Đối thoại với nghệ thuật trong triển lãm ‘Vụn thời đại’

GD&TĐ - Triển lãm ‘Vụn thời đại’ là một cuộc đối thoại mở ra cuộc đối thoại của con người hiện đại với những biến động đương thời.

Đối thoại với nghệ thuật trong triển lãm ‘Vụn thời đại’

‘Vụn thời đại’ là triển lãm đầu tiên, đánh dấu sự ra mắt của không gian nghệ thuật đương đại The Outpost – do nghệ sĩ Lê Thuận Uyên trong vai trò giám tuyển.

Triển lãm sẽ bắt đầu mở cửa từ ngày 11/12 tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost - Tháp B1 Roman Plaza (Nam Từ Liêm - Hà Nội).

Các tác phẩm được lựa chọn đa dạng về hình thức và ngôn ngữ thể hiện, bao gồm: chuỗi điêu khắc “Chân dung nệm” của Hoàng Thanh Vĩnh Phong, thể nghiệm đa phương tiện “Lam nắng, sa mưa” của Phan Thảo Nguyên, sắp đặt “Chuyến đi cuối cùng” của Nguyễn Phương Linh, nhóm tranh sơn dầu của Lý Trần Quỳnh Giang cùng hai sáng tác biệt vị (site-specific) – tương tác với ý niệm và không gian triển lãm của hai nghệ sĩ trẻ Phạm Hà Ninh và Phạm Minh Hiếu.

"Chân dung nệm số 42 - Trái đất" của Hoàng Thanh Vĩnh Phong.

"Chân dung nệm số 42 - Trái đất" của Hoàng Thanh Vĩnh Phong.

‘Vụn thời đại’ là tập hợp những khung cảnh đầy suy tư về một giả tưởng tương lai khi thiên nhiên, con người và những tạo vật trừu tượng vô tình va chạm vào nhau. Không gian trưng bày được tổ chức như một mê cung nơi người xem lần theo những mảnh vụn rời rạc, ly tán của các thực tại đan xen.

Quang cảnh đầu tiên là chuỗi điêu khắc “Chân dung nệm” của nghệ sĩ Hoàng Thanh Vĩnh Phong. Bằng việc thay đổi công năng và chồng lớp chất liệu lên các tấm nệm, nghệ sĩ tách rời chúng khỏi cuộc sống thường ngày, đặt chúng vào một vùng mơ hồ kỳ lạ, đòi hỏi người xem vượt qua lớp vỏ bề ngoài để nhìn sâu hơn vào những gì được ký thác bên trong.

"Lam nắng, sa mưa" của Phan Thảo Nguyên.

"Lam nắng, sa mưa" của Phan Thảo Nguyên.

“Chân dung nệm” là thể nghiệm đa phương tiện thuộc dự án “Lam nắng, sa mưa” của nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên. Từng vinh dự được triển lãm tại bảo tàng đương đại Tate St Ives – Vương quốc Anh, tác phẩm dệt nên mối liên hệ và xung đột lạ lùng giữa nỗ lực bảo tồn dấu vết lịch sử và tiến trình hiện đại hoá, thể hiện qua ký ức về những tấm lam chắn nắng bê tông và cơn mưa xối xả mùa lũ quét của một công nhân xây dựng.

“Lam nắng, sa mưa” dẫn người xem lạc vào miền mênh mang cô độc của nghệ sĩ Lý Trần Quỳnh Giang. Ở nơi đây, gam màu cảm xúc và thế giới nội tâm của nghệ sĩ hiện lên qua những sinh vật trữ tình. Mỗi chân dung sơn dầu là một tâm cảnh không lời, sự cô đơn sâu thẳm in đậm vào tâm khảm.

“Chuyến đi cuối cùng”, tìm hiểu quá trình tiếp nạp và biến đổi theo thời gian của hệ sinh thái và văn hoá Tây Nguyên. Tác phẩm của Nguyễn Phương Linh khởi nguồn từ hình tượng con voi, loài vật biểu trưng cho quyền lực linh thiêng trong văn hoá các cộng đồng sinh sống nơi đây. Tác phẩm sắp đặt được phân tách trong một căn phòng tối giản, tạo ra sự tĩnh lặng, trơ trọi.

Phạm Hà Ninh mang đến một chuỗi biểu tượng “Mã vòng”. Đây là một hệ thống ngôn ngữ giả lập được sử dụng ở nơi thời gian không tồn tại – một vùng đất trong tưởng tượng và trí nhớ. Tác phẩm mời khán giả dấn bước giải mã những “nhân vật” – con số – mệnh đề mà nghệ sĩ đặt ra cho chính mình.

"Vô đề" của Lý Quỳnh Giang.

"Vô đề" của Lý Quỳnh Giang.

Phạm Minh Hiếu với tác phẩm “Đương thời” khơi gợi sự hiện diện của những lãng khách vô hình trong vùng không/thời gian mà triển lãm diễn ra. Họ di chuyển trong mê cung, dẫn lối người tham gia trải nghiệm tác phẩm theo trình tự khác nhau, lệch khỏi cung đường do giám tuyển ấn định.

Chính dòng chảy biến ảo này đã tạo ra vô vàn những khả thể khác nhau cho triển lãm.

Trong hành trình khám phá triển lãm, giám tuyển sẽ dành thời gian ở mỗi “trạm dừng” để chia sẻ những câu chuyện đằng sau quá trình hình thành tác phẩm, những mẩu hội thoại giữa nghệ sĩ với giám tuyển và giữa tác phẩm với không gian.

"Mootj,aôi, nhiều số 3" - Phạm Hà Ninh.

"Mootj,aôi, nhiều số 3" - Phạm Hà Ninh.

Giám tuyển Lê Thuận Uyên cho biết, ‘Vụn thời đại’ là những suy tư của cá nhân về khái niệm “kiến thiết triển lãm” (exhibition making). Việc khu biệt mỗi tác phẩm vào một không gian riêng không phải một thực hành đột phá nhưng lại có phần đi ngược với quan niệm dân chủ hoá nghệ thuật, vốn đề cao sự bình đẳng giữa các tác phẩm cũng như sự tự do trong lựa chọn trải nghiệm tác phẩm của người xem.

“Đối với câu hỏi liệu các tác phẩm đồng hiện trong một không gian chung có thật sự bình đẳng hay không, tôi vẫn chưa có câu trả lời, nhưng trước hết, tôi cho rằng việc đưa mỗi tác phẩm vào một “ngăn” của triển lãm sẽ tạo ra những quang cảnh riêng tư với độ “tĩnh” cần thiết, để người xem thực sự hoà nhập vào tâm cảnh của nghệ sĩ”, Lê Thuận Uyên cho hay.

Theo ban tổ chức, triển lãm liền mạch hay đứt gãy phụ thuộc vào liên đới ý niệm hay tương quan thị giác giữa các tác phẩm. Việc chia chúng vào từng ngăn sẽ không rời rạc nếu triển lãm được thiết kế kỹ lưỡng.

Thông thường, biện pháp ngăn không gian thường nhằm mục đích xử lý ánh sáng hoặc tăng diện tích tường treo. Tuy nhiên, trong triển lãm này, giám tuyển chủ ý chia nhỏ không gian và phân luồng di chuyển lắt léo để tạo ra trải nghiệm xem tác phẩm có phần triệt để.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ