Đội ngũ đã được chuẩn bị như thế nào để triển khai chương trình mới?

GD&TĐ - Để khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục đã được triển khai và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương, bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Nhận diện thực trạng đội ngũ

Hiện nay, cơ bản đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0%, THPT 99,6%. 

Về số lượng, tính đến tháng 10/2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306).

Theo báo cáo của các sở GDĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3.161 người).

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.

Tổng số cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông: 103.432 người (mầm non: 37.589, tiểu học: 34.635, THCS: 23.808, THPT: 7.400).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu, lộ trình đổi mới

Chia sẻ những công việc đã triển khai để chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết:

Thứ nhất: Bộ GDĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Trên cơ sở Đề án này, ngày 06/02/2017, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP).

Thứ 2: Bộ GDĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Kế hoạch số 270/KH-BGDĐT ngày 02/5/2018 và Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT ngày 12/9/2018 chi tiết các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;

Tiến hành rà soát, sửa đổi các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông cùng với các chương trình bồi dưỡng theo Chuẩn; xây dựng tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giáo viên và CBQL trường phổ thông cốt cán; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm do Chương trình ETEP đang hoàn thiện;

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Viên chức, tạo hành lang pháp lý để thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục; rà soát số lượng cơ cấu, chất lượng và các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và CBQL cơ sở GDPT để đề xuất bổ sung, hoàn thiện; ban hành qui định về đào tạo văn bằng 2 mã ngành đào tạo giáo viên; nghiên cứu định mức lao động kinh tế kỹ thuật của giáo viên phổ thông theo chương trình GDPT mới,...

Thứ 3: Các trường sư phạm chủ chốt phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên, CBQL trường phổ thông và Chương trình ETEP tổ chức các hội thảo, tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước;

Xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên để dạy các môn học mới; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình GDPT;

Phối hợp với địa phương xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung phát triển các năng lực nghề nghiệp nền tảng, cốt lõi cho giáo viên, CBQL trường phổ thông để thực hiện chương trình phổ thông mới và đáp ứng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Thứ 4: Các sở GDĐT đã chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho giáo viên và CBQL cơ sở GDPT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo các Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Tiến hành rà soát thực trạng thừa, thiếu và tính toán nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp học cùng với quy hoạch hệ thống trường lớp làm căn cứ để các trường sư phạm xây dựng chương trình đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2; đồng thời địa phương đã rà soát, xây dựng phương án khắc phục thừa, thiếu giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tế (một số địa phương đã xây dựng các Đề án liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; sắp xếp, cơ cấu đội ngũ, tinh giản biên chế,..).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ