Thường vụ QH cho phép trình QH đề nghị giãn tiến độ thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, sáng nay (13/10), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày đã nêu rõ tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới (đến tháng 9/2017); tình hình chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022, cụ thể:

Năm học

Các lớp tiến hành thực nghiệm

Các lớp bắt đầu áp dụng

2018-2019

Lớp 1

2019-2020

Lớp 2 và lớp 6

Lớp 1

2020-2021

Lớp 3, lớp 7 và lớp 10

Lớp 2 và lớp 6

2021-2022

Lớp 4, lớp 8 và lớp 11

Lớp 3, lớp 7 và lớp 10

2022-2023

Lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Lớp 4, lớp 8 và lớp 11

2023-2024

Lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Tờ trình nêu rõ: Theo phương án mới nêu trên sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới;

Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK theo định hướng phát triển năng lực người học; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành;

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có của các cơ sở giáo dục phổ thông; bảo đảm sự tham gia và cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều SGK.

Mặt khác, trong phương án mới, tổng thời gian hoàn thành việc triển khai áp dụng chương trình, SGK mới (5 năm) không thay đổi so với phương án nêu tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404 nhưng theo từng năm học, số lớp học ở một cấp học áp dụng chương trình, SGK mới sẽ tăng dần, đến năm thứ 5 thì tất cả các lớp học ở cả ba cấp học mới áp dụng chương trình, SGK mới.

Điều này góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện chương trình, SGK mới một cách chắc chắn, nhất là đối với chương trình một số môn học tích hợp (ở cấp THPT) và lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp (ở cấp THPT).

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận; có ý kiến giải trình thêm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đồng chí  Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - kết luận.

Trong đó nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận cho phép trình Quốc hội đề nghị của Chính phủ trước Quốc hội để Quốc hội thảo luận. Sau đó, Thường vụ Quốc hội sẽ cùng Chính phủ tính toán, tiếp thu và cần thiết là giải trình; sau đó sẽ ra Nghị quyết về nội dung này.

Đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT chuẩn bị thêm bản báo cáo cập nhật nội dung toàn diện, kiểm điểm theo Nghị quyết 88, cập nhật thêm nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời, cần có thêm tờ trình riêng về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ