Phát huy hiệu quả 'hai cùng' trong kiểm tra định kỳ

GD&TĐ - Hiện, nhiều địa phương tổ chức kiểm tra định kỳ chung trên toàn huyện, tỉnh ở một số khối lớp, môn học.

Giờ học tại Trường THCS Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường THCS Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Học sinh làm bài kiểm tra chung đề, cùng thời gian. Hình thức này phát huy nhiều ưu điểm nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, áp lực hơn.

Chuộng kiểm tra định kỳ chung

Tại Bắc Giang, ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2023 - 2024 có 9 môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Giáo dục công dân) ở lớp 9 và lớp 12 do sở ra đề. Lớp 12 học chương trình GDTX cấp THPT, sở ra đề 7 môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Với lớp 6, 7, 8, 10 và 11, sở ra đề kiểm tra 3 môn (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).

Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; các trường THPT, PTDTNT; các đơn vị dạy học chương trình GDTX cấp THPT chỉ đạo ra đề và bố trí kiểm tra các môn, hoạt động giáo dục còn lại của các khối lớp. Sở GD&ĐT ấn định lịch kiểm tra các môn làm đề chung. Việc kiểm tra cuối kỳ chung ở một số khối lớp trên địa bàn toàn tỉnh được địa phương thực hiện nhiều năm nay.

Thông tin từ ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, sở GD&ĐT ra đề kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ đối với khối 12; phòng GD&ĐT ra đề kiểm tra giữa và cuối học kỳ đối với khối 9. Các khối còn lại là đề chung của nhà trường; chỉ kiểm tra thường xuyên mới giao trực tiếp cho giáo viên giảng dạy. Các kỳ kiểm tra diện rộng thực hiện chung đề, kiểm tra chung số báo danh toàn khối và chấm chung.

Kết thúc kỳ kiểm tra, tất cả đề kiểm tra chung cuối và giữa kỳ được gửi về sở GD&ĐT quản lý. Chuyên viên sở tổng hợp, rà soát để rút kinh nghiệm và có sự chỉ đạo thống nhất chuyên môn mỗi dịp sơ kết; đồng thời tham mưu điều chỉnh kịp thời nếu có bất thường/vấn đề phát sinh để đảm bảo chất lượng. “Cách làm này vừa giúp cơ quan quản lý giáo dục theo dõi kết quả thực hiện Chương trình GDPT 2018, vừa giải quyết hạn chế vi phạm dạy thêm học thêm”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Tại Vĩnh Long, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, năm học 2023 - 2024, kiểm tra cuối học kỳ I từ lớp 6 đến lớp 8, phòng GD&ĐT ra đề thống nhất trong toàn huyện đối với môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (sở GD&ĐT hướng dẫn việc ra đề). Các môn còn lại trường ra đề theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT.

Kiểm tra cuối học kỳ I lớp 9, sở GD&ĐT ra đề chung toàn tỉnh cho 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh; các môn còn lại trường ra đề theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT. Kiểm tra định kỳ học kỳ I và cuối học kỳ II khối 12, sở GD&ĐT ra đề chung 9 môn (Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh); các môn còn lại trường ra đề.

“Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, trường THCS&THPT thuộc sở có giải pháp quản lý tốt việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ cấp THCS, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh. Kết thúc mỗi học kỳ, phân tích độ lệch điểm giữa kiểm tra thường xuyên so với kiểm tra định kỳ đối với các môn do sở/phòng GD&ĐT ra đề để chỉ đạo điều chỉnh phù hợp, khẳng định chấ́t lượng từng trường. Trên cơ sở đó cam kết chất lượng và công khai cam kết với cha mẹ học sinh, xây dựng niềm tin vững chắc đối với phụ huynh và xã hội”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ.

Ngoài Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, nhiều địa phương cũng tiến hành kiểm tra định kỳ (chủ yếu là cuối kỳ) chung trên phạm vi huyện/tỉnh ở một số khối lớp, môn học, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Bến Tre, Bình Phước...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Xác định rõ ý nghĩa, mục tiêu

Để triển khai kiểm tra định kỳ trên diện rộng hiệu quả, có chất lượng, thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Tháp Mười, Đồng Tháp) cho rằng phải phát huy được hiệu quả hoạt động của Hội đồng bộ môn cấp tỉnh để thống nhất cao trong nội dung, hình thức kiểm tra.

Có định hướng và tài liệu tham khảo được soạn thảo chất lượng, bảo đảm chiều sâu; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động bồi dưỡng, chia sẻ chuyên môn từng môn theo cụm trường phù hợp. Kế hoạch kiểm tra định kỳ chung phải được lấy ý kiến cán bộ quản lý, giáo viên để bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, cần có giải pháp bảo đảm tính bảo mật đề thi.

“Khâu lựa chọn giáo viên ra đề rất khó, vì nếu đề không phù hợp mặt bằng chung của tỉnh ở một bộ môn nào đó sẽ làm ảnh hưởng đến các nhà trường, nhất là đánh giá giáo viên theo chuẩn, xếp loại viên chức cuối năm; dẫn đến thiệt thòi cho đội ngũ ngay trong nội bộ nhà trường, tỉnh. Từ đó, vô hình trung tăng áp lực giảng dạy lên giáo viên. Áp lực học tập lên học sinh cũng tăng lên”, thầy Trần Văn Hân lưu ý.

Còn theo ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Chương trình GDPT 2018 phải dựa trên cơ sở yêu cầu cần đạt của chương trình. Hơn ai hết, giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp là người nắm rõ năng lực học tập từng học sinh.

Vì vậy, ngoài việc đánh giá thường xuyên, trong quá trình giảng dạy, việc giáo viên ra đề kiểm tra định kỳ đối với học sinh lớp mình trực tiếp giảng dạy sẽ sát, phù hợp hơn. Thông qua kết quả kiểm tra, giáo viên thu nhận được thông tin có độ tin cậy cao về khả năng tiếp nhận kiến thức từng em; từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm làm cơ sở để điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp; đặc biệt nắm được sự tiến bộ của học sinh để giúp các em điều chỉnh phương pháp học tập.

“Tuy nhiên, trong trường hợp thật sự cần thiết, để phục vụ mục tiêu quản lý, tôi nghĩ các nhà trường/phòng/sở GD&ĐT có thể có những bài kiểm tra chung trên diện rộng để thu nhận thông tin việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, từng trường để điều chỉnh cho phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học.

Để triển khai hiệu quả việc này, cần xác định rõ mục tiêu, ý nghĩa kiểm tra diện rộng là gì (cần thu thập thông tin gì), có thật sự cần thiết không, sự đồng thuận của giáo viên, thái độ/trách nhiệm học sinh. Đặc biệt, cần đảm bảo tất cả quy trình của khâu ra đề kiểm tra theo quy định để có được đề kiểm tra chất lượng, đáp ứng mục tiêu đề ra; tổ chức coi, chấm kiểm tra nghiêm túc, khách quan, chính xác”, ông Trần Tuấn Khanh cho biết.

Cũng có những địa phương không tổ chức kiểm tra định kỳ trên diện rộng. Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, Phùng Quốc Lập, sở GD&ĐT không chỉ đạo kiểm tra định kỳ chung trên toàn huyện/tỉnh. Lý do, theo quy định, việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học do các trường chủ động xây dựng và triển khai sao cho phù hợp điều kiện thực tế từng trường như: Cơ sở vật chất, đội ngũ, khả năng nhận thức của học sinh các vùng miền...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.