Khách hàng
Cục Bảo vệ liên bang (FSB) - nguyên là Cục 9 của KGB thời Liên Xô chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Viện Duma, Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại trưởng, giám đốc FSB, phụ trách Ủy ban bầu cử trung ương...Các quan chức chính phủ khác có thể có vệ sĩ từ FSB chỉ khi có lệnh đặc biệt của tổng thống.
Tổng thống Putin được sự bảo vệ liên tục của của 12 vệ sĩ có vũ trang. Trong mỗi chuyến đi của tổng thống, hàng trăm vệ sĩ tham gia quá trình bảo vệ. Đoàn xe của Putin thường có từ 5-7 ô tô hộ tống cộng với 3-4 ô tô tuần tra cao tốc.
Đội bảo vệ của Putin được trang bị súng “Gyurza” 9mm. Khi không có đạn, khẩu súng này nặng 995g. Nó có thể chứa 18 viên đạn. Một trong những điểm mạnh của súng Gyurza là nó có thể xuyên thủng áo giáp chống đạn trong phạm vi 50 m, kích thước lại khá nhỏ gọn.
"Đội quân áo đen" của Putin di chuyển trên xe Jeep được trang bị súng máy AK-47, AKS-74U và súng bắn tỉa Dragunov. Thậm chí họ còn sử dụng súng máy cỡ lớn RPK, súng phóng lựu và tên lửa vác vai "Osa". Nhìn chung, họ có thể phá hủy cả một tiểu đoàn với lượng đạn dược và vũ khí trang bị.
“Thật không dễ dàng để trở thành vệ sĩ của tổng thống", một người trong ngành nói. Có cả một danh sách yêu cầu như không quá 35 tuổi, cao từ 1m75-1m90, nặng 75-90kg; ưu tiên người có kinh nghiệm quân sự nhưng không nhất thiết; thể lực hoàn hảo; suy nghĩ và phản ứng sắc bén; không tiếp nhận cựu cảnh sát vì họ có thói quen bắn cảnh báo.
Vệ sĩ cho tổng thống được thiết kế và may trang phục riêng. Có một xưởng may riêng trong FSB chuyên làm việc này.
Mọi người bị hấp dẫn trước thực tế vệ sĩ dường như miễn nhiễm với thời tiết nóng hay lạnh. Khi nhiệt độ xuống dưới 0, họ vẫn chỉ khoác áo mỏng (để di chuyển dễ dàng). Tương tự như vậy, một vệ sĩ trong bộ âu phục đen hiếm khi đổ mồ hôi giữa trời nắng nóng.
Theo một số nguồn tin, họ làm được điều này nhờ sự hỗ trợ của các chất đặc biệt. Các chất này cũng giúp họ tăng cường khả năng nhìn, ngửi và nghe. Một điều thú vị là vệ sĩ được phép hút thuốc, có thể để giảm căng thẳng.
Người đàn ông đeo kính râm
Phụ trách đơn vị bảo vệ tổng thống Nga là Victor Zolotov từng là vệ sĩ của Anatoly Sabchak (cựu thị trưởng St. Petersburg). Năm 1999 Putin mời Zolotov tham gia đội bảo vệ cá nhân của ông.
Zolotov thường được so sánh với cựu vệ sĩ Korzhakov của ông Yeltsin. Nhiều người cho rằng Zolotov chuyên nghiệp hơn. Ông bắt đầu sự nghiệp như một thợ kim loại. Ông vào FSB mà không có sự bảo trợ nào.
Khi Putin vào xe hơi sau một cuộc gặp, Zolotov gặp gỡ đội bảo vệ và bắt tay họ. Trong lúc đó "đối tượng" chờ đợi trong xe. Theo một thành viên FSB thì đó là "siêu khoảnh khắc".
Zolotov thường mang kính râm. Nói chung, đây là thứ không thể thiếu với vệ sĩ. Nó không phải để bảo vệ mắt của họ khỏi ánh nắng cũng không phải là thứ thời trang. Nó để che giấu sự chú ý vào một con người, cũng để giúp vệ sĩ phát hiện ra sự phản chiếu của vũ khí.
Khi Zolotov hộ tống "đối tượng", ông như một "trái núi yên lặng" không hề có cảm xúc.
Vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1963 bị coi là một trong những tội ác lớn nhất trong thế kỷ 20. Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi bị mưu sát 5 lần rồi bị chính vệ sĩ của bà sát hại năm 1984. Con trai bà là Rajiv đã thay thế đội vệ sĩ bằng đơn vị lính dù đáng tin cậy nhưng năm 1991, một phụ nữ đánh bom liều chết đã sát hại ông bằng cách giấu thuốc nổ vào bó hoa.
Vệ sĩ của tổng thống Nga thường rất lo lắng khi ông Putin bắt tay người trên phố.
Nhiều vụ mưu sát nhằm vào tổng thống Ngan đã bị phát hiện. Vụ đầu tiên là vào tháng 2/2000 trong đám tang của Sabchak. Vụ thứ hai vào tháng 8 cùng năm trong một hội nghị thượng đỉnh ở Yalta. Vụ thứ ba diễn ra vào năm 2002 khi ông Putin tới thăm Baku.
Có nhiều đồn đoán ông Putin là một "đối tượng rất chịu nghe lời". Bất kỳ khi nào mà vệ sĩ của ông cảnh báo về các nguy hiểm có thể xảy ra, Putin đều rất "tuân lệnh". Từng là một điệp viên, Putin hiểu rõ mọi thứ.
Các vệ sĩ của tổng thống Nga được hưởng mức lương cao nhưng do công việc quá căng thẳng, đầy áp lực, nguy hiểm nên phần lớn nghỉ hưu trước tuổi 35.