Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cùng có chung nhận định, quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT trong Thông tư 22 phù hợp với mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Đây là lần đầu tiên hoạt động đánh giá học sinh THCS, THPT được giải thích cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật. Việc quy định rõ:
“Đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh là hoạt động thu thập, phân tích, xử lí thông tin thông qua quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình rèn luyện và học tập của học sinh để làm cơ sở “tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; xác nhận kết quả đạt được của học sinh; cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và HS để điều chỉnh quá trình dạy học và giáo dục” tiến bộ, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực người học.
Trước đây quan niệm đánh giá bao giờ cũng đi kèm với xếp loại, vô hình trung hình thành tư duy đánh giá qua bài kiểm tra và thông qua bài kiểm tra để đánh giá. Hạn chế của cách làm này là không đánh giá được toàn diện người học, vì kết quả của một số bài kiểm tra chưa chắc phản ánh đúng năng lực người học.
Đồng thời kéo theo một số hệ lụy không mong muốn như tình trạng chạy theo điểm số ảo, học tủ, học lệch. Hoạt động thu thập, phân tích, xử lí thông tin thông qua quan sát, theo dõi, trao đổi, nhận xét quá trình rèn luyện và học để làm cơ sở tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh giúp các em điều chỉnh quá trình học tập và rèn luyện đạo đức, nhân cách, chưa được quan tâm đúng mức. Hậu quả tất yếu là tình trạng nặng dạy chữ hơn dạy người.
Thông tư số 22 đồng thời xác định một số phương pháp cốt lõi để phục vụ cho việc đánh giá và yêu cầu sử dụng kết quả đánh giá để tư vấn, hướng dẫn, động viên, xác nhận kết quả đạt được của HS, cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên, HS để điều chỉnh quá trình dạy học, giáo dục. Khi giáo viên thực hiện đầy đủ các yêu cầu, tin rằng sẽ bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan trong đánh giá; đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của các em.
Có thể thấy, quy định về đánh giá mới với học sinh THCS, THPT, đã thể hiện sự thay đổi lớn từ quan điểm đến cách tiến hành đánh giá. Thay đổi này hoàn toàn phù hợp với quan điểm về đổi mới kiểm tra đánh giá người học thể hiện trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, bảo đảm kế thừa, phát triển cách đánh giá học sinh ở bậc tiểu học; thể hiện sự thống nhất trong đổi mới kiểm tra, đánh giá của ngành. Đây là tiến bộ lớn so với các quy định về đánh giá xếp loại học sinh trước đây.