Trường quay phim điện ảnh - “mỏ vàng” và nơi hoang tàn?

GD&TĐ - "Cái khó bó cái khôn" từ lâu đã trở thành câu cửa miệng của giới làm phim Việt. Đành rằng chúng ta chưa có được những phim trường chuyên nghiệp như Hollywood hay những phim trường nổi tiếng châu Á thì ít ra điều kiện làm phim hiện nay cũng hơn hẳn thời của Cánh đồng hoang; Con chim vành khuyên... 

Nhắc đến Hollywood, ai cũng phải khâm phục mức độ hoành tráng của những phim trường chuyên nghiệp.
Nhắc đến Hollywood, ai cũng phải khâm phục mức độ hoành tráng của những phim trường chuyên nghiệp.

Vấn đề ở chỗ, chúng ta đang quá phụ thuộc vào vật chất, lười vận động, lười sáng tạo nên những "mỏ vàng" như phim trường Cổ Loa đang bị "bỏ hoang" lãng phí.

Khó khăn trong... tưởng tượng?

Người trong giới than khổ đủ điều, ngay cả việc phim trường Cổ Loa hơi xa trung tâm Hà Nội cũng trở thành lý do để than thở, nào là: "thà ở xa hẳn đi quay cách ngày còn hơn chứ đi quay nửa ngày thì rất dở dang...", rồi thì: "trường quay ngoại cảnh chỉ hợp cho phim lịch sử..."; Vấn đề ở chỗ họ không ý thức được rằng, có sẵn một phim trường đã là điều đáng mơ ước đối với người làm phim.

Trong khi đó, thế hệ tiền bối đã làm phim trong điều kiện kinh tế khó khăn, đối mặt với chiến tranh và nghèo đói, nhưng chúng ta vẫn có những tác phẩm kinh điển như Chung một dòng sông; Vỹ tuyến 17 ngày và đêm; Cánh đồng hoang; Con chim vành khuyên; Em bé Hà Nội... Dù muôn vàn khó khăn, những thước phim đẹp vẫn cứ làm nức lòng hàng triệu khán giả thời bấy giờ.

Phải chăng trong điều kiện khó khăn, "cái khôn" lại càng có cơ hội thăng hoa. Còn trong điều kiện kinh tế đủ đầy hơn như hiện nay, thì người trong giới làm phim lại không ngừng than vãn? Phim trường chưa đạt mức chuẩn chuyên nghiệp thì cũng không thấy ai "xốc vác" đẩy nó lên mức chuyên nghiệp. Thay vào đó, họ để ngỏ cho những hoạt động khác thản nhiên khai thác, như chuyển sang kinh doanh thêm du lịch với việc cho thuê chỗ chụp ảnh, mở tour du lịch, tổ chức đám cưới...!

Cả giới làm phim phía Bắc chẳng có một trường quay tử tế, hàng ngày vẫn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mượn, thuê và dựng bối cảnh. Tuyệt nhiên chẳng có ai nghĩ đến việc sẽ sang Cổ Loa quay, trừ các dự án phim lịch sử như Thiên mệnh anh hùng, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên Đô...

Đến thời điểm này, Cổ Loa vẫn chưa có bối cảnh bền vững nào. Mà nói đến bối cảnh, nhiều ý kiến cho rằng phải nói đến yếu tố kinh tế và điều kiện sản xuất, vì nó liên quan đến việc khả thi hay không. Bối cảnh tuyệt vời nhưng điều kiện sản xuất không ổn, ví dụ như diễn viên phải đi quá xa và không có chỗ nghỉ ngơi thì không ai chọn cả. Hoặc cảnh thì đẹp nhưng điện nước không có thì không ai dám đến quay. Diễn viên diễn mà muỗi đốt sưng vù mặt thì quay gì nữa. Chỗ ở, đồ ăn thức uống không có gì thì quay thế nào...

Hơn nữa, phong cách "mạnh ai người nấy làm" đã ăn vào máu nên ngay cả cách "ứng xử" với phim trường, người trong giới cũng lộ rõ khả năng nhìn nhận thiếu độ dài và sâu. Ví dụ, đoàn làm phim A chỉ chăm chăm lo cho xong phần việc của mình, không hề mảy may nghĩ đến người đi sau. Trong khi đó nếu trường quay giữ lại được các bối cảnh, phục trang, đạo cụ cho các đoàn phim B, C, D... thuê thì kinh phí sản xuất các phim sau sẽ rẻ hơn. Còn hiện nay trường quay của ta đơn thuần chỉ có đèn, có phòng, là bãi đất trống chứ chưa có kho lưu trữ.

Học hỏi chưa bao giờ là đủ

Đổ vốn hơn 100 tỷ đồng với diện tích 15ha, nhưng đến nay, trường quay Cổ Loa ( Đông Anh – Hà Nội) – vẫn rơi vào cảnh hoang tàn.

Đổ vốn hơn 100 tỷ đồng với diện tích 15ha, nhưng đến nay, trường quay Cổ Loa ( Đông Anh – Hà Nội) – vẫn rơi vào cảnh hoang tàn.

Nhìn ra thị trường nước ngoài, hễ nhắc đến Hollywood, ai cũng phải khâm phục mức độ hoành tráng của những phim trường chuyên nghiệp. Phim trường của hãng phim danh tiếng Universal ngự tại California là một ví dụ. Nơi đây nổi tiếng với những trường quay được dựng lên làm khán giả phải "khiếp sợ" với mức độ hoành tráng.

Tất nhiên, phim trường của Universal không chỉ để dựng phim mà còn làm "nguyên liệu" cho những ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới nếu họ muốn đầu tư những "siêu phẩm" âm nhạc. Vì vậy, kể cả không sản xuất phim thì Universal - nơi sản sinh ra Transformers, The Amazing Spiderman và Inception, vẫn cứ "ngồi mát ăn bát vàng" từ những gì mà họ đã gây dựng.

Sự so sánh gần gũi hơn có lẽ là Hàn Quốc, nhiều "mỏ vàng" phim trường ở đây cũng đang được khai thác triệt để. Trường quay phim Nàng Đê Chang Kưm, do Công ty điện ảnh MBC dựng tại thung lũng Văn hóa ở tỉnh Ghi-ông-ghi đã trở thành công viên văn hóa mở cửa đón khách tham quan, ngay sau khi phim được công chiếu tại Hàn Quốc.

Trên diện tích hơn hai nghìn mét vuông, du khách được tận mắt tham quan những địa điểm đã thấy trong phim: Khu vườn Đại Điện, Ngự thiện phòng, cổng Hồng Hoa, nơi ở của Đê Chang Kưm lúc mới vào cung, thư viện nơi Đê Chang Kưm và Min Chung Hô lần đầu gặp nhau, rồi nơi diễn ra các cuộc thi tài nấu ăn, nơi Đê Chang Kưm, Ma-ma Han bị giam, bị tra tấn...

Bộ phim không còn chiếu tại các rạp, hay trên truyền hình, nhưng những người làm phim một lần nữa nhận được tình cảm mến mộ của công chúng. Có thể nói, điện ảnh đã giúp du lịch thu hút khách, ngược lại du lịch quảng bá và ghi dấu ấn cho điện ảnh. Điều đó lý giải vì sao người trong giới gọi phim trường là "mỏ vàng".

Thực tế là chưa một thị trường nào dám nhận mình có nền sản xuất phim chuyên nghiệp mà không có trường quay. Mà nếu sử dụng yếu tố phim trường để đánh giá mức độ chuyên nghiệp thì có lẽ điện ảnh Việt sẽ ngậm ngùi với vị trí "trung bình khá".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ