Quy hoạch trường sư phạm để nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Một trong những nội dung trọng tâm cho năm học 2017 - 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm đang thực sự thu hút sự quan tâm của xã hội, bởi đây không chỉ là sự định hướng mang tính chiến lược cho nền giáo dục nước nhà phấn đấu hoàn thành sứ mạng của mình, mà còn khẳng định con đường để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Quy hoạch trường sư phạm để nâng cao chất lượng

Mặc dù không phải cho đến giờ câu chuyện quy hoạch ngành sư phạm mới được nóng lên, mà nó đã được đặt ra từ lâu. Nhưng đúng là ngày càng cho thấy tính cấp thiết về việc quy hoạch các trường sư phạm, nhất là trong những năm gần đây qua các đợt tuyển sinh khi nhiều trường có đào tạo ngành sư phạm không tuyển đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn trúng tuyển không cao càng khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên đang bộc lộ những hạn chế cơ bản, như: việc phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên.

Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Chất lượng đào tạo giáo viên không đồng đều giữa các cơ sở...

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 117 cơ sở đào tạo ngành sư phạm. Số lượng cơ sở đào tạo nhiều, lại phân tán khắp cả nước và có nhiều cơ quan quản lý đã dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm ra trường nhiều hơn nhu cầu thực tế.

Cũng theo phân tích của các nhà chuyên môn, nếu vẫn giữ nguyên quy mô đào tạo như hiện nay, đến năm 2020 sẽ có khoảng 70.000 cử nhân học ngành sư phạm ra trường không tìm được việc làm.

Chính sự bão hòa về số lượng giáo viên cũng như việc tuyển dụng “nhỏ giọt” ở nhiều địa phương đã đánh động tâm lý của nhiều gia đình khi con em đứng trước ngưỡng cửa đại học. Điều đó cũng đồng nghĩa là ước mơ kéo người tài về với sư phạm sẽ còn mãi xa vời!

Vì vậy, việc quy hoạch sắp xếp lại các trường sư phạm là cần thiết không chỉ nhằm giảm số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, tránh lãng phí trong đào tạo, sử dụng mà còn để các trường đủ lực đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Tất nhiên việc quy hoạch sắp xếp các trường sư phạm ở thời điểm này phải có sự tính toán một cách rất cụ thể, đó nhất định không chỉ là sáp nhập hay giải thể các trường sư phạm một cách cơ học mà phải tính đến yếu tố quy hoạch đội ngũ giáo viên phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay.

Sắp xếp ở đây phải dựa trên căn cứ là đánh giá tiềm lực, năng lực, chất lượng. Những cơ sở có tiềm lực mạnh, có chất lượng chắc chắn phải giữ lại và phát triển mạnh hơn. Những đơn vị nào yếu kém quá thì tự nhiên cũng thấy rằng mình cần phải giải thể, mình cần phải bị chấp nhận tái cấu trúc.

Hơn nữa mục tiêu của quy hoạch này cũng chính là hướng đến tạo điểm nhấn cho việc đầu tư cho giáo dục, tạo tiền đề, động lực để thúc đẩy giáo dục phát triển. Hay nói một cách khác là tạo nhằm đầu tư “đúng”, “trúng” thu hút được người giỏi thi vào sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo.

Vì thế thiết nghĩ khi sắp xếp các trường sư phạm cũng cần tính tới quy hoạch các cơ sở phục vụ việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có chứ không chỉ là các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo mới đội ngũ giáo viên, đồng thời kèm theo các tiêu chuẩn bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo; có cơ chế tuyển sinh riêng đối với các trường sư phạm, bảo đảm chọn được những người giỏi, có năng lực và tâm huyết.

Nhất là đối với việc đào tạo giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông trong các trường sư phạm cần được thực hiện gắn với thực hành, thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục; cần có quy định về cơ chế tôn vinh đặc thù đối với nhà giáo (các danh hiệu, biểu tượng về cống hiến nghề nghiệp, các chương trình tri ân, cơ chế tôn vinh đột xuất...; tạo cơ chế để huy động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia ủng hộ, khen thưởng, động viên nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo cống hiến.

Bên cạnh đó là việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục; điều chỉnh các quy định hiện hành về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục để bảo đảm tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nước nhà.

Việc quy hoạch sắp xếp các trường sư phạm ở thời điểm này phải có sự tính toán một cách rất cụ thể, đó nhất định không chỉ là sáp nhập hay giải thể các trường sư phạm một cách cơ học mà phải tính đến yếu tố quy hoạch đội ngũ giáo viên phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.
Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.