Dòng họ 3 đời giữ chức tri phủ miền Tây xứ Nghệ: Nỗ lực tiếp nối truyền thống

GD&TĐ - Dòng họ Lang Vi có 3 thế hệ nối tiếp nhau giữ chức Tri phủ Tương Dương, Nghệ An với nhiều đóng góp to lớn. Truyền thống này vẫn được tiếp nối đến ngày nay. Họ sống đoàn kết, yêu thương nhau và đặc biệt ai cũng ham học. Nhiều người trong dòng họ đỗ đạt, thành tài.

Anh em ông Lang Vi Nguyệt (con ông Năng) cùng các di dản quý của dòng họ. Ảnh: T.G.
Anh em ông Lang Vi Nguyệt (con ông Năng) cùng các di dản quý của dòng họ. Ảnh: T.G.

Vàng son quá khứ

Tương Dương là một trong những phủ lớn nằm ở vùng miền núi phía Tây xứ Nghệ An xưa, nay gồm 3 huyện rộng lớn Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Đây là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em gồm Thái, Kinh, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu, Khơ Mú...

Trong lịch sử, có dòng họ Lang Vi 3 đời nối tiếp nhau giữ chức Tri phủ Tương Dương. Điều đặc biệt, người đầu tiên giữ chức thổ tri phủ của dòng họ Lang Vi không phải được thăng chức từ tri huyện như thông lệ, mà được đặc cách bổ nhiệm trực tiếp.

Ông Lang Vi Nguyệt (xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, Nghệ An) là hậu duệ của dòng họ này kể lại: Năm xưa, ở vùng biên giới giáp Lào của phủ Tương có giặc Phò Khăm quấy phá, cướp bóc và giết hại dân bản.

Vua nhà Nguyễn ra chiếu viết rằng nếu ai diệt được giặc Phò Khăm, làm lợi cho dân sẽ được trọng thưởng. Lúc này, ông Lang Vi Bằng (người bản Cốc Lịch, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông) nhận trọng trách đánh giặc Phò Khăm.

Không những dẹp được giặc, ông còn bắt sống được kẻ cầm đầu về cho triều đình xử lý. Dịp đó, Tương Dương đang khuyết tri phủ, ông Lang Vi Bằng vì có công lớn được triều Nguyễn đặc cách bổ nhiệm.

Trong thời gian đương nhiệm chức Thổ tri phủ phủ Tương Dương, ông Lang Vi Bằng đứng ra tổ chức nhiều cuộc khai phá đất hoang, mở mang thêm làng bản.

Ông còn dạy người dân ở đây cách trồng lúa nước và cho mở thêm nhiều đường sá đi lại. Nhờ đó, cuộc sống bà con khấm khá và ổn định hơn trước. Ông được người dân mến yêu, cảm phục. Những việc làm này cũng được triều đình ghi nhận nên trải qua các đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, ông nhiều lần được triều đình ban tặng sắc chế thăng thêm phẩm hàm, chức vụ và ca ngợi đức độ làm quan.

Dưới thời nhà Nguyễn, phủ Tương Dương đặt tại Cửa Rào (nay thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An). Vì vậy, gia đình tri phủ lúc bấy giờ là Lang Vi Năng từ Đôn Phục (huyện Con Cuông) chuyển lên sinh sống tại Cửa Rào.

Thời cuộc thay đổi, chế độ phong kiến không còn, ông Lang Vi Năng sau đó cùng vợ con về quê nhà sinh sống. Cho đến tận bây giờ, vợ của Tri phủ Tương Dương cuối cùng – cụ Lữ Thị Quyết vẫn còn sống.

Ở tuổi xưa nay hiếm (100 tuổi), tóc đã bạc, mắt mờ, nhưng cụ vẫn nói tiếng Kinh rõ ràng, trí nhớ tốt. Vợ tri phủ trở thành một danh xưng trong dĩ vãng, khi có người hỏi về ông Lang Vi Năng, cụ Quyết chỉ cười. Có lẽ, nhiều ký ức theo thời gian đã cũ mòn hoặc cụ cất giữ cho riêng mình. Trong ngôi nhà sàn, lặng lẽ ngồi trên xe lăn, cụ Quyết nói “chỉ chờ đến ngày được đi gặp ông”.

Những kỷ vật của 3 đời thổ tri phủ dòng họ Lang Vi được các con của cụ Năng và cụ Quyết lưu giữ. Ông Lang Vi Nguyệt (con thứ 7 của cụ Năng) cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ được nhiều cồng, chiêng, đồ vật bằng bạc, đồng, gốm sứ quý và 1 nếp nhà bằng gỗ lớn. Nhưng qua thời gian, nhiều đồ vật bị thất lạc, còn ngôi nhà sàn bằng gỗ lớn đã được tặng cho UBND xã làm trụ sở khi chế độ mới thành lập.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, dòng họ Lang Vi cũng có nhiều đóng góp cho nước nhà khi ông Lang Vi Tào giữ chức Chủ tịch lâm thời Ủy ban Kháng chiến huyện Tương Dương sau chuyển về giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện Con Cuông đến năm 1953. Riêng các văn bản, sắc phong quý của vua ban cho 3 đời thổ tri phủ của ông cha, con cháu vẫn lưu giữ khá đầy đủ”.

Mong ước của hậu duệ

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Dòng họ Lang Vi không phải họ gốc của người Thái, mà do thực dân Pháp đặt ra để chỉ những họ có người làm quan cho chế độ thực dân phong kiến. Ngoài họ Lang còn có các họ khác như “Cầm, Sầm, Lang, Đèo - Đạo” có đặc điểm tương tự.

Con trai của ông Lang Vi Năng cũng cho hay: Gốc gác của dòng họ chúng tôi không phải tại Đôn Phục (Con Cuông) mà là người họ Vi ở Quỳ Hợp chạy loạn sang đây để định cư. Sau này, khi người của dòng họ được bổ làm tri phủ, quan Pháp và triều đình đổi sang họ Lang. Tuy nhiên, vì muốn ghi nhớ gốc gác họ Vi, nên cha ông chúng tôi lấy họ là Lang Vi.

Ngày nay, Lang Vi vẫn là một dòng họ lớn và có nhiều đóng góp vào bản sắc văn hóa chung các dân tộc nơi đây. Người trong dòng họ sống đoàn kết, yêu thương nhau và đặc biệt có truyền thống khuyến học… Đây cũng được xem là một trong những dòng họ có số lượng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Họ Lang Vi xã Đôn Phục hiện nay có gần 20 người vào đại học, 30 người học cao đẳng, lập nghiệp nhiều vùng miền cả nước.

Anh em ông Lang Vi Nguyệt giở chúng tôi xem cuốn sổ thống kê đầy đủ con cháu học hành đỗ đạt rồi cẩn thận cất lại trong hộp, để trên gác mái. Căn gác gỗ đơn sơ đó là nơi cất giữ toàn bộ di sản quý nhất của dòng họ, chính là những sắc phong của một thời cha ông vinh hiển và thành tích con cháu sau này. Mong ước lớn nhất của hậu duệ dòng họ Lang Vi là phục dựng lại được nhà thờ, để làm nơi thờ cúng tổ tiên, ghi lại đóng góp lịch sử và cho con cháu đi về.

Đến nay, dòng họ Lang Vi còn lưu giữ được những văn bản của triều đình Huế ban tặng như: 4 văn bản cấp bằng viết bằng chữ Hán cho ông Lang Vi Năng và ông Lang Vi Bằng; 2 bằng khen song ngữ Hán - Pháp của vua nước Triệu Voi (Lào ngày nay) Si Sa Vang Vông cho ông Lang Vi Năng… Hai đôi câu đối chữ Hán cùng với 6 đạo chế trên giấy Long đằng mang các niên hiệu Thành Thái, Khải Định và Bảo Đại. Ngoài ra, dòng họ Lang Vi còn lưu giữ 2 tập chữ Thái cổ chép tay sao lại trên giấy về sự tích, văn hóa, lịch sử dân tộc Thái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ