Riêng về kiểm tra, đánh giá định kỳ, phương thức kiểm tra, đánh giá đa dạng hơn, không chỉ qua bài kiểm tra trên giấy truyền thống. Cụ thể, Bộ GD&ĐT quy định, đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Trên thực tế, thay vì bài kiểm tra trên giấy, khá nhiều trường đã cho học sinh tham gia các dự án học tập, bài thực hành để chấm điểm. Quá trình làm báo cáo sản phẩm, thuyết trình giúp học sinh không chỉ chủ động tiếp nhận kiến thức mà còn phát triển nhiều kĩ năng khác như làm việc nhóm, thuyết trình, kĩ năng tổ chức hoạt động…
Với môn Ngữ văn, cách đánh giá học sinh thay cho kiểm tra truyền thống thường làm là sân khấu hóa, yêu cầu học sinh đưa ra một vấn đề thực tiễn trẻ em đang đối mặt để viết luận…
Ở hình thức sân khấu hóa, thông thường học sinh tham gia từ hoàn thiện kịch bản, casting, tập luyện, trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… Với viết luận, các em tự đọc, nghiên cứu, tổng hợp thông tin và trình bày ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề đã chọn.
Kiểm tra định kỳ qua bài thực hành, dự án học tập tạo ra những khác biệt vượt trội không thể có trong bài kiểm tra trên giấy. Từ áp dụng lý thuyết, học sinh được thực hành và thỏa sức sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy, cho đến nay việc thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra định kỳ chưa thực sự phổ biến. Lợi thế triển khai hiệu quả việc này nghiêng về các trường ngoài công lập, trường ở vùng có điều kiện thuận lợi.
Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sử dụng phong phú hình thức, phương pháp, công cụ kiểm tra đánh giá đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự đầu tư của giáo viên. Đặc biệt, những kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT vẫn là bài làm trên giấy; do đó, bài đánh giá định kỳ cũng theo các kỳ thi quan trọng này.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá là yêu cầu quan trọng trong đổi mới giáo dục, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Để thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, nhà trường cần cụ thể hóa quy định về đánh giá học sinh của Bộ GD&ĐT trong kế hoạch giáo dục nhà trường để giáo viên dễ hình dung, dễ thực hiện hơn. Cùng với sự tiên phong, đồng hành, ủng hộ của lãnh đạo nhà trường còn đòi hỏi nỗ lực, tâm huyết từ giáo viên.
Thầy cô cũng cần được bồi dưỡng, tập huấn về các phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá mới để hiểu, từng bước thay đổi thói quen. Việc này cũng cần trở thành nội dung được quan tâm trong sinh hoạt tổ chuyên môn để thầy cô cùng trao đổi, thống nhất, từ đó thực hiện tốt đổi mới kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của Chương trình 2018.
Một việc quan trọng cũng cần chú ý là cần tránh một thái cực khác: quá coi trọng các hình thức kiểm tra, đánh giá mới mà bỏ quên hình thức kiểm tra trên giấy. Sử dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá cần linh hoạt, khoa học, phù hợp, bám sát nguyên tắc chung trong đổi mới đánh giá học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Có thể nói, quy định đã rất mở, vấn đề là sự quyết tâm của nhà trường, tâm huyết của đội ngũ giáo viên. Việc đánh giá học sinh nói chung, kiểm tra định kỳ nói riêng cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để từ đó là động lực đổi mới cách dạy, cách học.