Cơ hội & thách thức với hiệu trưởng
Đề cập đến chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018, tiến sỹ Trần Hữu Hoan – cho rằng, cần quản lý phát triển chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông bao gồm: Chương trình môn học và chương trình hoạt động giáo dục nhà trường cần được phát triển theo định hướng cơ bản sau:
Thứ nhất, phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Năng lực và phẩm chất của người học được hình thành và rèn luyện thông qua việc tổ chức thực thi chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Do vậy, việc thiết kế chương trình môn học, hoạt động giáo dục là hết sức quan trọng, mà trước hết là xây dựng được chuẩn đầu ra của từng môn học, từng hoạt động giáo dục. Khi có chuẩn đầu ra cụ thể, tường minh, tiếp theo là lựa chọn và sắp xếp nội dung cần đưa vào chương trình môn học, cũng như hoạt động giáo dục cho phù hợp với điều kiện của nhà trường và năng lực của người học.
Thứ hai, thiết kế và xây dựng chương trình theo hướng tích hợp, tích hợp ở đây không có nghĩa là ghép một cách cơ học các môn học và các hoạt động giáo dục, mà là tích hợp các nội dung liên quan gần vào một môn học, cũng như hoạt động giáo dục. Trong thực thi chương trình, hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá cần có sự phân hóa đối tượng người học theo năng lực và nguyện vọng về nghề nghiệp lựa chọn của người học.
Thứ ba, quản lý phát triển chương trình theo hướng tăng cường tự chủ và giải trình xã hội cho các địa phương và cơ sở giáo dục. Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh, sở GD&ĐT, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm và chịu trách nhiệm đối với các nội dung bổ sung vào chương trình cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương, phù hợp với điều kiện của nhà trường và năng lực của người học.
Đây là cơ hội để phát triển chương trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu giáo dục của nhà trường, người học, song cũng là một thách thức lớn đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên của địa phương.
Bên cạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phát triển chương trình, cán bộ quản lý nhà trường cần có năng lực tự kiểm soát chất lượng, quản lý chất lượng giáo dục của nhà trường.
Bồi dưỡng phải phù hợp với đổi mới
Chính vì vậy, theo tiến sỹ Trần Hữu Hoan, việc tổ chức bồi dưỡng năng lực quản lý phát triển chương trình giáo dục nhằm mục đích giúp đội ngũ hiệu trưởng trường THPT quán triệt chủ trương, định hướng phát triển chương trình giáo dục, chương trình môn học, hoạt động giáo dục;
Đồng thời, hiểu thống nhất các khái niệm về chương trình giáo dục, cung cấp kiến thức cốt lõi về khoa học phát triển chương trình giáo dục: cơ sở khoa học xây dựng chương trình; mô hình xây dựng, quan điểm tiếp cận trong xây dựng chương trình; quy trình phát triển chương trình giáo dục; Mặt khác, giúp họ bổ sung năng lực vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để tham gia thiết kế, xây dựng, thực thi và đánh giá chương trình giáo dục.
Theo tiến sỹ Trần Hữu Hoan, để đạt được mục tiêu bồi dưỡng năng lực quản lý phát triển chương trình giáo dục, cần tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng phát triển chương trình giáo dục phù hợp với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Tiếp đó cần lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện của cán bộ quản lý các trường THPT. Chỉ đạo chặt chẽ của Sở GD&ĐT trong quá trình thực hiện bồi dưỡng, tạo điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng, chính sách cho những người tham gia bồi dưỡng.
Cần phân hóa đối tượng bồi dưỡng, từ đó xác định nội dung bồi dưỡng cho phù hợp, chuyên sâu đối với từng đối tượng. Cụ thể, đối tượng được bồi dưỡng đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường THPT, đối tượng là nguồn chuẩn bị cho bổ nhiệm, tổ trưởng bộ môn và giáo viên cốt cán của trường THPT.
Sau khi được bồi dưỡng, cán bộ quản lý nhà trường triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý tổ bộ môn, giáo viên trong nhà trường về phát triển chương trình giáo dục, chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Tổ chức tập huấn về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cho đội ngũ giáo viên nhà trường.
Cùng với đó là tổ chức các hoạt động xã hội hóa giáo dục, huy động các lực lượng xã hội tham gia phát triển nguồn học liệu phù hợp với chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường.