Đồng bộ giải pháp giáo dục, nâng cao ý thức đạo đức HSSV

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Bắc Kạn đề cập đến tình trạng đạo đức xuống cấp, như HS đánh nhau trong trường học, quan hệ tình dục dẫn đến trường hợp mang thai trong tuổi vị thành niên, phải nghỉ học ảnh hưởng đến tương lai của các em... Cử tri đề nghị có giải pháp tăng cường giáo dục nâng cao ý thức đạo đức của HS.

Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn HSSV có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Tuy nhiên, các vụ việc HS đánh nhau, các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT về giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực học đường và tăng cường công tác quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc quan tâm, nắm bắt tình hình tư tưởng, đạo đức HS; có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ bức xúc trong HS kịp thời.

Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường và các hoạt động văn hóa trong trường học; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức cho HS; tăng cường, nâng cao hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là giáo dục HSSV khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội hiệu quả.

Chỉ đạo rà soát, tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV vào môn học chính khóa: Các chuyên đề lễ giáo cho trẻ em mầm non, môn Đạo đức cho HS tiểu học, Giáo dục công dân cho HS trung học và các môn học, hoạt động giáo dục khác; đưa kiến thức môn Giáo dục công dân thành môn thi chính thức trong Kỳ thi THPT quốc gia (năm 2020 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT)…

Chỉ đạo tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa cho HS; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường và thực hiện nghiêm nền nếp, dân chủ, kỷ cương... trong trường học. Triển khai có hiệu quả đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Về giáo dục kỹ năng sống, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định, văn bản chỉ đạo để quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; hướng dẫn việc tổ chức giáo dục kỹ năng sống tại cơ sở GD&ĐT. Đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm vào Chương trình giáo dục phổ thông mới thành môn học/hoạt động bắt buộc chính khóa trong trường phổ thông. Chỉ đạo biên soạn, thẩm định và phát hành các tài liệu giáo dục kỹ năng sống cho giáo viên giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Văn học, Địa lý, Sinh học.

Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, STEM... để lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho HSSV. Chỉ đạo các sở GD&ĐT tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực sư phạm, năng lực giáo dục kỹ năng sống cho cán bộ quản lý, nhà giáo. Chỉ đạo địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và tổ chức triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho hoạt động ngoài giờ chính khóa theo chuyên đề, nhóm vấn đề và các hoạt động trải nghiệm. Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường triển khai giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động phong trào thanh niên và hoạt động ngoại khóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.