Cần quan tâm nhiều hơn nữa việc giáo dục đạo đức; cần tăng thời lượng dạy môn giáo dục công dân; tăng thời gian dạy những bài học hay về đạo đức, câu chuyện người tốt việc tốt, nhằm tác động tích cực đến suy nghĩ và hành động của giới trẻ.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn HSSV có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức cho HS; đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống bạo lực học đường và phối hợp tốt ba môi trường "nhà trường - gia đình - xã hội", hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức trong HSSV, cụ thể là:
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020"; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HS, gia đình HS và cộng đồng về giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV; phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.
Trình Thủ tướng Chính phủ banh hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về "Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, sinh viên". Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc giáo dục HSSV khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội một cách hiệu quả. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tích cực tham gia công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện thông qua hoạt động dạy học các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành; qua chương trình lồng ghép, tích hợp trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; thông qua lao động sản xuất, hoạt động tập thể, văn hóa, thể dục, thể thao và vui chơi giải trí; thông qua vai trò nêu gương của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và những tấm gương về đạo đức được rút ra từ sách vở, lịch sử, cuộc sống, giáo dục đạo đức, lối sống qua di sản văn hóa.
Chương trình GDPT mới đã chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách HS được thực hiện thông qua tất cả môn học, hoạt động giáo dục. Môn đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học trong Chương trình GDPT mới đã được tăng cường cả nội dung và thời lượng.