Đông Nam Á - thị trường du học tiềm năng

GD&TĐ - Các quốc gia ASEAN có nguồn du học sinh dồi dào và là thị trường nhắm tới của nhiều quốc gia xuất khẩu giáo dục hàng đầu thế giới. Nắm bắt cơ hội này, nhiều trường đại học Trung Quốc đang đặt ra chiến lược thu hút du học sinh…

Đông Nam Á - thị trường du học tiềm năng

Liên kết quốc tế để thu hút du học sinh

Theo thống kê mới được Bộ Giáo dục công bố, số du học sinh nước ngoài tại Trung Quốc vượt quá 440.000 năm 2016, tăng 45.000 so với năm 2012. Trung Quốc đã trở thành địa điểm du học “hút khách” nhất tại châu Á.

Trong đó số du học sinh từ các quốc gia ASEAN đến Trung Quốc du học đã tăng từ 50.000 năm 2010 lên hơn 80.000 năm 2016. Tuy nhiên, nhiều thị trường chưa được khai thác đúng tiềm năng. Như Malaysia, nước có số lượng du học sinh ra nước ngoài hàng năm rất cao, chỉ xếp thứ 15 về số lượng du học sinh tại Trung Quốc.

Nhắm tới thị trường ASEAN đầy tiềm năng, nhiều trường đại học tại Trung Quốc đặt ra chiến lược khai thác thị trường này. Trường ĐH Duke Kunshan, trường liên kết quốc tế hàng đầu tại Trung Quốc, đặt mục tiêu rõ ràng thu hút du học sinh từ các nước ASEAN khi bắt đầu tiếp nhận đơn tuyển sinh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào tháng trước cho chương trình đào tạo cử nhân tiên tiến bắt đầu vào mùa thu 2018.

Phó Giám đốc điều hành của trường, Denis Simon, nhấn mạnh các nước như Malaysia, Việt Nam và Indonesia đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh và đóng vai trò lớn hơn trong khu vực.

Toạ lạc gần Thượng Hải và là trái tim khu vực đồng bằng sông Dương Tử, trung tâm kinh tế chính của Trung Quốc, ĐH Duke Kunshan là sản phẩm liên kết giữa Đại học Duke, trường liên tiếp xếp trong tốp 10 trường đại học tốt nhất của Mỹ, và Đại học Vũ Hán tại Trung Quốc – Duke Kunshan sẽ bắt đầu đào tạo nhiều chuyên ngành từ tháng 8 năm sau. Trường đặt mục tiêu tuyển sinh ít nhất 50 sinh viên nước ngoài trong khoá đầu dự kiến khoảng 225 sinh viên.

Trường này cử nhân viên tới các thành phố lớn ở Đông Nam Á tổ chức hội thảo, cung cấp thông tin về chương trình đào tạo của trường.

Chiến lược hướng về Đông Nam Á

Trường ĐH Tế Nam, trong một hành động hiếm thấy, đăng trên trang web thông báo tuyển sinh dành riêng cho sinh viên Malaysia đầu năm nay. Trường này nhắm tới sinh viên từ 18 - 30 tuổi và cung cấp thủ tục đăng kí học một cách chi tiết.

Nằm tại Quảng Châu, ĐH Tế Nam, được thành lập năm 1906, có nhiều du học sinh hơn bất cứ trường đại học nào khác tại Trung Quốc.

Học tập tại Trung Quốc là cơ hội lớn để chứng kiến sự chuyển đổi kinh tế của đất nước này – nơi bùng nổ kinh doanh và công nghiệp công nghệ.

“Học về kinh doanh tại ĐH Bắc Kinh tạo nhiều cảm hứng” – Phua Yuyu, 23 tuổi, đến từ bang Selangor (Malaysia), chia sẻ. Yuyu tham gia khoá học về hoạt động kinh doanh tại các khu vực khác nhau trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tham gia khoá học này, Yuyu có thể lí giải rõ nhất Baidu (công cụ tìm kiếm trên mạng Internet tương tự như Google) đã thành công như thế nào khi hướng sự phục vụ tới khách hàng Trung Quốc.

Trung Quốc cũng vươn tay đưa trường nhánh ra khu vực. Đại học Hạ Môn nổi tiếng đã mở một trường nhánh gần Kuala Lumpur. Đây cũng là trường nhánh đầu tiên ở nước ngoài của một trường đại học nổi tiếng Trung Quốc. Bắt đầu tuyển sinh viên từ tháng 2/2016, trường nhánh ĐH Hạ Môn hiện có 1.900 sinh viên, 440 trong số đó là từ Trung Quốc.

Châu Á hiện là nguồn du học sinh lớn nhất tại Trung Quốc. Gần 60% trong tổng số 442.773 sinh viên nước ngoài hiện đang học ở Trung Quốc đến từ châu Á – theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.