Cánh đồng hơn 30ha trồng cải thuộc 3 thôn Hội Khê, Gia Lạc và Phú Mỹ (xã Hồng Lý, Vũ Thư, Thái Bình) đang vào độ khoe sắc.
Ông Trần Văn Thủy (thôn Phú Mỹ) có hơn 3 sào cải giống cho biết, người dân ở đây trồng cải đã hơn 15 năm. Trước đây, có rất ít hộ trồng cải, chủ yếu trồng để lấy rau bán cho các chợ trong vùng nhưng từ năm 2000 đến nay, người dân chuyển sang gieo cải lấy giống và lấy rau.
Nếu thời tiết thuận lợi, ít mưa và sâu bệnh, trung bình mỗi sào thu từ 30 – 35kg hạt giống. Còn như năm nay, mỗi sào chỉ được 15 – 20kg hạt giống… Ở đây chủ yếu trồng cải thìa và cải canh.
Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm này, hoa cải đang nở rộ, cả cánh đồng nhuộm một màu vàng óng. Từ giữa tháng 11, nhiều người, chủ yếu là thanh niên, học sinh ở các nơi về đây chụp ảnh rất nhiều, đặc biệt là ngày cuối tuần.
Những ngày này, cánh đồng hoa cải xã Hồng Lý vui như hội. Thời điểm cải ra hoa đến lúc kết trái dao động từ 20 - 25 ngày nên nhiều người hiếu kỳ, nghe ngóng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đổ về đây ngày càng đông.
Giới trẻ đổ về xã Hồng Lý ngày càng đông
Tranh thủ chụp ảnh làm kỷ niệm
"Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các thanh niên về thăm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cánh đồng cải. Nhưng việc quá nhiều người đổ về đây cũng là điều bất tiện cho việc chăm sóc cải.
Nhiều bạn trẻ thiếu ý thức, chỉ muốn chụp ảnh để giữ kỷ niệm nhưng quên mất việc giữ gìn ruộng cải cho chúng tôi. Sau mỗi nhóm thanh niên đến chụp ảnh là nhiều ruộng cải đẹp bị dẫm đạp tan hoang, gẫy đổ gây thiệt hại cho chúng tôi. Dù ngăn cấm, nhắc nhở nhưng hầu như không có kết quả", ông Thủy cho biết thêm.
Vài năm trở lại đây, khi hình ảnh cánh đồng cải xã Hồng Lý được “quảng bá” khắp cả nước, được nhiều người biết đến thì mỗi độ hoa cải nở, người dân trồng cải lại mất ăn mất ngủ để trông coi ruộng cải.
Việc chụp ảnh cần có ý thức giữ gìn hoa màu cho người nông dân
Một người dân cho biết: “Có nhiều cháu đến nói chụp ảnh sau đó trả tiền cho chúng tôi nhưng chúng tôi từ chối luôn. Chúng tôi không kinh doanh kiểu dịch vụ như một số nơi đang làm.
Chúng tôi chỉ cấm những người không có ý thức, coi mồ hôi nước mắt của chúng tôi suốt 3 tháng ròng là cỏ dại để dẫm đạp lên không thương tiếc. Còn việc các cháu chụp ảnh, có ý thức, bảo nhau đi vào hàng lối, chúng tôi cũng không bức xúc như vậy…".
Nông dân tranh thủ tỉa cải bán để có thêm thu nhập.
Phút bình yên trên cánh đồng cải.