Đóng vai lãnh tụ trong điện ảnh

GD&TĐ - Là “tấm gương”, là anh hùng hay tên vô lại, kẻ quỉ quyệt láu cá hay thông minh; kẻ đạo đức giả, thủ đoạn hay tâm thần…, các nhân vật lãnh tụ luôn là nguồn cảm hứng cho điện ảnh Hollywood. Nhiều bộ phim khai thác đề tài này đã mang về nhiều tiền cho đội ngũ làm ra chúng nhưng cũng có lắm bộ phim thất bại. Có diễn viên đóng vai lãnh tụ thành công đến nỗi tên của họ được gắn liền với người họ đóng.

Phim Gandhi
Phim Gandhi

Mô phỏng gần với đời thực

Dĩ nhiên, điện ảnh chỉ là mô phỏng dựa vào hiện thực nên tính cách và đời tư của các nhân vật chính trị trong phim thường bị lèo lái bởi những người tạo ra nó.

Sự thật có khi chỉ là một phần hoặc hoàn toàn thêu dệt theo hướng thần tượng hóa hoặc bôi bác đến tận cùng. Vì vậy, khi nhập vai các nhân vật chính trị, diễn viên không chỉ nghiên cứu nhân vật mình đóng bằng cách đọc sách sử mà còn phải thực hiện đúng với ý đồ đạo diễn.

Thể hiện một người bình thường đã khó, thể hiện một nhân vật của công chúng càng khó hơn. Khán giả luôn chia làm hai, kẻ ủng hộ nội dung phim, cách diễn của diễn viên, kẻ hoàn toàn phản đối những gì mà họ cho rằng “bóp méo lịch sử”.

So với thời kỳ làm những bộ phim đầu tiên về tổng thống hay thủ tướng, điện ảnh Hollywood đã có bước nhảy vọt lớn. Nhưng những bộ phim như Nhà độc tài (phim câm của vua hề Charlot Chaplin) và Gandhi luôn được xem là “kinh điển” về cách thể hiện con người thật của các lãnh tụ.

Các diễn viên đóng vai lãnh đạo là một chuyện, việc vai diễn của họ có được yêu thích hay không lại là chuyện khác. Lột trần được tính cách của Hitler sẽ làm cho những người ghét ông ta yêu thích nhưng đối với những người yêu ông ta thì đó là sự lăng mạ.

Vai diễn mang bản sắc chính trị vừa là cơ hội vừa là nguy cơ cho tương lai của diễn viên thủ vai này. Đánh giá của khán giả dưới góc nhìn bị chính trị hóa cũng làm sai lạc chất lượng vai diễn.

Một diễn viên gạo cội khẳng định “đóng vai lãnh tụ giống như làm dâu trăm họ vì không lãnh tụ nào mà chẳng có kẻ yêu người ghét. Vì vậy cách tốt nhất là cứ thể hiện đúng ý đồ của đạo diễn”.

Vào vai các lãnh tụ có cuộc đời lên voi xuống chó và các lãnh tụ có kết thúc bi thảm là khó nhất. Giống như vai cố tổng thống Chile Agende, nhà cách mạng Che Guevara hay vai Nixon.

Nhưng nói chung, các bộ phim nói về các lãnh tụ mà sự nghiệp chính trị không hề êm ả này luôn có sức thu hút đặc biệt. Hollywood thích khai thác họ vì biết chắc sẽ có nhiều người xem.

Nếu mở ra được một bí ẩn nào mới (trên chính trường hay trên tình trường) thì doanh thu càng tăng. Trong số các nhân vật chính trị được Hollywood quan tâm đặc biệt có cố tổng thống Mỹ J.F. Kennedy.

Rất nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình về ông rất thành công dù điểm nhấn có khác nhau. Phim thì cố giải mã bí mật ám sát, phim thì đi vào quan hệ với mafia.

Phim thì nói về các mối tình tay ba, tay tư. Sau đây là một số diễn viên được xem là đóng thành công nhất các bộ phim lãnh tụ.

1. Bruno Ganz vai Adolf Hitler trong bộ phim Downfall

Đạo diễn Oliver Hirschbiegel đã khai thác 10 ngày cuối cùng của Hitler trước khi nhà độc tài Quốc xã Đức tự sát với vợ mới cưới Eva Braun và diễn viên Bruno Ganz đã lột tả rất tốt xung đột nội tâm được đẩy đến đỉnh điểm của con người từng nuôi tham vọng về một chủng tộc Đức thượng đẳng này.

Trước khi vào vai, Ganz đã nghiên cứu rất kỹ về con người lắm thủ đoạn và tàn bạo này. Cách nói chuyện, cử chỉ và dáng dấp của nhà độc tài được ông nghiên cứu rất kỹ. Hirschbiegel và Ganz đã trình bày Hitler như một “kẻ tha hóa từ căn bản” chứ không phải là một “con quỉ siêu nhiên”.

2. Ben Kingsley vai Mahatma Gandhi trong phim Gandhi

Bộ phim tiểu sử về “Thánh Gandhi” của đạo diễn Richard Attenborough nói về nhà cách mạng bất bạo động của Ấn Độ được đánh giá là bộ phim kinh điển xuất sắc nhất khai thác đề tài lãnh tụ.

Phim đoạt nhiều giải Oscar và các giải khác đồng thời ghi nhận thành công lớn nhất của Ben Kingsley trong sự nghiệp diễn xuất của mình.

Bộ phim mở ra với cảnh ám sát Gandhi và lễ tang trước khi quay về 55 năm trước rồi đi theo cuộc vận động bất hợp tác và bất bạo động của Gandhi để đòi thực dân Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ.

Diễn viên Ben Kingsley đã giúp truyền tải hoàn hảo thông điệp của vị thánh cho thế hệ hiện nay: một con người sống đơn giản bên ngoài nhưng bên trong là tinh thần không khuất phục và sẵn sàng đấu tranh đến cùng để đạt mục tiêu của mình trên tinh thần không dùng vũ lực.

3. Benicio Del Toro vai Ernesto ‘Che’ Guevara trong bộ phim Che: Part One And Part Two

Phim dài đến 269 phút nên đạo diễn Steven Soderbergh phải chia làm 2 tập mới nói được đầy đủ cuộc đời của nhà cách mạng Marxist gốc Argentina Ernesto ‘Che’ Guevara, thần tượng của nhiều người trẻ Nam Mỹ và thế giới.

Tập đầu nói về cuộc hành trình của Che đến Cuba để tham gia cuộc cách mạng lật đổ chế độ Batista, còn tập thứ 2 nói về việc Che tìm cách xuất khẩu cuộc cách mạng sang Bolivia nhưng bị bắn chết ở đó. Benicio Del Toro đóng rất đạt vai Che, đặc biệt là khi ông phát biểu trước Đại hội đồng LHQ với tư cách đại diện của Cuba vào năm 1964.

4. Forrest Whitaker vai nhà độc tài Idi Amin trong bộ phim The Last King Of Scotland

Dù có nhiều tình tiết giả tưởng nhưng bộ phim The Last King of Scotland của đạo diễn Kevin Macdonald vẫn nhận được lời ngợi khen của nhiều nhà phê bình.

Cách diễn của Forrest Whitaker trong vai tổng thống Idi Amin hoàn hảo và ông đã đoạt Oscar cho vai này. Phim nói về một bác sĩ sinh ở Scotland mà số phận khiến mình trở thành một cận thần của Amin và tham gia vào một chế độ ác ôn, tham nhũng và hoang tưởng.

Khía cạnh hoang tưởng của Amin được Whitaker lột tả rất thành công. Whittaker thú nhận là ông phải bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu về nhà độc tài này sau khi nhận vai.

5. Anthony Hopkins vai Richard Nixon trong bộ phim Nixon

Đạo diễn Oliver Stone đã rất vất vả khi làm một bộ phim về nhân vật bị tranh cãi này, người phải rời chức tổng thống Mỹ một cách nhục nhã do dính vào xì căng đan nghe lén và bị Quốc hội phế truất.

Hopkins thể hiện khá thành công con người chính trị của Nixon, một kẻ xuất thân từ giáo phái Quakers đến cương vị chóp bu của nước Mỹ và bị nhiều người căm ghét trước khi phải từ bỏ chiếc ghế tổng thống. Oliver Stone muốn Hopkins làm cho khán giả nhìn thấy rằng ngoài việc có các hành động mờ ám để mưu cầu quyền lực, Nixon thuộc đảng Cộng hòa cũng có những gì mà người bình thường có.

6. Daniel Day-Lewis vai Abraham Lincoln trong phim Lincoln

Lincoln được xem là bộ phim truyện chính trị hơn là tiểu sử nên đề cập nhiều đến việc ông cố làm cho Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 13 hủy bỏ chế độ nô lệ và xác lập quyền con người trước khi kết thúc Nội chiến Mỹ.

Diễn viên Daniel Day-Lewis thú nhận việc vào vai cố tổng thống, người được lịch sử xem như một trong các tổng thống lỗi lạc nhất của nước Mỹ, không hề là chuyện bình thường.

Day-Lewis phác họa Lincoln như một con người chân thật nhưng đầy cá tính phải đối mặt với nhiều quyết định khó khăn trong sự nghiệp chính trị khi có quá nhiều kẻ thù chung quanh.

7. Michael Sheen vai cựu thủ tướng Tony Blair trong Tony Blair – The Queen

Diễn viên Michael Sheen thành công với vai diễn Tony Blair đến nỗi ông được mời đóng 3 phim khác nhau về cựu thủ tướng Anh: The Deal, The Queen (đều do Stephen Frears đạo diễn) và The Special Relationship.

Rõ ràng khi làm phim về Blair, các đạo diễn đều nghĩ đến ông. “Dung mạo, cử chỉ và dáng dấp của tôi có cái gì đó rất Blair” – Sheen nói đùa với một tờ báo.

Nhưng bộ phim Tony Blair – The Queen không nói nhiều về Blair mà tập trung vào cái chết bi kịch vì tai nạn xe hơi của Vương phi Diana đồng thời cố vạch trần phần nào những gì xảy ra trong nội cung Hoàng gia Anh. Sheen thể hiện Blair như một con người đầy mâu thuẫn và là đối tượng chỉ trích của báo chí.

Theo Hollywood Reporter và The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ