Đổi mới quy chế tuyển sinh lớp 10: Mới nhưng không sốc

GD&TĐ - Một trong những đổi mới của quy chế tuyển sinh vào THPT Bộ GD&ĐT ban hành là lựa chọn môn thi/bài thi thứ 3 vào lớp 10.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Ngoài môn Toán, Ngữ văn, các sở có thể lựa chọn môn thi hoặc bài thi thứ 3. Bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.

Điều này khiến không ít học sinh, phụ huynh lo lắng việc sở GD&ĐT chọn bài thi tổ hợp. Trước đây, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Ninh Bình… dự kiến sử dụng môn thi tổ hợp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đối với Chương trình GDPT 2006 nhưng sau đó bỏ. Bài thi tổ hợp đã được Hưng Yên đưa vào trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng từ năm 2024 đã bỏ.

Năm 2025 là năm đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức theo chương trình - sách giáo khoa mới. So với Chương trình GDPT 2006, có một số môn học mới là môn tích hợp như Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học) và Lịch sử - Địa lý.

Kỳ thi tuyển sinh THPT có tính chất cạnh tranh cao nên không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả giáo viên quan tâm đến môn thi thứ 3 để điều chỉnh kế hoạch dạy - học và ôn tập phù hợp. Nếu môn thứ 3 được lựa chọn là bài thi tổ hợp đồng nghĩa học sinh phải ôn thi nhiều môn trong thời gian ngắn, khiến phụ huynh lo lắng con em khó đạt kết quả tốt.

Việc nhiều địa phương chọn Tiếng Anh hoặc rộng hơn là ngoại ngữ làm môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh THPT năm 2025 vừa “chống sốc” cho phụ huynh, học sinh và các trường THCS, vừa đảm bảo sự chuyển tiếp giữa hai chương trình. Với môn thi thứ 3 là Tiếng Anh hoặc ngoại ngữ, sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh do phần lớn phụ huynh có lộ trình chuẩn bị kiến thức - kỹ năng cho học sinh lớp 9 từ sớm.

Học sinh học xong chương trình lớp 9 phải xét đỗ tốt nghiệp cấp THCS mới đủ điều kiện để dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Khác với thi để xét tốt nghiệp, mục đích của kỳ thi vào lớp 10 là đánh giá năng lực của học sinh để đảm bảo có thể tiếp tục học tập thành công ở cấp THPT, phân loại được thí sinh nhằm phân luồng, hướng nghiệp… Vì vậy, lựa chọn môn thi phải đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi chứ không phải để hạn chế việc học tủ, học lệch.

Chương trình GDPT 2018 vừa triển khai xong một chu trình. Về tổng thể, công tác dạy - học, kiểm tra, đánh giá ở các trường học đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, chưa thể tránh khỏi tình trạng “bình mới - rượu cũ” ở một vài nơi khi còn một bộ phận giáo viên quen với cách truyền thụ kiến thức một chiều.

Cách tổ chức dạy - học các môn tích hợp ở một số trường THCS chưa thực sự đổi mới theo đúng tinh thần của chương trình mới. Vì vậy, nếu sử dụng bài thi tổ hợp quá sớm sẽ là gánh nặng cho cả học sinh, giáo viên và nhà trường để đáp ứng cả hai mục tiêu: Hoàn thành chương trình lớp 9 và nâng cao chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10.

Tuy nhiên, về lâu dài, sử dụng bài thi tổ hợp trong thi tuyển sinh lớp 10 THPT là một phương án để đánh giá toàn diện học sinh theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018 là định hướng nghề nghiệp sớm. Điều này cũng phù hợp khi chương trình giáo dục ở cấp THCS đảm bảo học sinh được tiếp cận kiến thức, vấn đề cơ bản và xác định được định hướng của bản thân, làm căn cứ lựa chọn các môn học phù hợp hơn ở cấp học tiếp theo.

Một lần nữa, câu hỏi “học để thi hay thi để học?” trở nên nóng hơn khi có những đổi mới, điều chỉnh trong thi cử. Đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ học sinh học được cái gì, mà quan trọng hơn cả các em có được những kỹ năng gì, làm được gì sau đó. Để làm được điều này, học sinh phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ