Dồn lực ôn thi tốt nghiệp THPT cho học trò miền núi ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Với mục đích trang bị kiến thức, giúp học trò vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường học ở miền núi (Thanh Hóa) đang dồn lực ôn thi cho các em.

Trường THCS&THPT Bá Thước, Thanh Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)
Trường THCS&THPT Bá Thước, Thanh Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)

Kế hoạch ôn thi được xây dựng linh hoạt

Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, năm học 2023-2024, trường có 6 lớp 12, với tổng số 202 học sinh. Trong đó, chỉ có 4 em đăng ký dự thi Tổ hợp khoa học tự nhiên, còn lại 198 HS lựa chọn thi Tổ hợp khoa học xã hội.

“Để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho HS trước kỳ thi tốt nghiệp, ngay từ đầu tháng 2 vừa qua, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức tăng tiết, ôn thi các môn thi tốt nghiệp, được phân chia đều đặn và linh hoạt trong các tuần.

Thời gian ôn thi bắt đầu từ ngày 6/2/2024 đến hết ngày 25/5/2024, với thời lượng 15 tuần, mỗi tuần 3 buổi chiều đối với tất các môn. Sau ngày 25/5/2024, là ôn theo nhóm năng lực học sinh. Buổi chiều thứ 6 hàng tuần, GV dành thời gian tập trung ôn tập cho HS dự thi đại học”, thầy Đạo thông tin.

Cũng theo thầy Đạo, việc nhà trường xây dựng ôn thi sớm, là mong muốn giúp HS hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức của các môn trong cả năm học. Giáo viên sẽ giúp HS giải quyết tốt những câu hỏi trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, rèn luyện cho HS kỹ năng phân tích đề... tránh được những lỗi cơ bản của bài thi để có những kết quả tốt nhất.

Cô giáo và học trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ôn thi. (Ảnh: Thế Lượng)

Cô giáo và học trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ôn thi. (Ảnh: Thế Lượng)

Cùng đó, GV củng cố lại kiến thức nền, tiến hành ôn tập kì thi tốt nghiệp THPT có hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6/2023.

Ban Giám hiệu Trường THPT Quan Sơn giao GV bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức ôn thi trên cơ sở kế hoạch của Tổ, Ban chuyên môn trong nhà trường. Làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ HS để cùng nhà trường động viên, nhắc nhở, quản lí quá trình ôn tập của HS đạt hiệu quả cao nhất.

“Sau mỗi giai đoạn rà soát, điều chỉnh nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức dạy học để góp phần nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT và chất lượng thi tuyển đại học, cao đẳng năm học 2023-2024.

GV cũng xây dựng đề cương ôn tập bám sát nội dung chương trình, bám sát cấu trúc đề thi năm 2024 và các nội dung giảm tải theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tập trung nhiều vào những HS có lực học yếu, kém để bồi dưỡng cho các em”, thầy Đạo thông tin.

Dồn lực để ôn thi cho học trò

Là trường 2 cấp học trước kia ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). Tuy nhiên, sau khi xã Lũng Niêm đạt chuẩn Nông thôn mới, Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) không còn hưởng chế độ thu hút của Nhà nước.

Trong khi đó, hiện tại nhà trường đang thiếu tới 14 giáo viên cả 2 cấp học, nên việc ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 cho HS đối với GV lại càng thêm vất vả.

Cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đặc thù là trường 2 cấp, nằm trong vùng khó khăn của huyện, gồm 6 xã: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng và Lũng Cao. Do đó, HS của nhà trường chiếm đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nhà trường hiện có gần 800 HS ở cả 2 cấp. Chất lượng giáo dục đại trà những năm gần đây cũng đã nâng lên khá rõ rệt, bởi một phần HS không còn bỏ lớp, ngược lại rất chăm chỉ học tập, vượt khó học giỏi.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường đã, đang từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại. Cuộc sống của GV cũng được thay đổi, nên thầy, trò nhà trường yên tâm dạy và học....”, cô Thu chia sẻ.

Thầy và trò Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) tập trung ôn thi. (Ảnh: Thế Lượng)

Thầy và trò Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) tập trung ôn thi. (Ảnh: Thế Lượng)

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thì Trường THCS&THP Bá Thước vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó cơ bản nhất là thiếu GV. Cũng do thiếu biên chế, nên việc lên kế hoạch, bố trí người ôn thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10 THPT là cả một vấn đề nan giải.

“Do thiếu định biên, nên nhà trường luôn động viên các thầy, cô giáo sắp xếp thời gian sao cho phù hợp để tập trung ôn thi cho HS. Đối với khối 12, do thiếu GV, nên các thầy, cô giáo phải bố trí tất cả các buổi chiều trong tuần sao cho hợp lý, để tập trung ôn thi cho HS rất vất vả”, cô Thu cho hay.

Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Trường THCS&THPT Bá Thước vẫn đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 98% và có HS đạt điểm 10 các môn Lịch sử, Giáo dục Công dân. Vài năm gần đây, năm nào nhà trường cũng có HS giỏi đi dự thi cấp tỉnh. Năm học 2023-2024, Trường THCS&THPT Bá Thước cũng có 2 HS đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Giáo dục Công dân.

“Mặc dù, nhà trường đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhiều định biên viên chức cả 2 cấp. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo của nhà trường luôn cố gắng, dồn lực để tập trung ôn thi cho học sinh. Năm nay, nhà trường chỉ có 175 HS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nên chúng tôi cũng đang hy vọng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của đơn vị sẽ đạt được mức tối đa”, cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...