(GD&TĐ) - Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Tới đây, ngành Giáo dục sẽ triển khai nhiều chương trình, nhiều công việc lớn để biến những tư tưởng chỉ đạo, nội dung của Nghị quyết thành hiện thực. Việc xác định khâu đột phá nhất có giá trị lan tỏa, chắc thắng trong quá trình triển khai đặc biệt quan trọng là đổi mới kiểm tra đánh giá, thi cử.
Được biết, nội dung của Nghị quyết bao gồm cả lĩnh vực đại học, cao đẳng, TCCN và dạy nghề… Tuy nhiên, lĩnh vực phổ thông với sự thay đổi lớn về chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa (SGK) và tổ chức quá trình giáo dục trong nhà trường - nhận được sự quan tâm, chú ý của xã hội nhiều hơn cả.
Chiến dịch Buôn Ma Thuột của giáo dục
Trong thiết kế chương trình mới, người thầy hướng dẫn cho học sinh khám phá kiến thức một cách chủ động |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Sẽ có hàng loạt công việc lớn được triển khai mà việc đầu tiên là tổ chức quán triệt, học tập nghiêm túc, nắm vững, nắm đúng tinh thần của Nghị quyết. Trên cơ sở đó tạo nên sự đồng thuận, quyết tâm và phát huy trí tuệ tập thể xây dựng một kế hoạch hành động khoa học, thực tế và hiệu quả.
Việc triển khai này đồng bộ trên tất cả các đối tượng, các lĩnh vực: Thầy cô giáo, học sinh, chương trình, SGK, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tổ chức quản lý, các chính sách chế độ đối với giáo viên, các đối tượng học sinh, các vùng miền… Sẽ có một kế hoạch, phân công nhiệm vụ rõ ràng, trước hết là trong Ngành, sau đó đề xuất với Chính phủ, với các Bộ, ngành, các địa phương để chương trình hành động phối hợp cùng triển khai theo nhiệm vụ chức năng, từng bước đưa những quyết định, nội dung của Nghị quyết vào trong cuộc sống.
Căn cứ điều kiện cụ thể của đất nước, một trong những khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng, then chốt mà Bộ GD&ĐT đề xuất là đổi mới kiểm tra đánh giá thi cử trong nhà trường. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải: “Cũng giống như trong trận chiến quyết định để thống nhất đất nước, mục tiêu của chúng ta là phải tiến vào Sài Gòn, nhưng khâu đột phá lại là Buôn Ma Thuột. Chúng tôi tiếp thu tinh thần, kinh nghiệm của cha ông, chọn khâu đột phá, khâu xung yếu - chưa phải là khâu kết thúc, nhưng có giá trị lan tỏa và triển khai có thể chắc thắng”.
Trong thực tế giáo dục, có thể thấy khâu thi cử không đòi hỏi nhiều điều kiện về tài chính, đầu tư nhân lực hay cơ sở vật chất, nhưng lại có ý nghĩa có thể xoay chuyển từng bước việc dạy - học và thay đổi cả nhận thức, tư duy của thầy và trò. Vì vậy, Bộ GD&ĐT xác định đổi mới kiểm tra đánh giá và thi cử trong nhà trường là khâu đột phá quan trọng nhất trong quá trình triển khai Nghị quyết.
Phá vỡ những “vòng tròn đồng tâm”
Học sinh - sinh viên hăng say với các công trình NCKH |
Trong các lần cải cách giáo dục trước đây, lần cải cách nào cũng đều có những điểm mới, nhưng tư tưởng chỉ đạo và cách thức thiết kế chương trình giáo dục phổ thông vẫn giữ nguyên: Các môn học của trường phổ thông có thiết kế giống như tổ chức các lĩnh vực khoa học; Các nội dung của SGK các môn học của từng lớp học ở trường phổ thông đều thiết kế theo vòng tròn đồng tâm.
Với thực tế khối lượng kiến thức của nhân loại phát triển như vũ bão hiện nay, với cách thiết kế đó, khối lượng kiến thức cần đưa vào nhà trường ngày càng lớn; Khối lượng kiến thức đó dồn ép lần lượt vào bậc học cao và dồn dần xuống phổ thông, nên càng lên lớp trên càng quá tải. “Cách thiết kế đó cũng tạo nên sự trùng lặp biết mà không thể tránh được” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, cách thiết kế đó cũng tất yếu dẫn đến kiến thức dạy và học trong nhà trường mang tính hàn lâm, xa rời cuộc sống; Không ít kiến thức học (học rất khó, học mất rất nhiều thời gian và công sức) trong trường phổ thông, ra cuộc đời rất ít được sử dụng tới.
Ở một phía khác, với những học sinh giỏi và có dấu hiệu của những tài năng, chương trình học đó cũng không phù hợp (vừa nặng do phải học quá nhiều nội dung khác nhau, vừa nhẹ đối với phần thuộc sở trường và năng khiếu).
Trong “Đổi mới” lần này, cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn SGK mới sẽ có sự thay đổi lớn, căn bản, với nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; Tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức (rất lớn, rất phong phú) của các lĩnh vực khoa học những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…) của học sinh tiểu học và trung học cơ sở, gần với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới. Với chương trình tích hợp này, đến hết THCS, học sinh đã có đủ kiến thức, phẩm chất và kỹ năng cần thiết để học nghề (phân luồng), sau đó là lập nghiệp.
Ở bậc THPT (lớp 10, 11, 12), chương trình học và SGK sẽ được thiết kế theo hướng phân hóa cao; Học sinh sẽ căn cứ năng lực học tập của mình mà lựa chọn học các ban (môn học) khác nhau: Ban Khoa học xã hội nhân văn hay ban Khoa học tự nhiên…
Cách thiết kế như vậy sẽ giúp cho việc định hướng nghề nghiệp của học sinh, đồng thời không tạo sức ép dồn kiến thức các lĩnh vực khoa học vào nhà trường, tạo khả năng thực tế để khắc phục hiện tượng quá tải hiện nay.
Sẽ không còn dạy nhiều, tự học ít
Rút kinh nghiệm từ các lần thay sách trước và theo quy luật của giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai đồng thời từ các lớp đầu cấp của tiểu học, THCS và THPT. Với cách làm mới này, sẽ giảm thời gian thay sách đi một số năm, nhưng vẫn phải thay lần lượt từng năm một, từ lớp dưới lên lớp trên. |
Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục đã nhận thức được tầm quan trọng của phương pháp, nên đã quan tâm chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường. Nhiều thời gian, phong trào này phát triển khá mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả.
Nhưng dù có thay đổi, phương pháp dạy và học trong nhà trường phổ thông của ta hiện nay vẫn là thầy giảng, trò ghi. Kiến thức thầy dạy là những “chân lý tuyệt đối đúng”, được học trò chấp nhận, tiếp thu, ghi nhớ để trả bài thầy khi thi, kiểm tra; Học sinh thụ động tiếp nhận bài giảng, ôn luyện lý thuyết, làm bài tập được giao và làm bài thi, kiểm tra để nhận điểm đánh giá.
Cách dạy, học như vậy đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ “truyền thụ kiến thức” cho học sinh, nhưng không đáp ứng được đòi hỏi hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; Tính chủ động sáng tạo, tìm tòi khám phá của học sinh với tư cách là người chủ tương lai của đất nước không được chú ý hình thành và bồi dưỡng cho phát triển; Tính thụ động, chấp nhận… lại có xu hướng tăng cao.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong thiết kế chương trình mới, người thầy không chỉ đơn thuần là người cung cấp, truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà là người cố vấn, người tổ chức, người hướng dẫn cho học sinh tìm tòi, khám phá những kiến thức cần thiết một cách chủ động.
Nghĩa là sẽ chuyển từ dạy nhiều, tự học ít hiện nay sang dạy ít, tự học nhiều; Từ dạy số đông, cá nhân học sinh tự học hiện nay sang hướng dẫn từng nhóm nhỏ, từng nhóm học sinh cùng thảo luận nhóm để hoàn thành nhiệm vụ của tập thể.
Khắc phục hiện tượng nặng dạy chữ, nhẹ dạy nghề và dạy người
Hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh được dùng để đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường, của một địa phương. Tới đây, hai việc này sẽ được tách bạch độc lập với nhau. Điều đó giúp các nhà trường không bị sức ép của thành tích (dẫn đến hiện tượng không trung thực); giúp Nhà nước có thông số để nghiên cứu, đề ra chính sách phát triển giáo dục một cách độc lập, hiệu quả.
Bên cạnh đó, sẽ chuyển cách thi, kiểm tra hiện nay (chủ yếu là kiểm tra việc tiếp thu kiến thức của học sinh) sang thi, kiểm tra năng lực và phẩm chất được hình thành của học sinh.
Cách dạy và học, thi mới đó sẽ khắc phục được hiện tượng nặng dạy chữ, nhẹ dạy nghề và dạy người; nặng lý thuyết, nhẹ khả năng thực hành.
Là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, là một thành viên trong Ban soạn thảo Đề án, khi T.Ư thông qua Nghị quyết, chúng tôi rất phấn khởi. Hy vọng rằng niềm vui của Ngành cũng như của toàn xã hội về việc T.Ư ra Nghị quyết sẽ được quán triệt sâu sắc, biến thành quyết tâm, thành hành động cụ thể trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết vào thực tiễn. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Gia Hân