Lưu ý quan trọng giúp ôn và làm tốt bài thi môn Toán vào lớp 10

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa, Hà Nội chia sẻ một số bí kíp ôn thi, làm bài thi môn Toán vào lớp 10.

Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa, Hà Nội.
Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa, Hà Nội.

Nắm vững cấu trúc đề thi và các dạng bài thường gặp

Thay vì ôn tập tràn lan, thí sinh nên tìm hiểu cấu trúc đề thi và các dạng toán thường gặp nhằm có lộ trình ôn tập phù hợp. Trong quyết định số 994/QĐ-SGDĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 đã nêu rõ ma trận:

Với những học sinh có học lực trung bình, nên tập trung làm các câu rút gọn, câu giải hệ phương trình, chứng minh tứ giác nội tiếp hay câu hình không gian.

Thầy cô nên giúp học sinh giải quyết dứt điểm các nội dung đó trước khi chuyển sang các nội dung ở mức độ tiếp theo, như câu vi-ét; câu hỏi phụ bài toán rút gọn, hàm số; câu giải bài toán bằng cách lập phương trình/hệ phương trình hay câu 2 bài hình phẳng.

Với học sinh khá, các bài toán như ý 3 bài 1, ý 2b bài 3, ý 3 bài 4 cần tập trung ôn luyện, giải quyết được sai lầm về điều kiện, kết luận bài toán để có thể nhận điểm tối đa các ý đã làm được.

Với học sinh giỏi, bên cạnh tránh sai lầm do tính toán, đọc đề sót ý thì tập trung bài hình ý 3 và giải quyết trọn vẹn bài 5.

Luyện đề thi

Giai đoạn này, học sinh nên luyện làm các đề thi vào 10 của các năm trước và các trường trên địa bàn Hà Nội. Điều này giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi, biết cách phân bổ thời gian và rèn luyện kỹ năng làm bài.

Hãy tạo điều kiện giống như khi thi thật: chọn một chỗ yên tĩnh, bấm giờ và làm bài một cách nghiêm túc. Sau khi làm xong, hãy đối chiếu đáp án, tự chấm điểm và rút kinh nghiệm từ những sai sót.

Đặc biệt, các em hãy ghi lại những sai lầm hay mắc phải theo từng chủ đề ra quyển sổ riêng. Ví dụ với chủ đề “Giải bài toán bằng cách lập phương trình/hệ phương trình”, các em hay mắc phải những lỗi sau:

Quên điều kiện hoặc đặt điều kiện sai. Ví dụ: Gọi số người tham gia hoàn thành công việc theo dự định là x (người, x > 0). Điều kiện này là sai vì số người phải là số tự nhiên.

Các đại lượng phải được quy về cùng đơn vị; ví dụ: km, giờ, km/h,…

Biểu diễn chưa đầy đủ các đại lượng chưa biết theo ẩn và các đại lượng đã biết, đặc biệt quên viết kèm theo đơn vị; thiếu lập luận trước khi viết phương trình.

Thiếu đối chiếu, so sánh giá trị của ẩn sau khi tìm được với điều kiện.

Chưa đọc lại yêu cầu của bài toán để kết luận bài toán chính xác.

Lập kế hoạch học tập cụ thể

Một kế hoạch học tập chi tiết sẽ giúp học sinh quản lý thời gian hiệu quả hơn. Hãy lập bảng kế hoạch hàng ngày, phân chia thời gian cho từng môn học và từng chủ đề cụ thể.

Đừng quên dành thời gian cho việc nghỉ ngơi và thư giãn để giữ tinh thần thoải mái và tỉnh táo. Một kế hoạch hợp lý sẽ giúp các em duy trì sự tập trung và tránh được tình trạng học dồn, học vội.

Rèn luyện kỹ năng làm bài

Ngoài việc học kiến thức, các em cần rèn luyện kỹ năng làm bài thi. Hãy chú ý đến cách trình bày bài thi: viết rõ ràng, mạch lạc và theo đúng logic.

Về phân bổ thời gian: Đọc qua toàn bộ đề, bài dễ làm trước, khó làm sau. Khi làm đến mức điểm mà năng lực mình tối đa đạt được thì các em nên tạm dừng để soát lại bài đã làm để tránh làm sót hoặc nhầm yêu cầu bài toán.

Đọc kỹ đề bài, xác định đúng yêu cầu bằng cách gạch chân những từ khóa quan trọng và lập kế hoạch giải trước khi viết. Đặc biệt, đối chiếu lại đề bài sau khi viết vào giấy thi để tránh chép sai đề.

Tránh viết tắt hoặc trình bày cẩu thả, vì điều này có thể làm mất điểm một cách không đáng có. Khi sửa, học sinh nên gạch chéo phần bị sai rồi viết tiếp, không sửa bằng cách viết chồng lên phần đã sai.

Giữ tinh thần lạc quan, nhờ giúp đỡ khi cần thiết

Tinh thần lạc quan và tự tin là yếu tố quan trọng giúp các em vượt qua kỳ thi. Hãy tin vào khả năng của mình và luôn giữ một thái độ tích cực.

Đừng để những lo lắng và áp lực làm giảm hiệu suất của các em. Nếu các em đã chuẩn bị kỹ lưỡng, hãy tin rằng các em có thể làm tốt trong kỳ thi này.

Cuối cùng, đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Thầy cô, bạn bè và gia đình luôn sẵn sàng hỗ trợ các em. Hãy tận dụng mọi nguồn lực để giải quyết những khó khăn và hoàn thiện kiến thức của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ