8 việc để có giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tốt

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hồ Chí Minh - chia sẻ những việc cần làm để chúng ta có thể theo kịp các nước phát triển về đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 8 việc để có giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tốt

Thay đổi chương trình và thời gian đào tạo

Đưa ra nhận định: Chương trình đào tạo giáo viên của Việt Nam còn nặng về nội dung chuyên môn, chưa cân đối giữa phần chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, PGS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, các trường sư phạm cần phối hợp trong xây dựng chương trình.

Nên sửa đổi Luật Giáo dục Đại học theo hướng chương trình sư phạm phải được thống nhất chung trong cả nước. Bên cạnh đó, đào tạo giáo viên THCS và THPT vẫn theo hướng đơn môn, không phù hợp với nhu cầu sử dụng giáo viên ở 2 cấp học này.

Cũng theo PGS Nguyễn Kim Hồng, đây là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta có thể thay đổi, nhất là thay đổi thời gian đào tạo.

"Giáo viên phải dạy được 2 môn học ở phổ thông. Thời gian đào tạo giáo viên cần 5 năm - 3 năm cho đào tạo cử nhân và 2 năm cho thạc sĩ giáo dục (hệ thống giáo dục phổ thông được Chính phủ ban hành tháng 10/2016, thời gian đào tạo đại học sẽ rút xuống còn 3 đến 5 năm).

Đây là một cơ hội để thay đổi, bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ có thể chậm thêm một nhịp nữa với đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm" - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Quy hoạch - tăng cường đầu tư và quản lý nhà nước

Một việc quan trọng khác cần làm là quy hoạch lại mạng lưới và tăng cường đầu tư cho các trường sư phạm, tăng cường quản lí nhà nước về chất lượng đào tạo giáo viên.

Với nội dung này, PGS Nguyễn Kim Hồng nêu quan điểm: Số lượng cơ sở đào tạo tạo giáo viên hiện nay là quá nhiều, dẫn tới tình trạng “tranh nhau” đào tạo, nhà nước khó kiểm soát chất lượng.

Do đó, cần phải quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tận dụng các cơ sở hiện có, xem xét nhu cầu giáo viên theo vùng để quyết định qui mô của các trường và số lượng trường/khoa trong từng vùng. Không thực hiện việc chia nhỏ nhu cầu cho các trường thay vì phải tập trung.

Cơ sở để qui hoạch chính là nhu cầu sử dụng giáo viên – điều này có thể tính toán được trên cơ sở dự báo số học sinh đi học của các tỉnh thành và khu vực (căn cứ kết quả dự báo dân số theo độ tuổi, có thể dự báo đến năm 2044).

Xây dựng 2 tới 3 đại học quốc gia đào tạo giáo viên. Các đại học này sẽ đi đầu hệ thống các trường sư phạm trong đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, cách thức kiểm tra đánh giá sinh viên; tham mưu cho Bộ trưởng trong thử nghiệm các chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở thực hành trước khi triển khai đại trà.

"Cũng cần tăng cường đầu tư cho các trường sư phạm về cơ sở vật chất. Có chiến lược bồi dưỡng giảng viên sư phạm, quản trị nhà trường trong các trường sư phạm.

Nhà nước khi cần thiết phải là người điều tiết bằng những qui định chặt chuẩn đào tạo giáo viên (ban hành các văn bản về chuẩn giáo viên đại học sư phạm) và giao chỉ tiêu đào tạo hàng năm, cấp kinh phí cho đào tạo giáo viên và thực hiện/giao tuyển dụng giáo viên cho các tỉnh thành" - PGS Nguyễn Kim Hồng nhấn mạnh.

Mở rộng hệ thống trường thực hành

Trường thực hành đã được luật hóa, nhưng PGS Nguyễn Kim Hồng cho biết, trên thực tế chúng ta chưa có hệ thống (có tính chất mạng lưới) các trường thực hành sư phạm.

Bởi vậy, cần phải hiện thực hóa việc này càng sớm càng tốt, vì chính các trường thực hành là “bệnh viện thực hành” của các trường sư phạm.

Trường thực hành không chỉ “gói” trong các trường công lập. Cần có những chính sách để giáo viên, học sinh và nhà trường thực hành sư phạm là những người đi đầu trong đổi mới giáo dục phổ thông.

Đào tạo lại giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Quan điểm của PGS Nguyễn Kim Hồng: Giáo viên ra trường cần phải được bồi dưỡng hàng năm, bao gồm bồi dưỡng những kiên thức pháp luật liên quan đến giáo dục nói chung và trường phổ thông nói riêng.

Ngoài ra, các lớp bồi dưỡng về nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cũng phải được tổ chức thường xuyên, định kì theo năm học nhằm giúp giáo viên trong cả nước phát triển năng lực dạy học trong nhà trường phổ thông.

Chú ý đến chuẩn năng lực lãnh đạo, giao tiếp

Đào tạo giáo viên hiện nay ở nước ta vẫn thực hiện theo kiểu lấy chuẩn nghề nghiệp (chuẩn đầu ra) làm thước đo. Đưa ra thực trạng này, PGS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, cần phải có sự thay đổi lớn trong đào tạo giáo viên trong đó chú ý đến chuẩn năng lực lãnh đạo và giao tiếp (ngoài chuẩn Kiến thức, Kĩ năng, Thái độ theo Bloom). Đây là một sự thay đổi rất lớn trong tư duy giáo dục.

Sở dĩ mong muốn chuẩn đầu ra cần có đối với đào tạo giáo viên khi nhấn mạnh 2 năng lực trên, lý giải của PGS Nguyễn Kim Hồng, là bởi qua thực tiễn làm việc trong ngành giáo dục, vì thiếu kĩ năng lãnh đạo nên nhiều giáo viên thiếu đi sự tự tin cần thiết, thiếu sự phán đoán, ra quyết định nên đã không mạnh dạn đổi mới.

"Giáo dục là một nghề mà tính sáng tạo (đổi mới và chấp nhận đổi mới) là năng lực hàng đầu trong các năng lực cần có của người giáo viên. Tất cả giáo viên phải nhận thức được và tham gia vào sự đổi mới" - PGS Nguyễn Kim Hồng nêu rõ.

Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: Vietnam+
Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: Vietnam+

Thay đổi hình thức tuyển sinh, tuyển dụng

Đề cập đến vấn đề này, PGS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, hiện nay, tất cả các trường sư phạm tuyển sinh viên chỉ căn cứ vào kết quả học tập (kể cả hình thức lấy kết quả thi quốc gia và học bạ); chưa bao giờ thực hiện phỏng vấn ứng viên trước khi ra quyết định trúng tuyển.

Đây chính là nguyên nhân của sự yếu kém trong nghề nghiệp, dẫn đến sự ứng xử thiếu tính sư phạm, tính nhân văn của một số giáo viên.

"Trước năm 1975, muốn vào học sư phạm, sinh viên (đang học các khoa khoa học) phải thi. Thi vào đại học sư phạm khi đó phải qua 2 vòng: thi viết và vấn đáp và phải đậu thi viết mới được thi vấn đáp. Điều này đã cho phép loại bỏ những sinh viên kém mà vẫn muốn theo đuổi nghề dạy học.

Sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo giáo viên được nhà nước bổ nhiệm giống như bổ nhiệm công chức" - PGS Nguyễn Kim Hồng cho hay.

Giao bồi dưỡng giáo viên cho trường sư phạm

Vấn đề thứ 7 được PGS Nguyễn Kim Hồng đề xuất là thống nhất chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý và bồi dưỡng giáo viên. Giao việc bồi dưỡng giáo viên cho các trường sư phạm. Trường/học viện quản lý giáo dục chỉ thực hiện việc bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục.

Sử dụng thành quả cách mạng 4.0

Cuối cùng, PGS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, cần sử dụng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong lĩnh vực truyền thông để việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.