Có phải là đông trùng hạ thảo?
Ngày 24/3, thông tin từ Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, sau một thời gian khảo sát, nhóm cán bộ, nhà khoa học của đơn vị này chính thức xác nhận và công bố đông trùng hạ thảo bọ xít được tìm thấy trong những cánh rừng nguyên sinh ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển.
Qua các mẫu vật thu thập, đông trùng hạ thảo bọ xít có hình dạng rất đặc biệt. Khi còn nhỏ, nấm có hình lưỡi liềm hoặc dạng thuôn nhọn ở phần đầu. Đến giai đoạn nấm già và chuẩn bị cho quá trình sinh sản, phần đầu có màu vàng cam đỏ, phần thân dưới màu nâu sẫm. Ở giai đoạn trưởng thành, nấm có độ cao khoảng 10 - 20 cm.
Đông trùng hạ thảo bọ xít giống như những loại đông trùng hạ thảo khác là được hình thành từ sự kết hợp giữa loại nấm cordyceps và bọ xít. Khi ấu trùng bọ xít ngủ đông và sống dưới mặt đất, bào tử nấm cordyceps ký sinh sẽ hút dần chất dinh dưỡng từ vật chủ.
Khi thời tiết ấm áp, bào tử nấm bắt đầu sinh sôi, nảy nở và trồi lên khỏi mặt đất để trở thành một cây nấm trưởng thành và bắt đầu vòng đời tiếp theo, phát tán bào tử nấm đi khắp mọi nơi.
Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy đông trùng hạ thảo bọ xít có công dụng không hề thua kém so với đông trùng hạ thảo khai thác từ cao nguyên Tây Tạng và đây là một loại thảo dược quý, hiếm.
“Khi xem ảnh chụp loại nấm này, chính tôi cũng không rõ nấm thuộc giống, loài nào. Về hình dáng thì có thể bọ xít này thuộc họ bọ 5 cạnh (Pentatomidae) và bọ xít vòi (Reduviidae). Bọ xít không bao giờ có giai đoạn sống trong đất, nó chỉ đẻ trứng lên cây, lá.
Mùa đông, tránh rét bằng cách chui vào bẹ lá, khe kẽ vỏ cây hay lớp thảm lá mục... Nếu bắt bọ xít ngoài tự nhiên, rồi phun bào tử nấm lên sẽ cho ra đông trùng hạ thảo bọ xít giống như đông trùng hạ thảo nhộng tằm. Nói chung nấm rất dễ phát triển trên cơ chất có chất dinh dưỡng (protein, hydrat cacbon...).
Loại nấm mọc trên bọ xít như vậy chẳng khác gì nấm Xylaria mọc lên từ tổ mối đã chết. Nếu ăn ít lượng độc chưa đủ gây chết hay ngộ độc có khi lầm tưởng là rất bổ”, GS Bùi Công Hiển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Đông trùng hạ thảo là dược liệu quý đã được sử dụng phổ biến trong y học khi có tới 17 axit amin có tác dụng bồi bổ và chống suy nhược cơ thể; kích thích hệ miễn dịch với hoạt chất selen; giúp kiểm soát tiểu đường, ổn định đường huyết; giảm cholesterol trong máu, rất tốt cho những người bị mỡ máu cao.
Trước đó, đông trùng hạ thảo bọ xít cũng được phát hiện tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Vườn quốc gia Hoàng Liên là khu vực thứ 2 phát hiện loài thảo dược này.
Cũng theo Vườn quốc gia Hoàng Liên, sau phát hiện này, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm cách nhân rộng mẫu giống đông trùng hạ thảo bọ xít hiện có để đưa vào sản xuất.
Quan trọng nhất là hoạt chất cordycepin
GS Bùi Công Hiển cho rằng, coi đây là đông trùng hạ thảo bọ xít thì cần phải làm rõ nhiều yếu tố khoa học lĩnh vực côn trùng và nấm. Thực tế, có rất nhiều loại nấm ký sinh lên côn trùng, trong đó có loại độc hại, cũng có loại bổ dưỡng, nhưng đến nay đều là những phát hiện lẻ tẻ.
“Còn nhớ trong một hội thảo khoa học về côn trùng trong y học cổ truyền, GS Đái Duy Ban cũng có thông báo ở miền núi phía Bắc, trẻ chăn trâu cũng hay bắt các nấm ký sinh lên côn trùng để nướng ăn. Vấn đề này mới dừng ở mức “kinh nghiệm bản địa”, chứ cho đến nay vẫn chưa có đề tài nghiên cứu khoa học bài bản nào”, GS Bùi Công Hiển cho hay.
Để khẳng định chính xác đây là đông trùng hạ thảo bọ xít, các nhà khoa học phát hiện ra loài này nên gửi mẫu về các đơn vị chức năng để xác định chính xác tên khoa học của bọ xít và nấm.
Còn ở góc độ chuyên gia về côn trùng có thời gian dài nghiên cứu về nấm đông trùng hạ thảo, GS Bùi Công hiển cho rằng nếu giống nấm Cordyceps mà không có tên loài thì giá trị khoa học còn hạn chế. Đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá trị là bởi có chứa hoạt chất cordycepin, nhưng trong công bố này của các nhà khoa học lại không nhắc đến.
GS Bùi Công Hiển cho biết, ở Việt Nam hiện chỉ có sâu chít được coi là “đông trùng hạ thảo nam”. Kết quả phân tích thành phần hóa học của sâu chít và bột khô sâu chít cho thấy hàm lượng đạm và mỡ rất đáng kể.
Trong sâu chít có 7/8 axit amin cần thiết cho cơ thể, tổng các axit béo không bão hòa là trên 58%, ngoài ra còn có nhiều nguyên tố vi lượng cao như magie, kali, canxi, kẽm, natri… Chúng có thể gây độc với một số dòng tế bào ung thư, phục hồi tổn thương của hệ miễn dịch…
Theo TS Phan Anh Tuấn, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, sâu chít chứa hàm lượng cao và đa dạng các axit amin, axit béo, các nguyên tố vi lượng có lợi cho cơ thể, có tác dụng kháng hai dòng tế bào ung thư người (tế bào ung thư biểu mô và tế bào ung thư màng tử cung) trong ống nghiệm.
Đặc biệt, đánh giá tác dụng hỗ trợ điều trị trên một nhóm nhỏ bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật và đang tia xạ bước đầu cho thấy, trọng lượng cơ thể của bệnh nhân ở nhóm dùng bột sâu chít đã được cải thiện theo chiều hướng tốt. Ở nhóm này, hàm lượng
Hemoglobin, Protein toàn phần, số lượng tế bào TCD4 và TCD8 (tế bào có khả năng tiêu diệt tế bào u khi được hoạt hóa), cao hơn so với nhóm không dùng bột sâu chít. Thuốc từ bột sâu chít không ảnh hưởng đến chức phận tạo máu cũng như chức năng gan, thận ở các bệnh nhân nghiên cứu qua các chỉ số huyết học, hóa sinh.