Đồng tình với cách thức triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Tán thành việc lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88, áp dụng chương trình, SGK mới 1 năm với tiểu học, 2 năm với THCS, 3 năm với THPT, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng) cho rằng:

Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Ngô thị Kim Yến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Ngô thị Kim Yến. Ảnh: TTXVN

Đây là một việc hệ trọng, ảnh hưởng lớn đến cả thế hệ, do đó chuẩn bị cẩn trọng là cần thiết. Thực tế cho đến nay, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa đảm bảo lộ trình và tiến độ đạt ra, chậm hơn 1 năm so với tiến độ.

Bên cạnh đó, sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức ban hành, còn khối lượng công việc đồ sộ phải thực hiện là xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, điều chỉnh SGK để phê duyệt và cho phép lưu hành rộng rãi.

Cũng theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến, SGK cũng chỉ là 1 trong các yếu tố; quyết định thành công của đề án vẫn là đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, Đề án công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục triển khai còn chậm. Hơn nữa, có những môn học và hoạt động giáo dục mới so với chương trình hiện nay, cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho giáo dục phổ thông. Ví dụ, môn Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Âm Nhạc, Mỹ thuật đối với THPT; hoạt động trải nghiệm. Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình GDPT cũng chưa được phê duyệt.

Cách thức triển khai mới hợp lý hơn

Về nội dung Nghị quyết 88 với phương thức triển khai thực hiện chương trình GDPT, SGK mới từ năm học 2018 - 2019 với hình thức cuốn chiếu theo mỗi cấp học, đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho rằng:

Như vậy, năm 2018-2019 sẽ triển khai áp dụng cả 3 lớp đầu cấp là lớp 1, 6, 10; năm thứ 2 cũng triển khai cả 3 lớp, năm thứ 5 là năm cuối thì triển khai chỉ có 1 lớp là lớp 5. Với cách làm này công việc dồn vào 3 năm đầu, đi từ khó đến dễ, ít có cơ hội để điều chỉnh, khắc phục.

Nay theo phương thức mới, điều chỉnh theo từng năm học, số lớp học ở 1 cấp học áp dụng chương trình SGK mới sẽ tăng dần. Cụ thể: Năm học 2019 - 2020: lớp 1; năm học 2020 - 2021: lớp 2 và lớp 6; năm học 2021 - 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2023 - 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Tổng thời gian hoàn thành triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới vẫn là 5 năm.

"Điều này đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, triển khai chương trình, SGK mới một cách chắc chắn, nhất là đối với chương trình một số môn học tích hợp ở THCS và lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp ở THPT. Theo phương án này sẽ có thêm thời gian để biên soạn, thẩm định và thực nghiệm SGK mới" - đại biểu Ngô Thị Kim Yến nhận định.

Một số kiến nghị

Để đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện Đề án, đại biểu Ngô Thị Kim Yến đề nghị Chính phủ quan tâm các nội dung sau.

Thứ nhất: Vẫn biết việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới của Bộ GD&ĐT và các chuyên gia, nên thời gian đầu, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng.

Nhưng cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xem xét tính khả thi trong việc trình Đề án; cần đánh giá rõ nguyên nhân làm chậm tiến độ và biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, trong trình điều chỉnh lần này, tính toán kỹ khối lượng công việc còn lại và quỹ thời gian thực hiện; tránh tình trạng phải điều chỉnh nhiều lần vào những năm sau.

Thứ 2, cần rà soát đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Có kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên để đáp ứng với các bộ môn học mới. Đề nghị sớm triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên và CBQL giáo dục.

Thứ 3: Sớm phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và thực hiện đổi mới chương trình, SGK; trong đó ưu tiên kiên cố hóa trường lớp, tránh tình trạng 1 lớp 45 - 50 học sinh.

Cần làm rõ xác định các nội dung ưu tiên để đầu tư hỗ trợ cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để đảm bảo chất lượng triển khai chương trình mới trên cả nước.

Thứ 4: Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ có sự phân công trách nhiệm giữa trung ương và địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình mới.

Tuy nhiên, nội dung kinh phí chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính kinh phí phục vụ cho hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương, khó khăn cho địa phương trong bố trí ngân sách thực hiện chương trình GDPT mới.

Trong khi đó, tỷ lệ bố trí thời lượng giáo dục dành cho nội dung của địa phương, nhà trường được chủ động đưa vào cấp tiểu học là 16%, THCS và THPT là 28%; đòi hỏi địa phương cũng phải triển khai rất nhiều đầu việc.

Do vậy, đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể để địa phương và cơ sở giáo dục có thể chủ động trong xây dựng kế hoạch và triển khai các đầu việc của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ