Đổi mới cách đánh giá học sinh: Thầy linh hoạt, trò tích cực

GD&TĐ - Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh (HS) theo tinh thần của Thông tư 26, trong học kỳ qua, tại TPHCM, các giáo viên (GV) đã linh hoạt, sáng tạo triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh trong tiết giảng. Ảnh NVCC
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh trong tiết giảng. Ảnh NVCC

Qua đó, đồng bộ với những đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học, đánh giá được toàn diện HS, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất người học. 

Sáng tạo trong thực hiện

Thầy Nguyễn Minh Trung, GV Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) chia sẻ: Thông tư 26  giúp GV và HS được “cởi trói”, đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá thay cho những bài kiểm tra giấy. “Bản thân tôi đánh giá cao việc thay đổi này và sử dụng nhiều hình thức để kiểm tra đánh giá HS”, thầy Trung nói.

Thầy Minh Trung đã thay hình thức kiểm tra giấy bằng thực hiện dự án. Cụ thể, ở môn Sinh học lớp 11, bài 4, 5, 6, thầy đánh giá, kiểm tra HS qua việc thực hiện dự án Đánh giá vai trò của Nitơ trên cây Cúc tần Ấn Độ, ứng dụng làm mảng xanh tại Trường THPT Gia Định. Dự án thu hút HS tham gia tích cực, qua đó rèn kỹ năng, bồi dưỡng thái độ, phẩm chất và năng lực cho các em. Bên cạnh đó, thầy còn đánh giá HS qua thực hiện thuyết trình, tranh luận và phản biện vấn đề. 

Thầy Trung lấy ví dụ: Nội dung Sinh học lớp 10 có bài 4, 5 và 6 thay vì làm kiểm tra 15 phút trên giấy, GV gom lại làm thành chuyên đề Các đại phân tử sinh học và sử dụng hình thức thuyết trình, vấn đáp, tranh luận, phản biện để đánh giá HS. Qua đó, các em phát triển tốt kỹ năng thuyết trình, tranh luận, tư duy logic,  phản biện và quan trọng hơn là các em hào hứng trong giờ học.

Việc kiểm tra, đánh giá HS cũng được linh hoạt bằng việc thiết kế, bố trí và thực hiện thí nghiệm minh chứng. Theo thầy Minh Trung, thông qua việc tự thiết kế, bố trí và thực hiện thí nghiệm, các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực hành, năng lực nghiên cứu khoa học và tư duy khoa học. Đồng thời, GV có thể đánh giá HS toàn diện hơn từ kỹ năng, năng lực, khả năng ứng dụng... chứ không chỉ đơn thuần là một bài kiểm tra trên giấy thiên về kỹ năng ghi nhớ.  

Theo thầy Trung, không chỉ cá nhân thầy mà các đồng nghiệp khác cũng có những thay đổi, linh hoạt thực hiện theo Thông tư 26. Ở Trường THPT Gia Định, cô Lữ Thị Ngọc Lan và cô Lê Ngọc Trân, bộ môn Anh văn cũng thay đổi từ đánh giá bằng bài kiểm tra giấy sang thực hiện dự án cộng đồng; thuyết minh giới thiệu về các chủ đề từ khoa học, đời sống, xã hội và môi trường, giúp học sinh phát triển tốt về kỹ năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ.

Em Đắc Huy, HS lớp 11A3, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) chia sẻ: Học kỳ I, môn Lịch sử, em cùng các bạn tham gia dự án Sài Gòn by bus tìm hiểu về lịch sử địa phương. Kết thúc dự án, chúng em được tính điểm kiểm tra thường xuyên. “Em thấy cách kiểm tra này khá thú vị, được tìm hiểu nhiều tài liệu, đi thực tế, làm việc nhóm… nên không chỉ có thêm kiến thức mà còn rèn kĩ năng, có trải nghiệm thú vị cùng bạn bè”, Huy tâm sự.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM báo cáo dự án trải nghiệm phần lịch sử địa phương “Sài Gòn by bus” bằng tiết mục Rap. Ảnh minh họa.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM báo cáo dự án trải nghiệm phần lịch sử địa phương “Sài Gòn by bus” bằng tiết mục Rap. Ảnh minh họa. 

Đánh giá toàn diện học sinh

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV tại quận Tân Phú cho biết: Qua một học kỳ thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá HS theo Thông tư 26, cả thầy và trò đều có chuyển biến tích cực.

Với bộ môn Hóa học, thầy Thanh giảm số lượng bài kiểm tra, thay vào đó là đánh giá HS dựa vào sản phẩm học tập (đồ chơi STEM, mô hình học tập...) hay các bài thuyết trình, phỏng vấn theo đội nhóm với các chủ đề cho trước. HS giảm được rất nhiều áp lực học tập, làm bài kiểm tra, GV cũng giảm được số lượng bài phải chấm.

Theo thầy Thanh, HS hào hứng với cách học và kiểm tra mới. Kỹ năng giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm của các em được tăng cường; năng lực phản biện, đánh giá đồng đẳng giữa các đội với nhau cũng được phát huy. Mỗi HS đều tham gia làm việc, phát huy vai trò cá nhân cho mô hình dự án hay sản phẩm nhóm làm ra để mang về số điểm cao nhất có thể thông qua bộ tiêu chí đánh giá do GV cung cấp trước mỗi hoạt động. Từ đó, tư duy sáng tạo, năng lực và phẩm chất cụ thể ở mỗi HS được phát triển rõ rệt và tích cực. 

Ngoài ra, thầy Phạm Lê Thanh cũng cho rằng, điểm tích cực trong Thông tư 26 chính là bài kiểm tra, đánh giá định kỳ (kiểm tra giấy hoặc trên máy tính), đề kiểm tra được tổ bộ môn họp và nghiêm túc xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả theo chuẩn kiến thức kỹ năng, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học/hoạt động giáo dục.

Cách làm này đánh giá sát thực hơn việc học tập đáp ứng chuẩn đầu ra của HS và tạo công bằng giữa các lớp, trường, vùng miền, tránh tình trạng chênh lệch nội dung câu hỏi đề kiểm tra…

GV đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo với nhiều hình thức. Từ đó đánh giá được toàn diện HS ở nhiều kỹ năng, năng lực. Sự thay đổi này phù hợp, đồng bộ với việc đổi mới phương pháp dạy học mà các GV đã triển khai từ nhiều năm qua. Đây cũng là những thay đổi để tiệm cận với Chương trình GDPT mới sẽ áp dụng cho năm học tới đây ở bậc trung học. Từ cách kiểm tra, đánh giá HS, việc xếp loại HS cuối học kỳ 1 cũng đi vào thực chất, toàn diện, tổng thể hơn… - Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.