Niềm tin này có cơ sở khách quan từ bản thân chủ trương đổi mới và những chuyển động trong năm vừa qua của ngành Giáo dục.
- Từ trước đến nay, chúng ta vẫn có quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”. Ông đánh giá như thế nào sau năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết 29 Trung ương? Liệu đây có thể đánh giá ngành Giáo dục đã có một khởi đầu thuận lợi?
Tôi cho rằng, được nhất trong năm qua là toàn ngành Giáo dục đã thực sự chuyển động. Đó là chuyển động tích cực đổi mới cách dạy, cách học trong mỗi nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng luôn luôn nghĩ cách này, cách khác để đổi mới.
Rõ ràng trong quá trình làm Nghị quyết, rồi sau khi Nghị quyết được ban hành đã tác động không nhỏ về mặt nhận thức, chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang chú trọng đến phát triển năng lực; từ giáo dục còn khép kín sang nền giáo dục mở.
Nói về những công việc cụ thể, ngành Giáo dục đã có một số chủ trương đúng theo hướng đổi mới. Có thể nói đến: Quyết định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa; Chương trình giáo dục được chuẩn bị theo hướng tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực học sinh; việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh; việc chọn đổi mới thi cử làm khâu đột phá nhằm tác động trở lại làm thay đổi cách dạy, cách học; quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học với việc bỏ chấm điểm trong đánh giá thường xuyên; một số định hướng chuẩn bị cho việc nghiên cứu đổi mới giáo dục đại học…
Có thể nói rằng, chỉ trong một năm mà có từng ấy chuyển
động cũng là cố gắng lớn của Bộ GD&ĐT và ngành Giáo
dục.
- Trên nền tảng thành công bước đầu, theo ông, ngành
Giáo dục nên chú trọng đến những nội dung gì trong năm
tiếp theo?
Tôi cho rằng, ngành Giáo dục nên cùng với các nhà khoa
học, tiếp tục làm rõ nhận thức về giá trị cốt lõi của chủ
trương đổi mới, để nắm cho thật chắc, tránh những việc
làm không đúng do nhận thức.
Về những công việc cụ thể, theo tôi, có một số việc cần
làm.
Thứ nhất là phải chú trọng vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục. Hiện nền giáo dục đang theo hướng mở, cơ chế mở nên cần có kiểm định chất lượng để phòng ngừa những kẽ hở phát sinh từ xu hướng mở đó, nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo. Cụ thể, phải có cơ quan kiểm định chất lượng độc lập, cả của nhà nước, của Hiệp hội và tư nhân.
Thứ hai, để triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT nên tập trung để làm chương trình cho thật tốt.
Thứ ba, cần phải làm rõ vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận trong khu vực các trường học. Theo đó, nên đề nghị miễn thuế cho các trường phi lợi nhuận, ngược lại có thu thuế với trường hoạt động vì lợi nhuận.
Thứ tư, chú ý đề ra và thi hành những cơ chế chính sách tạo sự bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập từ trung cấp trở lên, kể cả bình đẳng về cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính. Tôi hình dung, trường công, tư giống như hai cái cánh của một con đại bàng, nếu hai cánh lệch nhau, làm sao con đại bàng có thể bay lên cao được!
Thứ năm, là giải quyết vấn đề tự chủ của các trường ĐH để các trường rộng đường làm nên chất lượng. Quyền tự chủ ấy phải trao cho Hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ quan quyền lực thực sự chứ không phải “cùng cánh” của hiệu trưởng.
Thành phần của Hội đồng này cần có người trong trường và ngoài trường có tâm huyết và năng lực để thực hiện công việc. Bộ phải thực sự công phu, đi đến từng cơ sở để chỉ đạo cho được việc này. Thêm nữa là việc điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống giáo dục, trong đó chú ý thuận lợi cho việc liên thông.
- Một trong những dấu ấn của ngành Giáo dục trong năm 2014 là Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Quốc hội thông qua. Ông hình dung như thế nào về chương trình mới với mục tiêu tạo chuyển biến, căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông…?
Tôi đã gặp một số người đang trực tiếp tham gia làm chương trình và tìm hiểu làm chương trình mới như thế nào. Tôi hơi lo, không khéo sẽ vẫn như cũ, vẫn là cách làm theo kiểu chương trình tiếp cận nội dung. Có thể nói, để làm được một chương trình tốt không hề đơn giản, nhất là chúng ta vẫn bị những thói quen cũ, cách làm cũ ám ảnh.
Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, chương trình mới, thay vì trình bày la liệt kiến thức, chỉ cần giới thiệu giá trị cốt lõi, còn lại tập trung vào phương pháp tiếp cận, cách tìm tài liệu, kiến thức, cách học, cách giải quyết vấn đề và hướng dẫn tổ chức các hoạt động học.
Điều hết sức quan trọng là tổ chức hoạt động học cho học sinh. Vai trò của người thầy rất quan trọng, phải phát hiện được năng lực bên trong của học trò, biết cách tác động để nó tự phát triển.
Như vậy, người thầy vừa là một nhà khoa học, nhà giáo dục, vừa như một nghệ sĩ. Trên tinh thần đó, chương trình phải hướng đến tác động để phát triển năng lực học sinh, tránh chỉ truyền thụ kiến thức.
- Ông có tự tin vào thành công của ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện?
Tôi cho rằng, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục chắc chắn sẽ thành công vì hướng đi hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan. Trong đó, có thể nói đến hai vấn đề cốt lõi nhất đi đúng quy luật, đó là:
Chuyển từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học; chuyển từ nền giáo dục khép kín sang giáo dục mở, liên thông, thực học, thực nghiệp. Chỉ có điều, thành công đó đến sớm hay muộn là do cách chúng ta triển khai thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!