Lưu ý khi tổ chức kiểm tra định kỳ trên diện rộng

GD&TĐ - Nhiều địa phương hiện nay cho các trường tổ chức kiểm tra định kỳ chung đề, chung đợt (quy mô cấp huyện hoặc tỉnh) ở một số khối lớp và một số môn.

Giờ học tại Trường THCS Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội).
Giờ học tại Trường THCS Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội).

Như tại Bắc Ninh, kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT tổ chức ra đề chung cho các môn học:

Toán (các lớp 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12); Vật lí, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Hóa học (các lớp 9, 10, 11, 12); Ngữ văn (các lớp 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12); Khoa học tự nhiên (lớp 6, 7, 8); Lịch sử và Địa lí (lớp 6, 7, 8); Tiếng Anh (các lớp 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12); Giáo dục công dân (lớp 12). Riêng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh tự ra đề, tổ chức kiểm tra tất cả các môn.

Kiểm tra, đánh giá cuối kì I năm học 2023-2024, Phòng GD&ĐT TP. Tam Điệp (Ninh Bình) tổ chức ra đề chung đối với các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh từ khối 6 đến khối 9. Các trường chủ động ra đề các môn học/hoạt động giáo dục còn lại.

Phòng GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng ra đề, in sao, đảm bảo 1 đề/học sinh/môn. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước Phòng GD&ĐT về việc bảo quản, bảo mật của đề kiểm tra.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội), việc kiểm tra định kỳ chung trên toàn quận Long Biên được thực hiện đối với khối 9 hàng năm ở 3 bộ môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh.

Mục đích nhằm đánh giá chất lượng học sinh đại trà trên diện rộng; từ đó có hướng chỉ đạo chuyên môn đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt có các giải pháp chỉ đạo kịp thời để nâng cao chất lượng chung đối với học sinh cuối cấp.

Việc này cũng nhằm giúp các cơ sở giáo dục có sự đối sánh khách quan để nhận định được chất lượng bộ môn của đơn vị mình.

Để triển khai kiểm tra định kỳ trên diện rộng hiệu quả, thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong nhiệm vụ chuyên môn, từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT Long Biên đã quy định cụ thể các bộ môn tiến hành kiểm tra chung, quy định thời điểm kiểm tra, hình thức kiểm tra để các trường có kế hoạch chuyên môn phù hợp.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn lưu ý, việc kiểm tra trên diện rộng chỉ nên thực hiện ở một số bộ môn/khối lớp, áp dụng với cuối học kỳ, hoặc các bài khảo sát chất lượng.

Không nên phủ kín các bộ môn bởi lẽ việc kiểm tra đánh giá theo quy định của Thông tư 22, và Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT có nhiều hướng mở để phù hợp với năng lực và nhận thức của học sinh.

Việc ra đề cần đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm, sát thực tế, bám sát đặc điểm giáo dục của địa phương để đề kiểm tra đảm bảo tính vừa sức, phân loại được học sinh, xác định được đúng và trúng các thang đo chất lượng; từ đó có nhận định chính xác đối với giáo dục của bộ môn khi tiến hành kiểm tra diện rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.