Là dự án nghệ thuật diễn ra đồng thời tại khuôn viên Trường song ngữ Emasi Nam Long và Vạn Phúc (TPHCM). Diễn ra từ tháng 5 – 11/2022, “Phổ hiếu kỳ” nhằm giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật. Đồng thời cũng mở màn cho chuỗi triển lãm khám phá mối giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học.
Giao thoa khoa học – nghệ thuật
Nhà nghiên cứu Ace Lê – thành viên hội đồng giám tuyển “Phổ hiếu kỳ” - cho biết, triển lãm có ý nghĩa hơn hết khi diễn ra trong không gian trường học, người thưởng thức chính là học sinh. Đây là một trong các dự án hiếm hoi để học sinh có cơ hội tiếp cận sâu với nghệ thuật, bồi bổ mỹ cảm và thúc đẩy sự sáng tạo.
Theo hội đồng giám tuyển, sau nhiều thế kỷ vận động thì cả khoa học và nghệ thuật đã phát triển đa ngành lẫn chuyên sâu. Điều này khiến chúng ta cho rằng, đó là hai thế giới riêng biệt, đối lập nhau.
Khoa học xoay quanh bằng cứ, lập luận, dữ liệu và công nghệ để tìm ra đáp án. Nghệ thuật phát triển từ mỹ cảm, ý niệm, sáng tạo và ngẫu hứng rồi chú trọng về trải nghiệm. Tuy nhiên, sự thật lại không hoàn toàn vậy. Ngược dòng thời gian khi sự phân hóa giữa nghệ thuật – khoa học chưa thai nghén, một số người vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà khoa học đã thể hiện mối giao thoa bền chặt.
Hoàng Thuyên (903 - 965, Trung Quốc), là một học giả đời Tống, đồng thời là một họa gia kiệt xuất - được tôn vinh là cha đẻ của trường phái tranh hoa điểu. Sự quan sát, nghiên cứu tỉ mỉ của ông về chim muông, côn trùng, thực vật đã đi trước những đồng nghiệp châu Âu thời Phục hưng. Cho đến nay, chỉ còn đúng một kiệt tác của ông được lưu giữ nguyên vẹn là bức “Tả sinh trân cầm đồ”.
Leonardo da Vinci (1452 - 1519, Ý) được biết đến như một danh họa thiên tài, đồng thời cũng là nhà phát minh mang tính cách mạng trong các ngành thiên văn, giải phẫu, thực vật học hay địa chất học. Phác thảo “Vitruvian Man” biểu đạt rõ nhất niềm tin của ông: Nghiên cứu khoa học là cánh cửa mở ra những vẻ đẹp mỹ học hoàn hảo trong vũ trụ.
Điềm Phùng Thị (1920 - 2002, Việt Nam) là một tượng đài về điêu khắc trong lịch sử nghệ thuật hiện đại Việt Nam và thế giới. Bà sáng tác ra ngôn ngữ tạo hình độc đáo với 7 mô-đun hình học được lắp ghép và biến hóa linh hoạt trong các tác phẩm tượng, tranh, phù điêu.
Trước thực hành nghệ thuật ở tuổi 30, bà đã tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội, rồi lấy bằng Tiến sĩ Giải phẫu Nha khoa ở Paris (Pháp). Kiến thức giải phẫu đã góp phần không nhỏ trong quá trình kiến tạo nên hệ thống mẫu tự của nghệ sĩ sau này.
Khám phá từ sự kiếu kỳ
Từ 3 ví dụ đó, các nghệ sĩ của triển lãm “Phổ hiếu kỳ” nhận thấy khoa học - nghệ thuật không hề tách rời hay đối lập. Dù chúng có những cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác biệt, nhưng rõ ràng cả hai đều có nhiều điểm tương tác, hỗ trợ và giao thoa lẫn nhau.
Ở tầng căn bản nhất, khoa học và nghệ thuật đều là những biểu hiện cho nhu cầu thỏa mãn sự hiếu kỳ của bộ não con người. Bên cạnh việc sáng tác, sự hiếu kỳ đó cũng là cội rễ cho nhu cầu chu du tới các miền đất lạ để sưu tập và trưng bày những tiêu bản và hiện vật.
Từ thế kỉ 16, mô hình bảo tàng bắt nguồn từ châu Âu dưới cái tên “căn buồng hiếu kỳ” (cabinet of curiosities). Đó vốn là những phòng riêng của giới hoàng thân quý tộc, thu thập và bày biện những thứ hiếm lạ họ sưu tập được – từ đồ cổ, da thú, hoa cỏ đến các dụng cụ khoa học và tác phẩm nghệ thuật.
Ở thế kỷ 21, trí tò mò của chúng ta đã không còn nhất thiết phải xoay quanh những bộ tác phẩm hay hiện vật tại gia. Bởi vậy, triển lãm “Phổ hiếu kỳ” như sự hồi đáp và mở rộng khái niệm “căn buồng hiếu kỳ” thuở xưa. Đồng thời vay mượn những góc nhìn của các nghệ sĩ - khoa học gia, để học sinh mở rộng góc nhìn và đối thoại với nghệ thuật.
Nhóm giám tuyển đã chọn ra 8 điểm hiếu kỳ trên phổ giao lộ khoa học - nghệ thuật, để tạo thành 8 khu vực sắp xếp 46 bộ tác phẩm từ 26 nghệ sĩ, dàn trải ra hai khuôn viên trường học. Mỗi điểm này là một không gian, một chủ đề hay một lĩnh vực. Trong đó, các tác phẩm nghệ thuật tương tác với một hoặc nhiều bộ môn khoa học trong quá trình nghiên cứu, sản xuất hay trình bày.
Bộ ảnh của Nguyễn Thị Thanh Mai mượn những mảnh tóc của chính nghệ sĩ làm phương tiện chiêm nghiệm về nghi lễ, thời gian và ký ức. Cặp video - sắp đặt của Tristan Lim lấy cảm hứng từ hiện tượng bóng đè và giao thoa những biểu tượng về ác mộng trong mỹ thuật và khảo cổ học - để thảo luận về các sức ép vật lý và tinh thần.
Bên kia tường là không gian cho máy móc. Bộ ba bức tranh của các nghệ sĩ Nguyễn Kim Thái, Lê Quý Tông và Bùi Công Khánh phân tích số phận chiếc động cơ xe lửa của Việt Nam để đặt ra câu hỏi về đích đến và hệ quả của những sáng chế này.
Ở một góc nhìn khác, tác phẩm của Nguyễn Trần Ưu Đàm sử dụng công nghệ số để kết nối người với người trong quá trình đồng sáng tác xuyên lục địa, khai mở một chương bình thường mới hậu đại dịch Covid-19. Loạt tranh đơn sắc và đa sắc của Tuyền Nguyễn mời gọi công chúng bước vào thế giới của những “kỳ hoa dị thảo” được sinh ra trong trí tưởng tượng của nghệ sĩ khi bị giới hạn giữa đợt phong tỏa của đại dịch.