Dù tiểu Dự án Nâng cấp đường vào Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn thành, sử dụng được 2 năm, nhưng đến nay người dân vẫn sẽ phải đợi thêm một dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) nữa mới có tiền đền bù...
Phải đợi dự án mới...
Ngày 6/11, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: “Dự án nâng cấp đường gần 200 tỷ đồng ở Điện Biên: Dân mòn mỏi đợi tiền đền bù”. Ông Nguyễn Minh Phú – Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên khẳng định rằng người dân sẽ tiếp tục phải đợi cho đến khi có dự án riêng về mặt bằng thì mới có vốn.
Dự án mà ông Phú nhắc đến có tên gọi: Dự án Giải phóng mặt bằng tiểu Dự án Nâng cấp đường vào Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng (thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng tỉnh Điện Biên).
Theo ông Nguyễn Minh Phú, trong 2 năm gần đây, Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên (đơn vị tiếp nhận, giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau khi Ban Thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên (đại diện chủ đầu tư) giải thể) đã nỗ lực để “gỡ nút thắt” song vẫn bế tắc do dự án GPMB của tiểu dự án nói trên chưa được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt.
“Tổng mức bồi thường là khoảng 35 tỷ đồng. Trong đó đã ứng, vay mượn để giải ngân được khoảng 40%. Nói chung là số tiền này là vẫn chưa được duyệt. Số tiền (tạm ứng - pv) kia là đi vay để xử lý tình huống thôi.
Còn phương án đền bù GPMB thì UBND thành phố đã phê duyệt rồi. Nghĩa là phải tách ra làm 2 dự án. Dự án làm đường thì đã đóng lại rồi để thanh quyết toán. Bây giờ muốn có tiền đền bù cho dân thì phải lập một dự án riêng”, ông Phú cho biết.
Liên quan đến tiểu Dự án Nâng cấp đường vào Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định 1002/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình.
Theo Quyết định 1002, diện tích sử dụng là 24,378ha; trong đó chi phí cho GPMB là 16,9 tỷ đồng từ nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương. Mục tiêu đầu tư của dự án này là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân và hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên khai thác thế mạnh đặc thù của Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Con đường được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 10/2021, đến nay đã có nhiều điểm xuống cấp trầm trọng song người dân vẫn mòn mỏi đợi tiền bồi thường GPMB. |
Chuyện “đã rồi”!
Theo ông Nguyễn Minh Phú, sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân và qua các kênh khác nhau, Sở VH,TT&DL Điện Biên đã có nhiều động thái những mong vấn đề trên sớm được giải quyết.
Ngày 30/7/2021, ông Phạm Việt Dũng – Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên, Giám đốc Ban Thực hiện dự án du lịch có Tờ trình số 806/TTr-BTHDADL về việc đề nghị thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư “Dự án GPMB tiểu Dự án Nâng cấp đường vào Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng”.
Mục tiêu, hoàn thiện việc GPMB bồi thường, hỗ trợ khoảng 444 hộ gia đình, cá nhân, diện tích đất của tổ chức quản lý tạo quỹ đất để thực hiện dự án công trình nâng cấp đường vào Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.
Diện tích thực hiện GPMB lúc này được xác định là hơn 33ha (Quyết định 1002 là 24,3ha); dự kiến tổng mức đầu tư là 34,35 tỷ đồng (Quyết định 1002 là 16,9 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2021.
Nửa tháng sau, ngày 16/8/2021 Sở KH&ĐT tỉnh Điện Biên đã có Báo cáo số 1758/BC-SKHĐT về kết quả thẩm định dự án GPMB gửi UBND tỉnh Điện Biên. Trong văn bản này, về cơ bản các sở, ngành liên quan đều nhất trí.
Tuy nhiên, Sở KH&ĐT cho rằng, việc tách riêng dự án GPMB ra khoản Dự án Nâng cấp đường vào Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công. Lý do bởi: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH13: “Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A”.
Sở KH&ĐT Điện Biên cũng chỉ ra: Dự án GPMB thực hiện độc lập hiện nay chưa có phân loại nhóm dự án. Dù vậy thì sở này cũng đưa ra kết luận cuối cùng: Dự án đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.
Ông Phạm Đình Sang (Đội 2 xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) là người suốt bao năm đi 'gõ cửa' khắp nơi những mong sớm được thanh toán gần 1 tỷ đồng đền bù GPMB. |
“Sở KH&ĐT đã thẩm định rồi, trình UBND tỉnh rồi, song UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt. Sở VH,TT&DL thì cũng đã cố gắng lắm rồi. Nhưng bây giờ khổ cái quyết định lại phải là cơ quan có thẩm quyền. Đây là dự án “đã rồi” nên để giải quyết quyền lợi cho dân thì phải làm thôi”, ông Nguyễn Minh Phú nói.
Khi Báo GD&TĐ đặt câu hỏi: Vậy khi thanh toán cho người dân, chủ đầu tư cho tính toán chi trả số tiền phát sinh do chậm trả hay không thì ông Phú cho rằng hiện tại vẫn chưa thể trả lời được.
Gần đây nhất, ngày 19/10, Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên đã có Văn bản số 2266/BC-SVHTTDL báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu, kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh Điện Biên.
Văn bản trên thể hiện, đến nay, Ban Thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên đã thực hiện chi trả đền bù, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng số tiền là 22,475 tỷ đồng. Trong đó, hơn 13 tỷ đồng ngân sách đã cấp, số còn lại là tạm vay của các nhà thầu.
Trong khi nhu cầu vốn để GPMB cho các hộ nằm trong 24 quyết định được UBND thành phố Điện Biên Phủ phê duyệt phương án, dự toán kinh phí bồi thường là 35,6 tỷ đồng (báo cáo thẩm định số 1758 của Sở KH&ĐT là 34,35 tỷ đồng?!).
Sở VH,TT&DL thêm một lần khẳng định sẽ thanh toán đầy đủ cho các hộ dân bị ảnh hưởng ngay sau khi dự án GPMB được duyệt và được bố trí kinh phí. Thời gian dự kiến là trong 2 năm 2023 - 2024.
Như vậy, nghĩa là các hộ dân liên quan đến việc GPMB tại tiểu Dự án Nâng cấp đường vào Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng sẽ lại tiếp tục phải đợi cho đến khi có dự án mới.
“Dự án Nâng cấp đường vào Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt vào năm 2017, với chiều dài hơn 17 km. Tổng vốn đầu tư gần 170 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, trong đó, dự toán 16,9 tỷ đồng GPMB. Do đội vốn nên đại diện chủ đầu tư đang tính toán cắt đi chi phí GPMB, thay vào đó là lập thêm một dự án riêng về GPMB để có tiền chi trả cho các tổ chức, cá nhân liên quan”.