Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang ăn nên làm ra, trong khi nhiều mặt hàng theo đường tiểu ngạch đang chết dở sống dở. Hết dưa hấu đến thanh long rồi khoai lang, giờ đến tôm…
Quảng Ngãi là thủ phủ của dưa hấu nhưng người trồng dưa luôn phập phồng với giá. Có người trở nên giàu có chỉ qua vài vụ dưa nhưng cũng có người trắng tay vì nếu vụ đó phía Trung Quốc đóng sập cánh cửa qua biên giới. Hàng nghìn tấn mực khô của xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng đang chờ... làm phân. Xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch luôn luôn rơi vào tình cảnh như vậy.
Xuất khẩu tiểu ngạch phập phù nhưng vì sao các doanh nghiệp lại chọn con đường đầy những rủi ro này? Có lẽ quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, việc kiểm định chất lượng không quá đặt nặng, dân Trung Quốc “ăn gì cũng được” nên để xuất cho nhanh, lại tránh được những thủ tục nghiêm ngặt, nhiều doanh nghiệp đã chọn lối đi này. Và họ đã phải trả giá cho sự lựa chọn đó.
Thực ra, xuất theo tiểu ngạch cũng có thời điểm mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp nếu bên kia biên giới tiêu thụ mạnh mặt hàng mà họ đang xuất khẩu. Như dưa hấu chẳng hạn, có những năm, tư thương về tận ruộng dưa để mua, thậm chí họ còn đặt tiền cọc trước. Vì năm đó bên phía Trung Quốc mất mùa dưa. Ngược lại, có những năm, dưa chỉ còn biết đổ cho bò ăn vì khủng hoảng thừa. Vụ thanh long mới đây tại Bình Thuận cũng lặp lại y chang như dưa hấu Quảng Ngãi hoặc khoai lang Gia Lai những năm trước đây.
Để chứng minh cho sự an toàn và bền vững của xuất khẩu chính ngạch, ông Đoàn Nguyễn Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, người từng thất bại với cây cao su, giờ chuyển qua trồng và xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc bằng chính ngạch. Cùng với một số loại nông sản khác, cây chuối đang góp phần cứu Hoàng Anh Gia Lai thoát ra khỏi nợ nần. Cũng nhập khẩu chuối bằng giá nhưng Philippines rõ ràng không thể cạnh tranh với chuối của Việt Nam vì công vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với vận chuyển từ Philippines qua. Ông Đoàn Nguyễn Đức đã đưa ra những con số thuyết phục từ những ví dụ cụ thể xung quanh câu chuyện xuất khẩu chính ngạch.
Vốn được xem là thị trường dễ tính nhưng hiện nay, Trung Quốc đã dần dần đưa vào quy củ việc nhập khẩu nông sản từ các nước. Hàng hóa nhập khẩu phải rõ ràng xuất xứ, không lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng hoặc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng an tâm vì những hợp đồng đã được ký kết, theo đó bên nhập khẩu đã đưa ra những hạn mức và số lượng cụ thể, cứ thế mà làm, không còn phải vừa chở hàng sang cửa khẩu vừa nghe ngóng bên phía Trung Quốc có tiêu thụ được không?
Con đường xuất khẩu cho hàng nông sản đã hiện ra ngày một rõ nét hơn. Có điều, muốn tiêu thụ được nông sản thì người làm ra nó cũng phải chấp hành nghiêm ngặt những quy định của bên nhập. Mọi sự nhập nhèm trong sản xuất hàng nông sản sẽ không còn đất sống nữa rồi.