cho các cuộc thử nghiệm. Phương án đầu tiên sẽ là 50-50, cụ thể là 3 nam, 3 nữ. Mục tiêu chính yếu là để xác định xem trong môi trường khép kín lâu ngày, năng lực hoạt động chuyên môn của con người có bị giảm sút hay không, nếu có thì ở mức độ nào.

Đồng thời, các chuyên gia cũng sẽ nghiên cứu, xem xét, liệu các phản ứng tâm sinh lý, sự xáo trộn về trao đổi chất… tác động như thế nào đến màng mô các tế bào trong cơ thể và điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của chuyến bay.

Trong chuyến bay giả định, mỗi “phi hành gia” được gắn 1 thiết bị cảm biến đặc biệt có thể ghi nhận rất nhiều thông số như nhịp tim, nhịp thở, điện tâm đồ, mức độ vận động của các cơ bắp, thành phần máu, nước tiểu…

Những người tham gia thử nghiệm sẽ sống trong cabin nhỏ và chật hẹp. Trong không gian khép kín, hệ miễn dịch của cơ thể có thể bị xáo trộn, tâm lý, sinh lý cũng thay đổi. Nhịp sinh học có thể bị rối loạn khi con người không nhìn thấy mặt trời bên ngoài cửa sổ.

Đối với phi hành đoàn SIRIUS-1, một tình huống bất thường đã được lên kế hoạch. Vào ngày thứ 14 của chuyến bay “thử nghiệm”, họ sẽ không được ngủ trong 39 giờ.

“Hãy xem điều gì sẽ xảy ra – tiến sĩ Suvorov nói– Ngày thứ 14 được coi là thời kỳ thích nghi. Các “phi hành gia” sẽ quen với việc sống trong “con tàu”. Và từ đó sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn...”.

Lên mặt trăng không phải chỉ để du chơi

Được biết, từ tháng 3/2017, Roscosmos đã công bố các điều kiện tuyển chọn phi hành gia cho các chuyến bay lên Mặt trăng trên những phi thuyền thế hệ mới trong tương lai gần. Cũng trong năm nay, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ phóng một trạm nghiên cứu khoa học lên Mặt trăng và sẽ là quốc gia ứng viên thứ ba của Trái đất sở hữu bề mặt Mặt trăng.

Elon Musk “cậu bé vàng của nước Mỹ”, người sáng lập công ty Space-X, đồng sáng lập Tesla Motors và PayPal, cũng đưa ra lời hứa hấp dẫn là trong năm tới sẽ đưa du khách lên dạo chơi trên Mặt trăng và sẽ đưa họ về Trái đất an toàn (đã có hai du khách giấu tên đăng ký và ứng trước một phần tiền vé).

Như vậy, xem ra, Mặt trăng đang trở nên hấp dẫn trở lại và dường như đang diễn ra “làn sóng” mong muốn chinh phục Mặt trăng lần thứ hai.

Tuy nhiên, có một điều chưa rõ ràng, đó là ngày nay Nga thực hiện việc đưa người lên Mặt trăng với mục đích gì?

Theo chủ tịch tập đoàn tên lửa vũ trụ Energy của Nga, giáo sư Mark Serov, việc chinh phục Mặt trăng có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, vũ trụ từ xa xưa đã là một đối tượng mà con người luôn khát khao tìm hiểu. Vũ trụ vô bờ có thể mang lại cho loài người sức mạnh vô biên, khả năng vô tận, và con người không thể cứ mãi mãi nhỏ bé, tự giam mình trong cái nôi Trái đất. Nền văn minh nhân loại có nhiều con đường phát triển, và nghiên cứu, chinh phục vũ trụ là một trong những con đường đúng đắn.

Trái đất nhìn từ Mặt trăng

Trái đất nhìn từ Mặt trăng

Còn về những chuyến bay sắp tới lên Mặt trăng thì cũng có những mục tiêu cụ thể. Công cuộc nghiên cứu khoảng không vũ trụ gần Trái đất không thể dừng chân một chỗ mãi được. Mỗi dự án đều mang lại sự hiểu biết mới, bước tiến bộ mới.

Chẳng hạn công việc của con người trên Trạm không gian quốc tế (ISS) ngày nay đã dễ dàng hơn nhiều, khác xa so với 20 năm về trước. Nhiều phát hiện khoa học đã được thực hiện trong không gian vũ trụ, chỉ có điều chưa được công bố hết mà thôi.

Từ giữa thập niên 1960, Liên Xô cũng từng có cuộc đua lên Mặt trăng với Mỹ. Người Nga đã bắt tay chế tạo những tên lửa mạnh, đủ sức đưa phi thuyền chở người lên Mặt trăng.

Nhưng tổng công trình sư tên lửa thiên tài của Liên Xô, Sergei Korolev (1906-1966), qua đời đột ngột, một số giải pháp kỹ thuật đã bị bỏ dở, lại đúng lúc Liên Xô đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh lạnh với phương Tây nên kế hoạch đưa người lên Mặt trăng đành tạm hoãn. Nhưng từ đó tới nay, người Nga đã tích lũy được rất nhiều kiến thức qua các chuyến bay có người lái lên vũ trụ.

Người Nga đã làm chủ được về mặt công nghệ, kỹ thuật cho các chuyến bay đưa người lên mặt trăng. Vấn đề còn lại chỉ là việc tập luyện cho con người thích nghi được với môi trường vũ trụ, cách tổ chức cuộc sống lâu dài trên mặt trăng hay các hành tinh khác, và giải quyết một số yêu cầu về hậu cần, thông tin liên lạc… Dĩ nhiên không phải chúng ta chỉ đơn giản đưa người lên Mặt trăng để dạo chơi rồi về, mà phải thực sự là những chuyến bay nghiên cứu khoa học nghiêm túc, hiệu quả.

Cách đây hơn 100 năm, từng tồn tại quan niệm cho rằng việc nghiên cứu Bắc cực, Nam cực là điên rồ, vô ích. Nhưng giờ đây, thành quả của việc khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác hai cực Trái đất đã quá rõ ràng. Châu Nam cực, châu lục thứ sáu của Trái đất, rõ ràng đã mang lại cho nhân loại không biết bao nhiêu lợi ích cụ thể.

Biết đâu rằng một ngày nào đó, Mặt trăng sẽ là châu lục thứ bảy mà loài người có thể khai thác, sử dụng cho sự phát triển của nền văn minh trên Trái đất…

Theo kp.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ