Đông Nam Á: 'Điểm sáng' du học

GD&TĐ - Mong muốn đưa con du học từ phổ thông nhưng không muốn con quá xa gia đình, phụ huynh Trung Quốc đang lựa chọn trường quốc tế tại Đông Nam Á.

Học sinh Trung Quốc chọn du học để phát triển hơn.
Học sinh Trung Quốc chọn du học để phát triển hơn.

Ưu điểm của các trường là dạy bằng tiếng Anh nhưng học phí phải chăng và phong cách “Tây hoá”.

Bà mẹ “peidu” tại Thái Lan

Hai năm trước, chị Yezi và con gái Kele chuyển từ quê nhà ở một tỉnh miền Trung Trung Quốc đến Thái Lan. Trên đường ra sân bay, bà mẹ hỏi: “Con có nhớ bố không?”. Cô bé 5 tuổi ủ dột gật đầu nhưng chỉ một lúc sau, em đã vui cười trở lại.

Điểm đến của họ là Chiang Mai, một thành phố ở miền Bắc Thái Lan. Sau hai chuyến du lịch đến quốc gia Đông Nam Á này, gia đình chị Yezi đã quyết tâm chuyển đến Thái Lan và gửi Kele vào một trường mẫu giáo quốc tế. Để toàn tâm lo cho việc học của con, chị Yezi đã chuyển đến sống tại Thái Lan và dự kiến ở lại cho đến khi con hoàn thành chương trình THCS. Như vậy, Kele đã có một người mẹ kiểu “peidu”.

“Peidu” có nghĩa là kèm học – một thực tế phổ biến hiện nay tại Trung Quốc. Trong đó, cha mẹ, chủ yếu là người mẹ, từ bỏ sự nghiệp cá nhân để chuyên tâm giám sát con cái trong độ tuổi đi học. Bên cạnh trào lưu “peidu”, phụ huynh Trung Quốc hiện nay có xu hướng đưa con cái sang các quốc gia Đông Nam Á học tập, từ khi các bé còn nhỏ tuổi.

Chị Yezi và Kele thuê nhà ở một con phố tại Chiang Mai, nơi không bao giờ xuất hiện cảnh giao thông hỗn loạn, ách tắc như ở quê hương. Hơn nữa, trường cũng không có tình trạng học vẹt hay giáo viên làm thay học sinh mọi việc - một trong những truyền thống học tập tại Trung Quốc.

Ngoài ra, sự ràng buộc giữa phụ huynh và giáo viên cũng không tồn tại. Giáo viên chỉ liên hệ với phụ huynh nếu con họ chửi thề hoặc bắt nạt bạn bè - điều mà Kele không làm.

Học sinh Trung Quốc nhập học tại Thái Lan.

Học sinh Trung Quốc nhập học tại Thái Lan.

Chị Yezi nhận định Thái Lan đang làm tốt hơn Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Phiếu điểm được bí mật gửi cho từng phụ huynh. Kết quả thi được niêm phong trong phong bì, phụ huynh có thể lựa chọn lấy hoặc không.

Dù vậy, chị Yezi hy vọng con gái học đủ tốt để trúng tuyển vào một trường THCS quốc tế với các giảng viên có chất lượng giảng dạy tốt hơn. Với bà mẹ người Trung Quốc, ở bất cứ đâu, kỳ thi tuyển sinh luôn là phương tiện nhập học chính.

Tại Thái Lan, một số trường quốc tế như tiểu học, trung học song ngữ đều sử dụng chương trình giảng dạy tiếng Anh với chất lượng được đánh giá cao. Tuy nhiên, học phí ở quốc gia Đông Nam Á này ít tốn kém hơn. Đồng thời, cuộc đua học tập cũng ít căng thẳng hơn.

Hơn nữa, chương trình giảng dạy lẫn tài liệu học tập ở Thái Lan đều được cập nhật song song với chương trình được sử dụng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các trường cũng tổ chức dạy tự chọn tương đối phong phú nhưng không tính thêm phí.

Bên cạnh vấn đề chi trả học phí, phụ huynh thích Thái Lan vì quốc gia này không quá xa Trung Quốc. Chị Chen Jing, một bà mẹ “peidu” có con đang học trường quốc tế tại Thái Lan, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đưa con cái sang nước ngoài học tập bị gián đoạn 2 năm rưỡi. Nhiều gia đình phải tạm dừng việc học và đưa con về nước vì không ai chăm sóc.

Tuy nhiên, từ khi quyết định dành toàn tâm toàn ý cho việc học của con, gia đình chị Chen đã chuyển đến sống tại Thái Lan. Trong giảng dạy, giáo viên Thái Lan rất tỉ mỉ và đáp ứng nhu cầu của từng học sinh. Mỗi lớp học thường chỉ có vài chục học sinh và các học sinh với trình độ học tập khác nhau sẽ được giao bài tập ở các độ khó riêng.

Trong tương lai, gia đình chị Chen dự định đưa con sang học tập tại Bắc Mỹ.

Khao khát mở rộng vốn văn hóa

Phụ huynh Trung Quốc đưa con sang nước ngoài học tập.

Phụ huynh Trung Quốc đưa con sang nước ngoài học tập.

Ngược lại, chị Liu Jing, sống tại Thượng Hải, Trung Quốc, cảm thấy bị đè nặng bởi áp lực nuôi dạy hai con. Sinh con trai thứ 2 vào năm 2016, chị phải dậy từ 5 giờ sáng để cho cháu uống sữa trước khi đưa con trai lớn đến trường.

Mỗi tối, bà mẹ sẽ mang theo cậu bé mới sinh đến trường đón anh trai và đưa cháu đi học bơi. Trong khi con trai cả say mê ngụp lặn dưới nước, chị Liu bế người con sơ sinh ngồi đợi ở trên bờ.

Lịch trình nuôi dạy hai con của chị Liu dày đặc mỗi ngày. Trong khi chồng chị chăm chỉ làm việc và là trụ cột trong gia đình, bà mẹ đã từ bỏ sự nghiệp để lui về chăm sóc con cái.

Tuy nhiên, khi vào tiểu học, con trai cả của Liu phải học ở một trường công lập ít có uy tín ở Thượng Hải vì gia đình không có hộ khẩu ở đây và chồng chị đã chậm trễ nộp đơn xin giấy phép cư trú cho con trai.

Chị Liu biết rằng việc chuyển sang trường công lập khác là không dễ dàng trong khi trường tư thục không thích hợp. Con của một người bạn của chị Liu đã bị trầm cảm vì áp lực đồng trang lứa ở trường tư.

Trong thời gian này, chồng chị Liu chỉ đứng bên ngoài mà không giúp đỡ vợ xoay chuyển tình thế. Cuối cùng, chị quyết định ly hôn và theo xu hướng du học đang được đông đảo phụ huynh chia sẻ trên mạng, chị Liu đưa hai con đến Thái Lan học tập.

Hòa mình trong hệ thống giáo dục tương đối thoải mái tại Thái Lan, con trai chị Liu dần lấy lại sự tự tin. Tuy nhiên, các giá mà gia đình chị Liu phải trả cho chương trình học này là con trai chỉ có thể trò chuyện với bạn bè Trung Quốc qua hình thức trực tuyến.

Theo khảo sát của Sixth Tone, các bà mẹ được phỏng vấn khao khát có thể cung cấp cho con cái một nền giáo dục quốc tế để mở rộng tầm nhìn văn hóa. Một phần quyết định của các phụ huynh bị thúc đẩy bởi thực tế con cái họ không có trải nghiệm tốt trong các trường Trung Quốc.

Việc học tập tại Thái Lan có thể giúp các gia đình tránh được nhiều vấn đề trong nền giáo dục Trung Quốc nhưng cũng tạo ra những vấn đề mới. Trong trường hợp của chị Yezi, dù con gái Kele đang tận hưởng một nền giáo dục không gò bò nhưng cô bé cũng đánh mất một số cơ hội.

Đơn cử, nếu trở lại Trung Quốc trong tương lai, Kele có thể sẽ không nhận được những công việc yêu cầu tiếng Trung thông thạo vì cô bé chưa sử dụng ngôn ngữ này đủ tốt. Em cũng có thể gặp khó khăn trong việc kết bạn vì Kele sẽ khó đồng cảm với những người đồng trang lứa nhưng lớn lên trong sự cạnh tranh học tập khốc liệt.

Hiện tại, chị Yezi đang cân nhắc việc gửi con gái sang phương Tây học trung học do việc này sẽ khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên, hai mẹ con không thể chỉ ở lại Thái Lan. Dù quốc gia này có số lượng lớn người gốc Hoa nhưng rất khó nhập cư và lấy được quốc tịch.

Nếu không phải công dân, người di cư sẽ không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn dân cũng như đăng ký vay, mua ôtô, mua nhà. Gia đình chị Yezi đã đi quá xa để trở lại Trung Quốc nhưng con đường phía trước vẫn đầy khó khăn.

Một lớp mẫu giáo tại Trường quốc tế Niyom Songkhrao Thái Lan.

Một lớp mẫu giáo tại Trường quốc tế Niyom Songkhrao Thái Lan.

Thoát khỏi cuộc đua giáo dục

So với các trường quốc tế Trung Quốc, học phí ở Thái Lan có giá phải chăng. Đơn cử, học phí hàng năm tại Trung Quốc có thể lên đến vài trăm nghìn nhân dân tệ trong khi những trường tốt nhất ở Chiang Mai chỉ nhỉnh hơn 100 nghìn nhân dân tệ cho một năm học (khoảng 342 triệu đồng).

Trong khi đó, năm 2019, Jenny, phụ huynh sống ở Thượng Hải, đã chuyển đến Malaysia cùng con gái 4 tuổi Miaomiao. Quyết định này nhằm giúp con gái Jenny thoái khỏi cuộc đua giáo dục vốn khốc liệt tại Trung Quốc.

Cô đăng ký cho Miaomaio học Trường Quốc tế IGB, học viện tư nhân có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia, cung cấp chương trình giáo dục phổ thông nhận bằng tú tài quốc tế. Hoàn thành chương trình này, Miaomiao có đủ điều kiện đăng ký vào các trường đại học trên toàn thế giới.

Trong những năm gần đây, Đông Nam Á được coi là lựa chọn thay thế cho du học phương Tây bởi nhiều trường danh tiếng trong khu vực có chương trình liên kết quốc tế.

Theo dữ liệu của tổ chức giáo dục Trung Quốc, năm 2021, hơn 19 nghìn học sinh Trung Quốc du học Malaysia, tăng hơn 150% so với gần 9 nghìn học sinh năm 2019. Ngoài ra, học phí tại Malaysia rẻ hơn so với Trung Quốc. Đơn cử, trong trường hợp của chị Jenny, học phí tiểu học của Miaomiao là 15.440 USD, bằng một nửa số tiền bà mẹ phải trả cho nền giáo dục tương đương ở Thượng Hải.

Một nghiên cứu của Trường Đại học Kasetsart, Thái Lan, vào năm 2022 cho thấy Trung Quốc có số lượng sinh viên quốc tế đông đảo nhất tại Thái Lan kể từ năm 2006. Con số này tăng gấp đôi trong vòng 9 năm từ 5.611 học sinh vào năm 2009 lên 11.993 học sinh năm 2019. Nhân khẩu học này chiếm hơn 40% du học sinh tại Thái Lan.

Còn tại Singapore, các trường phổ thông thu hút nhiều học sinh Trung Quốc do chất lượng giáo dục đại học nước này trong những năm gần đây ngày một tăng cao trên bảng xếp hạng quốc tế. GS Jason Tan, Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore cho biết các trường đại học của nước này được xếp hạng trong nhóm hàng đầu ở châu Á và trên toàn cầu, hấp dẫn các gia đình khá giả từ Trung Quốc.

Báo cáo năm 2022 của tổ chức giáo dục New Oriental tiết lộ, trong số 8.610 người Trung Quốc được hỏi muốn đi du học, 14% trong số đó chọn du học Singapore, cao hơn gấp đôi so với 6% vào năm 2015.

“Chi phí giáo dục tại Mỹ ở cùng cấp độ, an toàn công cộng và mối quan hệ văn hóa đã mang lại cho Singapore lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến phương Tây truyền thống”, GS Jason Tan cho biết.

Tuy nhiên, sau một thời gian sinh sống tại nước ngoài, không ít học sinh Trung Quốc lựa chọn trở lại quê nhà. Chị Xu Fang và chồng kinh doanh ở Thái Lan gần mười năm, cả ba người con được sinh ra ở đó. Tuy nhiên, khi con trai lớn đến tuổi đi học, chị Xu đưa con trở về Trung Quốc.

Chị Xu giải thích đưa con về nước để cháu không bị mai một tiếng Trung. Bên cạnh đó, dưới sự ảnh hưởng của hệ thống giáo dục tương đối cởi mở ở Thái Lan, những đứa con của bạn bè chị dần trở nên tự mãn.

Yếu tố chính thúc đẩy Xu Fang đưa con trở lại quê nhà là việc chính phủ Thái Lan hợp pháp hóa cần sa vào tháng 6 năm nay. Kể từ đó, máy bán hàng tự động bán đồ uống có cần sa đã được đặt trên đường phố. Việc này khiến Xu Fang nghi ngờ sâu sắc về định hướng của xã hội Thái Lan và ảnh hưởng lên giáo dục của con cái.

Theo ST, SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ