Ngoại ngữ là môn thi thứ ba: Tránh 'sốc' cho học sinh, phụ huynh

GD&TĐ - Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã “chốt” Tiếng Anh là môn thứ 3 tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 

Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh cần sự nỗ lực của cả giáo viên và học sinh. Ảnh: Hồ Lài
Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh cần sự nỗ lực của cả giáo viên và học sinh. Ảnh: Hồ Lài

Sớm công bố phương án thi giúp các trường THCS chủ động hơn trong kế hoạch giảng dạy, ôn luyện, đồng thời tạo tâm lý thoải mái, giảm áp lực cho học sinh.

Không thay đổi đột ngột

Môn thi thứ 3 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 tại TP Cần Thơ là Ngoại ngữ. Thí sinh được chọn tiếng Anh hoặc Pháp, theo công bố của sở GD&ĐT thành phố, chiều 18/1.

Năm học này, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) có hơn 400 học sinh lớp 9. Là trường chất lượng đào tạo hàng đầu về môn Ngoại ngữ, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng học, trang thiết bị cũng như bố trí đội ngũ giáo viên để tổ chức ôn tập cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Anh Hoàng - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết, từ đầu năm học, tổ bộ môn xây dựng kế hoạch dạy học kết hợp ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh theo hướng dẫn của sở GD&ĐT. Thống nhất trong tổ bộ môn và tất cả giáo viên khối 9 để có định hướng nội dung, kỹ năng ôn tập cần thiết cho học sinh.

Biết môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là môn Ngoại ngữ, em Nguyễn Lê Lâm Khang - học sinh lớp 9A3, Trường THCS Đoàn Thị Điểm thấy vui và tự tin vì đã học tập, rèn luyện môn Tiếng Anh từ cấp tiểu học. “Để có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, em tiếp tục tiếp thu những định hướng và kỹ năng làm bài mà thầy cô truyền đạt trên lớp, kết hợp tự ôn tập tại nhà”, Khang bày tỏ.

Xác định đây là môn thi tuyển sinh nên Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thầy Trương Vĩnh Khoa đã chỉ đạo giáo viên tổ bộ môn vừa dạy vừa ôn tập. Thời gian từ nay đến trước kỳ thi, nhà trường sẽ tăng cường giải đáp thắc mắc, hệ thống đề thi với các dạng bài tập khác nhau để nâng cao mức độ kiến thức cho học sinh.

Ngoài TP Cần Thơ, nhiều địa phương khác cũng dự kiến chọn Ngoại ngữ là môn thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, dự kiến năm nay sở tiếp tục duy trì 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn.

Việc công bố và tổ chức thi tiếng Anh (môn thi thứ 3) vào lớp 10 sẽ thuận lợi, vì nhiều năm nay các trường THCS, THPT có định hướng chú trọng tiếng Anh. Thứ nữa, học sinh có tâm thế đón nhận đây là môn thi thứ 3 nên chú trọng học tập, ôn luyện. Vì thế, nếu “đột ngột” thay bằng môn khác, vô hình trung sẽ làm khó thí sinh và nhà trường, thậm chí có thể tạo ra phản ứng ngược trong dư luận xã hội.

ngoai-ngu-la-mon-thi-thu-3-2.jpg
Giờ học môn Tiếng Anh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Khó khăn cần tháo gỡ

Tỉnh Hải Dương cũng “chốt” 3 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Theo ông Đỗ Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Hải Dương công bố sớm môn thi thứ 3 là Tiếng Anh để các trường THCS chủ động hơn trong kế hoạch giảng dạy, ôn luyện từ học kỳ II. Qua đó, tạo tâm lý thoải mái và thuận lợi cho phụ huynh, học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Năm học này, Trường THCS Tân Việt (Thanh Hà, Hải Dương) có gần 130 học sinh lớp 9. Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Long, theo kết quả khảo sát, 100% học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn huyện. “Việc sớm công bố môn thi thứ 3 là Tiếng Anh đáp ứng mong mỏi của phụ huynh, học sinh. Qua đó, tạo điều kiện để thầy - trò chủ động từ sớm, xa nhằm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới”, thầy Trần Ngọc Long nhìn nhận.

Dù đã chuẩn bị song Hiệu trưởng Trường THCS Tân Việt cho hay, việc ôn tập cho học sinh khối 9 năm nay có những khó khăn mới. Theo đó, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ tháng 2/2025 nêu: Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Với quy định này, nhà trường không được tổ chức thu tiền học thêm của học sinh như trước đây, kinh phí tổ chức dạy thêm sẽ lấy từ ngân sách. “Đây là một trong những khó khăn mà nhà trường phải đối diện khi triển khai ôn tập cho học sinh khối 9, nhất là giai đoạn nước rút”, thầy Trần Ngọc Long bày tỏ.

Tương tự, Sở GD&ĐT Nghệ An chính thức công bố các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm các môn: Toán, Ngữ văn (thi tự luận, 120 phút) và Ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp) theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Thực tế, tổ chức thi môn Tiếng Anh được Nghệ An triển khai nhiều năm trước, vì vậy quyết định này không quá gây bất ngờ với học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, kế hoạch ôn tập có ảnh hưởng nhất định khi thực hiện Thông tư 29.

Hiệu trưởng nhiều trường THCS tại Nghệ An cho biết, công tác ôn thi cho học sinh lớp 9 vào lớp 10 thường được các nhà trường xây dựng và triển khai từ đầu năm học. Hiện, việc ôn tập vẫn triển khai theo kế hoạch, nhưng khi Thông tư 29 có hiệu lực từ tháng 2 sẽ khiến các địa phương phải điều chỉnh.

Việc ôn tập miễn phí cho học sinh từng được nhiều trường thực hiện, nhưng chỉ trong giai đoạn nhất định, với một số nhóm cụ thể như phụ đạo học sinh yếu, nâng cao cho học sinh khá giỏi giai đoạn nước rút. Còn dạy thêm thời gian dài và với học sinh đại trà thì các trường đang đợi hướng dẫn cụ thể từ sở GD&ĐT.

Trong khi đó, tại các trường vùng cao Nghệ An, những năm trước công tác ôn thi cho học sinh lớp 9 được nhiều giáo viên tình nguyện dạy miễn phí. Tuy nhiên, cái khó của trường này lại nằm ở năng lực học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong (Quế Phong, Nghệ An) cho biết: “So với nhiều vùng, miền khác, học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số gặp nhiều thiệt thòi trong việc học tiếng Anh. Mặc dù đầu vào có sự sàng lọc và chất lượng học sinh vốn dĩ cao hơn so với trường xã, nhưng nhiều em trước khi lên THCS chưa được học tiếng Anh ở cấp tiểu học. Nhà trường phải “gom” các em lại thành một lớp để bồi dưỡng thêm”.

Thúc đẩy dạy, học Ngoại ngữ

Cô Lê Thị Minh Nguyên là giáo viên biên chế tiếng Anh duy nhất của Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc, Nghệ An). Năm nay, cô đảm nhiệm 8 lớp trong đó dạy học cho cả 5 lớp của khối 9. Cô chia sẻ, dù có kinh nghiệm nhiều năm ôn thi lớp 9, nhưng năm nay là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức cho học sinh học Chương trình GDPT 2018.

Giáo án tham khảo dạy học, ôn thi chưa phong phú, bản thân phải tìm tòi các nguồn tài liệu, học hỏi từ đồng nghiệp, đổi mới cách dạy học. Đồng thời nghiên cứu ra đề tiếng Anh các năm trước của Nghệ An và tỉnh, thành khác để ra đề kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực.

Cô Minh Nguyên chia sẻ thêm, Trường THCS Nghi Kiều là một trong những trường vùng khó khăn nhất huyện Nghi Lộc, môn Tiếng Anh là điểm yếu của học sinh. Những năm trước, điểm trung bình thi vào lớp 10 môn này của học sinh nhà trường đều dưới 5. Cô mong muốn sở GD&ĐT sau khi công bố môn thi sẽ sớm ban hành đề thi minh họa để giúp giáo viên, học sinh thuận lợi trong ôn tập.

“Đặc thù môn Tiếng Anh là giáo viên bộ môn khác không thể dạy thay, dạy hộ. Vì vậy, bên cạnh trau dồi chuyên môn, tôi chuẩn bị tâm thế, sức khỏe thật tốt. Nhiều năm nay, dịp cao điểm ôn thi, tôi không dám để mình bị ốm vì không có ai thay thế dạy học, phụ đạo cho học sinh”, cô Minh Nguyên chia sẻ.

Qua tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, thành phố Vinh có điểm thi tiếng Anh cao nhất, trung bình đạt 6,75 điểm. Chỉ có 2 địa phương đạt trung bình trên 5 điểm, còn lại dao động từ 4,16 - 4,96 điểm.

Cá biệt có 6 huyện miền núi cao, điểm trung bình môn Tiếng Anh chỉ từ 3 đến dưới 4 điểm. Toàn tỉnh, điểm trung bình môn Tiếng Anh là 4,75 điểm, chênh lệch khá lớn so với môn Ngữ văn là 7,25 và môn Toán là 5,82. Để vực dậy môn Tiếng Anh cấp THCS đòi hỏi nỗ lực lớn từ mỗi học sinh, giáo viên.

Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, đưa Tiếng Anh trở thành môn thi thứ 3 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng dạy học bộ môn này ở các nhà trường. Qua đó từng bước vực dậy môn Tếng Anh của toàn tỉnh, nhất là cấp THCS.

Ông Thái Văn Thành cho rằng, để thực hiện chủ trương lớn dần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy và nên đưa Tiếng Anh trở thành môn thi thứ 3 để phù hợp với thực tế từng địa phương. Bên cạnh đó, nên có cơ chế cộng điểm ưu tiên, khuyến khích học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025 nhằm thúc đẩy việc học ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ