Quá trình cùng mọi người khổ luyện đã giúp chị thêm niềm tin và nghị lực. Âm nhạc đã truyền cho chị tình yêu và cảm hứng.
Âm nhạc truyền cảm hứng
Với nhiều người, âm nhạc là nhịp cầu kết nối trái tim và là một cách để giãi bày những cảm xúc không nói được thành lời. Với những người khiếm thị, âm nhạc càng có ý nghĩa hơn, giúp họ thể hiện đam mê, được tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống...
Chương trình "Thanh âm hy vọng" do nhóm nhạc khiếm thị Hy vọng phối hợp với Câu lạc bộ Đình Làng Việt tổ chức cuối tuần qua đã tạo thêm một sân khấu biểu diễn và kết nối nghệ sĩ với khán giả, lan tỏa những thông điệp nhân văn.
Mở màn bằng những âm thanh tươi vui rạng rỡ của nhã nhạc cung đình Huế với "Lưu thủy", "Kim tiền", "Xuân phong", "Long hổ", nhóm nhạc Hy vọng dẫn khán giả vào không gian âm nhạc rất đỗi thân thương, gần gũi. Từ điệu quan họ "Hoa thơm bướm lượn" đậm chất trữ tình; nét tinh nghịch, vui nhộn của dân ca Nam Bộ "Lý ngựa ô", đến bản chầu văn ngọt ngào "Cô đôi thượng ngàn"...
"Những thanh âm tôi đã nghe rất nhiều lần nhưng ở không gian nào, hoàn cảnh nào với tôi cũng như mới bắt đầu. Những cảm xúc ngập tràn ấy như tiếp thêm ý chí và nghị lực sống, lan tỏa tới những người xung quanh", nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm chia sẻ.
Được thành lập năm 2004 xuất phát từ ý tưởng của nghệ sĩ Tôn Thất Triêm, nhóm nhạc Hy vọng mong muốn bằng đam mê của mình, gìn giữ, phát huy nét đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các thành viên khi đó đều là sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn, Trưởng nhóm nhạc Hy vọng tâm sự, học nhạc không chỉ cần thiên phú mà còn phải khổ luyện. Với người bình thường, việc học và luyện đã khó rồi, với người khiếm thị còn khó gấp nhiều lần.
"Chúng tôi không thể nhìn được nhạc phổ, từng nốt, từng câu, từng đoạn đều phải học bằng cách ghi nhớ. Trước đây, khi Internet và công cụ ghi âm chưa phổ biến, chúng tôi phải học thuộc ngay tại chỗ khi thầy cô dạy. Bây giờ đỡ vất vả hơn, có thể ghi âm về nhà học dần. Nhưng học xong rồi, chúng tôi lại gặp khó khăn trong sử dụng đàn, phải lần mò đánh cho đúng nốt, đúng nhịp".
Chính vì những khó khăn đó mà không có quá nhiều nghệ sĩ khiếm thị chơi được nhạc cụ chuyên nghiệp. Hiện nay, nhóm có 7 thành viên chơi những nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, đàn nguyệt, trống.
Thành viên nữ duy nhất, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn An Như chia sẻ, để có thể chơi thành thạo một nhạc cụ và biểu diễn được trên sân khấu là thử thách không nhỏ với người khiếm thị.
"Là sinh viên năm 6 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi là thành viên mới nhất, được biểu diễn cùng các cô chú, anh chị rất giỏi. Quá trình cùng mọi người khổ luyện đã giúp tôi thêm niềm tin và nghị lực. Chính vì không thể nhìn được các nốt nhạc trong một khuôn nhạc, tôi phải nhờ các bạn đọc và chép ra bằng chính ký hiệu của mình.
Mặc dù khó khăn, song âm nhạc đã truyền cho tôi tình yêu và cảm hứng. Với tôi, không hề có khoảng cách giữa người khuyết tật và người sáng mắt. Các bạn làm được thì chúng tôi cũng làm được. Âm nhạc sẽ nói lên tất cả", nghệ sĩ Nguyễn An Như nói.
Lan tỏa tình yêu cuộc sống
Theo đạo diễn, nhà văn Lê Xuân Khoa, khi lựa chọn các tác phẩm biểu diễn trong Chương trình "Thanh âm hy vọng", ngoài phần cổ nhạc, gồm các làn điệu dân ca, âm nhạc cổ truyền như chèo, quan họ, chầu văn, nhã nhạc cung đình Huế... còn có các tác phẩm được sáng tác hoặc biên soạn cho đàn dân tộc.
Cùng đó là liên khúc các ca khúc dân ca của vùng Đông Nam Á. Điều khiến khán giả đặc biệt ngạc nhiên là hai ca khúc Việt được giới trẻ yêu thích như "Sóng gió" của JACK x K-ICM, "Từ đó" của Phan Mạnh Quỳnh... cũng được đưa vào chương trình. Đây là dụng ý "để khán thính giả thấy nhạc dân tộc đã và đang bắt nhịp sôi động với đời sống hôm nay".
Nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn cho biết, mặc dù luôn phải học hỏi, tập luyện để tiến kịp đời sống đương đại, song không có nghệ sĩ khiếm thị nào sống được bằng nghề, bởi việc biểu diễn chưa đem lại thu nhập.
Để trang trải cuộc sống, họ phải làm nhiều công việc khác nhau. Hơn thế, dù đã hoạt động 16 năm nhưng nhóm nhạc Hy vọng không có một khoản quỹ hay kinh phí hoạt động. Đó cũng là điều khiến nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn trăn trở lâu nay.
"Chúng tôi mất hàng chục năm học nhạc trong trường, gian nan và khó khăn, có người đã phải nghỉ học giữa chừng. Nhưng người may mắn tốt nghiệp cũng không thể xin vào các đoàn ca nhạc. Âm nhạc có thể mang lại niềm vui, tạo nhiều cơ hội giao lưu, mở rộng quan hệ xã hội, nhưng để có cuộc sống ổn định về kinh tế thì rất khó. Chúng tôi luôn mong có một sân khấu để biểu diễn, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa để thỏa mãn đam mê âm nhạc", nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn mong mỏi.
Dù có tài năng âm nhạc, nhưng để tổ chức một chương trình, họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đi lại, có người ở cách xa điểm luyện tập và biểu diễn hàng chục cây số. Trong số thành viên, nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do bị suy thận giai đoạn cuối, phải vào viện chạy thận mỗi tuần 3 lần. Buổi sáng ngày diễn ra chương trình, anh vẫn vào viện chữa trị, cố gắng kịp về biểu diễn phục vụ công chúng.
"Thanh âm hy vọng" thực chất là một hành trình truyền cảm hứng. Khi tập luyện, giao lưu và biểu diễn cùng nhau, tôi cũng như mọi người đều như thấy mình được tiếp thêm nhiệt huyết. Những tràng vỗ tay tán thưởng thật dài của khán giả giúp chúng tôi yêu cuộc sống này hơn, thêm trân trọng những gì mình đang có và muốn được cống hiến nhiều hơn" - nhà văn Lê Xuân Khoa chia sẻ.
Những người thực hiện mong muốn tiếp tục tổ chức các chương trình để quảng bá, giới thiệu âm nhạc và nhạc cụ truyền thống Việt Nam, lan tỏa đến mọi người, nhất là giới trẻ, tình yêu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là khát vọng và ý chí vươn lên, giống như những gì các nghệ sĩ Hy vọng đang làm.